Máy bay Nga chở 65 tù binh Ukraine bị trúng tên lửa Patriot?

(PLO)- Nga cho biết tìm thấy có mảnh vỡ tên lửa khu vực xác chiếc máy bay Nga chở 65 tù binh Ukraine bị rơi, trong khi đó có thông tin rằng chiếc máy bay đã bị trúng tên lửa Patriot do phía Ukraine bắn.

Ngày 25-1, một ngày sau vụ máy bay Nga chở 65 tù binh Ukraine rơi ở tỉnh Belgorod (Nga, gần biên giới Ukraine), Moscow và Kiev tiếp tục cáo buộc lẫn nhau bắn rơi máy bay và tìm kiếm phản ứng quốc tế.

Ai bắn rơi máy bay Nga?

Ngày 25-1, Phó đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) - ông Dmitry Polyansky cáo buộc Ukraine bắn rơi máy bay vận tải Il-76 - máy bay Nga chở 65 tù binh Ukraine - để “cố tình” phá hoại việc trao đổi tù binh, theo đài RT.

“Tất cả dữ liệu hiện có đều chỉ ra một tội ác có chủ ý, được tính toán trước. Giới lãnh đạo Ukraine biết rõ về lộ trình và phương tiện của hoạt động trao đổi tù binh. Đây không phải là lần đầu nhưng lần này Kiev đã quyết định phá hoại việc trao đổi theo cách dã man nhất” - ông Polyansky nói.

Cảnh sát phong tỏa một con đường gần nơi máy bay vận tải quân sự Ilyushin Il-76 của Nga rơi ở tỉnh Belgorod (Nga, gần biên giới Ukraine) ngày 24 -1. Ảnh: REUTERS

Cùng ngày, các nhà điều tra Nga cho biết đã tìm thấy những mảnh vỡ của một hoặc nhiều tên lửa trong số các mảnh vỡ của chiếc Il-76, hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin từ Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Nga.

“Các bằng chứng được tìm thấy trên mặt đất xác nhận tác động từ bên ngoài lên máy bay. Các bằng chứng này sẽ được gửi đi kiểm tra” - nguồn tin nói với TASS.

Moscow cáo buộc Ukraine phóng tên lửa từ vùng ngoại thị trấn Liptsy (tỉnh Kharkiv, Ukraine) cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 100 km để bắn rơi máy bay Nga. Nga cho rằng cả hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất và Iris-T do Đức sản xuất đều có khả năng tấn công các mục tiêu trong phạm vi 100 km.

Ngày qua, RT dẫn lại thông tin từ đài phát thanh Pháp Radio France rằng chiếc máy bay đã trúng tên lửa Patriot do lực lượng Ukraine bắn. Tên lửa Patriot do Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Radio France dẫn nguồn tin từ quân đội Pháp cho biết thông tin trên nhưng không nêu chi tiết. Chưa có phản hồi từ quân đội Pháp.

Về phía Ukraine, ngày 25-1, Cục An ninh Ukraine (SBU) cho biết đã mở một cuộc điều tra hình sự về vụ tai nạn và sẽ xem xét “những hành vi có thể vi phạm luật pháp và quy định chiến tranh”, tờ The Guardian đưa tin.

Một sự khác biệt nữa trong tuyên bố giữa Ukraine và Nga là Kiev cho rằng Moscow đã làm trái thông lệ khi không thông báo trước về việc vận chuyển tù binh để Ukraine kiềm chế các hành động tấn công. Trong khi đó, Moscow nói rằng đã chính thức thông báo cho Kiev 15 phút trước khi máy bay khởi hành.

Kêu gọi phản ứng quốc tế

Cũng trong ngày 25-1, phái đoàn Nga tại LHQ cho biết Moscow đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn về bắn rơi máy bay Nga nhưng bị Pháp từ chối, theo TASS.

“Pháp đã chọn con đường lạm dụng quyền hạn Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an và từ chối đáp ứng yêu cầu của chúng tôi về một cuộc họp khẩn cấp liên quan vụ tấn công khủng bố của chính quyền Kiev” - Phó đại diện thường trực Nga Polyansky viết trên Telegram.

Ông Polyansky cho rằng Pháp đang cố gắng “câu giờ” để Ukraine có thời gian tìm kiếm “ít nhất một lời giải thích hợp lý nào đó” cho thảm kịch.

Hiện trường vụ máy bay vận tải quân sự Ilyushin Il-76 của Nga rơi ở tỉnh Belgorod (Nga, gần biên giới Ukraine) ngày 24 -1. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, ngày 25-1, ông Dmytro Lubinets - thanh tra về quyền con người của Ukraine nói rằng Ukraine sẽ “làm mọi thứ có thể” để kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế liên quan vụ rơi máy bay, theo hãng tin Reuters.

“Hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy có rất nhiều người trên máy bay Il-76, cũng như họ có phải là công dân Ukraine hay không. Ukraine yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế minh bạch về vụ rơi chiếc máy bay này” - ông Lubinets nói.

Vị thanh tra cho biết ông sẽ gửi thư tới LHQ và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế kêu gọi cuộc điều tra.

“Về một cuộc điều tra quốc tế, tôi tin rằng chúng tôi sẽ làm phần việc của mình để biến nó thành hiện thực. Tôi cũng cho rằng Nga sẽ đưa ra những tuyên bố lớn tiếng nhưng sẽ không cho phép bất kỳ ai tham gia điều tra. Họ sẽ không giao bất kỳ tài liệu nào để phân tích và sẽ chỉ đổ lỗi cho Ukraine” - ông Lubinets nói thêm.

Trước đó, ngày 24-1, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky khẳng định cần phải làm rõ hơn những gì đã xảy ra, đồng thời cáo buộc Nga “đùa giỡn với mạng sống của các tù binh Ukraine”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới