Mậu Thân 1968 - 45 năm nhìn lại - Bài cuối: Mỹ phải rút khỏi Việt Nam!

Nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán Paris 1973 và đi đến kết thúc thắng lợi vào trưa ngày 30-4-1975 lịch sử.

Nhiều học giả, nhà sử học trong và ngoài nước cho rằng tác động lớn nhất của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được cảm nhận rất rõ ở ngay chính nước Mỹ. Với sự tham gia của truyền thông quốc tế, đặc biệt là báo chí Mỹ, đã khiến công chúng Mỹ sống trong bầu không khí của chiến tranh từng ngày một.

Tác động dữ dội tới nước Mỹ

Trò chuyện với người viết, cựu phóng viên tờ Washington Post Don Luce nhớ lại: “Cuộc tấn công Mậu Thân cho người dân Mỹ thấy một sự thật rằng cuộc chiến này thực sự không hề có chiều hướng dịu đi, không hề có chút ánh sáng nào ở cuối đường hầm và người ta bắt đầu chú ý nhiều đến nó. Thêm vào đó, những người Mỹ tình nguyện (đi lính) bắt đầu phản đối chiến tranh. Kể cả với những người đang ở Việt Nam. Họ viết thư về nhà, họ thật sự công khai phản đối chiến tranh. Và thế là đã có sự dịch chuyển, thay đổi thái độ sang việc phản đối chiến tranh. Nó cứ lớn dần, lớn dần lên…”.

Thời điểm sau tết Mậu Thân 1968, Dick Hughes, diễn viên Mỹ, là một trong số 16 triệu thanh niên Mỹ đã đốt thẻ và chống lệnh đi quân dịch. Ông phải đối mặt với án tù năm năm cho quyết định này. Vài tháng sau đó, Dick Hughes quyết định một mình đến Sài Gòn và tự tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra ở đây. “Cuộc chiến tranh này đã luôn ám ảnh trong tâm trí tôi. Trên tivi, chúng tôi luôn nhìn thấy những trận đánh, những xác người chết và những gì đang diễn ra thật khủng khiếp tại Việt Nam. Tôi quyết định mình phải làm một điều gì đó cho Việt Nam. Thế là tôi tự đến Việt Nam và làm công tác xã hội” - Dick Hughes kể.

Cuộc đời của Dick Hughes và rất nhiều người Mỹ khác đã thay đổi từ sau sự kiện Mậu Thân 1968. Trong “cơn ác mộng” hậu Mậu Thân, tình hình nước Mỹ trở nên hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình của sinh viên Trường ĐH Kent State diễn ra vào ngày 4-5-1970 tại bang Ohio. Trong sự căng thẳng tột độ, lực lượng vệ binh quốc gia đã xả súng vào hàng ngàn sinh viên trong khuôn viên trường đại học, khiến bốn sinh viên thiệt mạng và chín người khác bị thương. Ngọn lửa phản chiến bùng lên dữ dội hơn bao giờ hết, trở thành một cuộc chiến thật sự, một cuộc đối đầu giữa chính quyền và nhân dân Mỹ ở ngay trong lòng nước Mỹ, đẩy quốc gia này vào một sự chia rẽ sâu sắc chưa từng có.

Mậu Thân 1968 - 45 năm nhìn lại - Bài cuối: Mỹ phải rút khỏi Việt Nam! ảnh 1

Nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán Paris 1973 và đi đến kết thúc chiến tranh năm 1975, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Máu của người Mỹ đã đổ, không chỉ trên chiến trường Việt Nam mà còn ở ngay tại quê nhà trong phong trào phản chiến lịch sử, sau sự kiện Mậu Thân 1968.

Trước áp lực của dư luận trong nước và thế giới, Tổng thống Lyndon Johnson buộc phải xuống thang chiến tranh, “phi Mỹ hóa” cuộc chiến này và tìm kiếm con đường đàm phán, thương lượng hòa bình để rút quân về nước. Khi Tổng thống Nixon vào Nhà Trắng, tiếp nối di sản chiến tranh mà Lyndon Johnson để lại, ông phải đứng trước hai lựa chọn: Một, tiếp tục tăng quân và ném bom hủy diệt miền Bắc Việt Nam; hai, ngừng ném bom miền Bắc và rút quân về nước, thương lượng với Hà Nội để kết thúc cuộc chiến. Nhưng dường như Tổng thống Nixon không có quyền lựa chọn trước con đường đã được vạch sẵn, nếu không muốn đẩy nước Mỹ đến hố sâu của sự chia rẽ nội bộ trầm trọng hơn.

“Hãy ra khỏi Việt Nam đi!”

