“Vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử. Điều đó khẳng định chúng ta đã coi đây là mặt trận mới trong công tác phòng chống gian lận thương mại”.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết như vậy tại toạ đàm Cao điểm chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái và bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng, ngày 16-12.
Ông Linh cho biết, theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2021, doanh số bán lẻ trên thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đạt khoảng 13,5 tỉ USD. Năm 2022 dự kiến đạt 16,5 tỉ USD. Dự báo những năm tới, tốc độ tăng trưởng trong ngành này ngày càng mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, đi kèm theo đó là gian lận thương mại trên môi trường mạng cũng ngày càng gia tăng và phức tạp. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu thì đây sẽ trở thành môi trường tiếp tay cho vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả.
Tháng 10-2022, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh phối hợp Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh bán hàng trên Facebook, tạm giữ 8.000 đôi giầy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: QLTT Bắc Ninh |
“Công tác chống gian lận thương mại trên môi trường internet rất khó khăn. Vì đây là nơi có sự tham gia của nhiều chủ thể, lực lượng. Đơn cử như việc kiểm tra, kiểm soát, xử phạt hành chính về hàng hoá gian lận thương mại là của lực lượng quản lý thị trường, nhưng việc mua sắm trên mạng lại liên quan nhiều đến bên thứ ba.
Ví dụ, mua sắm trên mạng phải có lực lượng thanh toán, lực lượng chuyển phát, chủ thể cung cấp các sàn giao dịch TMĐT, nền tảng mạng xã hội… Không chỉ vậy, để tìm ra một vụ việc vi phạm trên internet là không dễ dàng, đòi hỏi sự phối hợp rất khéo giữa các lực lượng. Trong khi đó, trên môi trường mạng, số lượng hàng hoá, người mua bán rất nhiều.” - ông Linh chia sẻ.
Về giải pháp, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chính thức trình đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng TMĐT, trong đó quy định rõ trách nhiệm, cam kết của các sàn TMĐT. Đồng thời đề án cũng phân chia rõ trách nhiệm của từng lực lượng, từng bộ ngành, đề ra các quy định, yêu cầu phối hợp trong công tác thực thi kiểm tra xử phạt gian lận thương mại trên môi trường mạng.
Ông Vũ Như Hà, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an, cho rằng TMĐT là một loại hình giao dịch dựa trên nền tảng internet là chính, nhưng suy cho cùng hàng hoá vẫn là hàng hoá thật nên các đơn vị phối hợp phải kiểm soát chặt chẽ hàng hoá, từ khâu cung cấp của nhà sản xuất đến các khâu trung gian và khi đến tay người tiêu dùng.
Do đặc thù có nhiều bên tham gia nên các cơ quan tham mưu cần tham mưu thể chế, chính sách, trong đó xác định rõ trách nhiệm của những chủ thể tham gia vào hoạt động này từ nhà mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp bán hàng, đơn vị trung gian vận chuyển và trách nhiệm của người tiêu dùng.
“Trong công tác phối hợp cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, từ lực lượng Quản lý thị trường, cơ quan thuế, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an…” - ông Hà nhấn mạnh.
Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trong đó, yêu cầu cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường trong đợt cao điểm; tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.