Dù còn nhiều ý kiến, đánh giá khác nhau về đợt 2 và đợt 3 của sự kiện Mậu Thân 1968 nhưng một sự thật phải được nhìn nhận: Mậu Thân 1968 là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một sự kiện được xem là bước tập dợt trên quy mô lớn của quân và dân ta để chuẩn bị cho những trận đánh lớn sau này, đặc biệt là trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman cho rằng: “Chính sách tăng quân chiến đấu của Mỹ vào Việt Nam đã kết thúc cùng với cuộc tấn công Mậu Thân. Giờ đây, thách thức đặt ra với người Mỹ là làm thế nào để rút khỏi cuộc chiến này trong danh dự. Mậu Thân là một bước chuyển mang tính quyết định, dẫn đến việc chấm dứt leo thang chiến tranh Việt Nam. Bom vẫn tiếp tục rơi nhưng lính Mỹ thì dần được về nhà”.

Mậu Thân 1968 - 45 năm nhìn lại - Bài cuối: Mỹ phải rút khỏi Việt Nam! ảnh 2

Người dân Mỹ biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam sau Mậu Thân 1968 tại TP San Francisco (bang California, Mỹ). Ảnh tư liệu

Còn với nhà báo, sử gia Stanley Karnow thì: “Theo quan niệm căn bản của tôi về cuộc chiến tranh này, đúng là không thể nào có một chiến thắng dành cho chúng tôi, vì một lý do cực kỳ đơn giản. Kẻ thù của chúng tôi đã có một khoảng thời gian dài để bắt đầu tập làm quen với những mất mát tột cùng, không giới hạn. Chính sách của Mỹ khi bắt đầu đặt chân vào Việt Nam là giết thật nhiều người lính đối phương để làm tiêu tan hết lực lượng của họ. Và lính Mỹ đã làm y như vậy, giết chết hàng triệu người, không thể nhớ rõ được. Nhưng họ chẳng bao giờ tìm thấy được điểm dừng của sự giết chóc này. Cuối cùng, họ vẫn cứ tiếp tục đánh nhau và nhận lấy thất bại. Và rồi, Đảng Cộng hòa bắt đầu lên tiếng, rằng nếu chúng ta không thể thắng cuộc chiến này thì hãy ra khỏi nơi đó đi”.

* * *

Cùng với độ lùi của thời gian và lịch sử, tầm vóc to lớn về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, công bằng hơn. Và dù còn có nhiều điều tranh luận, song không thể phủ nhận một sự thật lịch sử hiển nhiên của dân tộc: Nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán Paris 1973 và đi đến kết thúc thắng lợi vào trưa ngày 30-4-1975 lịch sử.

“Ngày đồng đội”

Mất một bàn tay trong cuộc đọ sức dữ dội với kẻ thù ở Mậu Thân đợt 2, bà Nguyễn Thị Huyền Nga (Lê Thị Hồng Quân) - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng - vẫn cho mình là người may mắn. Ký ức Mậu Thân với bà thật dữ dội và bi tráng, khi bà tận mắt chứng kiến sự hy sinh can trường của đồng đội, từ anh Hà Văn Tiết đến chị Sáu Xuân. “Đặc biệt là em Quang - người đồng đội vô danh, nhỏ tuổi nhất đơn vị mà can đảm lạ thường trước đòn roi tra tấn của kẻ thù. Và em đã hy sinh trong tiếng hát trong trẻo, khẳng khái và hào hùng...” - bà Nga nói.

Trong dòng hồi tưởng rưng rưng, người tiểu đoàn phó nghẹn ngào đọc những vần thơ gan ruột tặng những người đồng đội, đồng chí của mình:“Trong khói hương lòng thêm đớn đau/ Sáng từng khuôn mặt sát vai nhau/ Trên đường phố Sài Gòn xưa ấy/ Tiếp bước chân lên những chiến hào/ Bốn mươi năm rồi có phải xa/ Trong tôi vang dội mới hôm qua/ Những nòng thép đỏ trên đường tiến/ Trao lại lời vĩnh biệt thiết tha/ Gọi 5 tháng 5 ngày đồng đội/ Rõ từng khuôn mặt sát vai nhau/ Xin chớ hỏi ai còn ai mất/ Tất cả còn đây đau xót tự hào…”.

Đau thương và mất mát

Để làm nên chiến thắng vô giá của sự kiện Mậu Thân 1968, quân dân ta đã phải gánh chịu những hy sinh, mất mát to lớn. Theo thống kê của Cục Tác chiến, mặt trận đường 9 có gần 4.000 liệt sĩ, mặt trận Trị Thiên có gần 5.000 liệt sĩ. Con số tương ứng ở đồng bằng Khu 5 là gần 11.000 liệt sĩ, Tây Nguyên gần 3.500 liệt sĩ, Khu 6 gần 1.300 liệt sĩ, Khu 10 gần 500 liệt sĩ, Đông Nam Bộ gần 14.200 liệt sĩ, Khu 8 khoảng 2.500 liệt sĩ, Khu 9 hơn 3.500 liệt sĩ.

Tổ quốc và dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, trong đó có gần 45.000 người đã ngã xuống trong Mậu Thân 1968 để Tổ quốc mãi trường sinh.

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm