Thụy Điển: Bước ngoặt trên con đường gia nhập NATO

(PLO)- Con đường Thụy Điển gia nhập NATO đã vượt qua trở ngại lớn nhất với sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cánh cửa Thụy Điển gia nhập NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) thêm rộng mở. Tối 23-1 Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO với tỉ lệ ủng hộ áp đảo: 287 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 4 phiếu trắng. Sau hơn 20 tháng kể từ khi Thụy Điển gửi yêu cầu gia nhập NATO với những trì hoãn, cản trở từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, cuối cùng Ankara đã thay đổi quyết định, dỡ bỏ một trong những rào cản cuối cùng cho việc mở rộng khối quân sự này.

Dù đã được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận, sẽ vẫn cần một thời gian nữa việc Thụy Điển gia nhập NATO mới chính thức thành hiện thực. Bên cạnh cần thời gian để Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ký thành luật thì còn cần sự đồng ý của Hungary - thành viên NATO cuối cùng chưa chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển.

Thụy Điển gia nhập NATO / buoc-ngoat-tren-con-duong-gia-nhap-nato-cua-thuy-dien-1.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (từ trái qua) tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 7-2023. Ảnh: NATO

Rộng đường cho Thụy Điển

Kể từ năm 2022 khi Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối và yêu cầu Thụy Điển có đường lối cứng rắn hơn với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - nhóm nổi dậy chống chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) coi là tổ chức khủng bố. Chính quyền Ankara đã cáo buộc Thụy Điển (và Phần Lan) cho phép các thành viên PKK trú ngụ trên lãnh thổ và yêu cầu các nước này dẫn độ.

Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ là các thành viên NATO nên coi trọng mối quan ngại về an ninh của các nước thành viên và Thụy Điển cần nghiêm túc xem xét mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn gia nhập NATO. Đáp lại, Thụy Điển đã thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm xoa dịu những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm thông qua luật chống khủng bố mới đã có hiệu lực vào năm ngoái.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO cũng giúp Thổ Nhĩ Kỳ làm dịu căng thẳng với Mỹ, mở đường cho thương vụ bán máy bay chiến đấu đa năng F-16 mới trị giá 20 tỉ USD mà Ankara mong muốn từ Washington.

Sở dĩ Quốc hội Mỹ trước đó chưa bật đèn xanh cho thương vụ này một phần vì một số chỉ trích về vấn đề quyền con người của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như lo ngại về mối quan hệ ngày càng gắn kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, bao gồm việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Moscow. Hồi tháng 7, sau khi Tổng thống Erdogan công khai nói rằng ông không phản đối việc Thụy Điển gia nhập NATO, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington có ý định xúc tiến việc chuyển giao F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh lo ngại về an ninh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ vị thế trung lập trong nhiều thập niên và cùng nộp đơn gia nhập NATO. Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào năm ngoái và sắp tới, Thụy Điển sẽ trở thành thành viên thứ 32. Trước nay, Nga luôn khẳng định việc NATO mở rộng về phía tây biên giới của mình sẽ gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Nga, đồng thời cảnh báo sẽ thực hiện “các biện pháp kỹ thuật quân sự phù hợp” để phản ứng việc hai nước Bắc Âu này gia nhập liên minh.

Thụy Điển sẽ đóng góp lớn cho NATO

Việc Thụy Điển vào NATO sẽ hoàn thành việc mở rộng khối quân sự, góp phần thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu, bổ sung hàng ngàn binh sĩ cùng với sức mạnh hải quân và không quân, theo tờ The Washington Post.

Dù Thụy Điển đã cắt giảm quân đội sau Chiến tranh lạnh và chuyển đổi lực lượng để phù hợp hơn với các chiến dịch đặc biệt ở nước ngoài, hiện tại lực lượng vũ trang của Thụy Điển vừa hiện đại vừa có khả năng tương tác tốt với lực lượng của các thành viên NATO khác.

Thụy Điển có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, đứng tốp đầu của châu Âu. Năm 2022, ngành công nghiệp quốc phòng của Thụy Điển đạt tới 3 tỉ USD, với tổng kim ngạch xuất khẩu vật liệu quốc phòng đạt hơn 2 tỉ USD. Bên cạnh đó, Thụy Điển có lực lượng không quân mạnh với ít nhất 100 máy bay chiến đấu. Đây là lực lượng không quân lớn nhất Bắc Âu và là một trong những lực lượng hàng đầu ở châu Âu. Điều này sẽ làm giảm gánh nặng của các đồng minh lớn khác, như Mỹ, trong việc cung cấp trang thiết bị, vũ khí hiện đại trên không cho khu vực này, theo Viện Nghiên cứu Wilson Center (Mỹ).

Hơn nữa, việc có thêm các vùng lãnh thổ và đảo của Thụy Điển sẽ khiến toàn bộ bờ biển Baltic trở thành lãnh thổ của NATO. Do đó, quân đội và trang thiết bị có thể được vận chuyển dễ dàng hơn bằng đường biển tới các nước NATO như Estonia, Latvia và Lithuania cũng như tới Bắc cực. Điều này sẽ giúp các quốc gia vùng Baltic dễ dàng hỗ trợ phòng thủ cho nhau trong trường hợp bị tấn công, theo tờ The Wall Street Journal.•

Hungary - trở ngại cuối cùng trên đường vào NATO của Thụy Điển

Hiện tại, Hungary là thành viên NATO cuối cùng chưa phê duyệt việc Thụy Điển vào NATO dù trước đó Hungary cam kết sẽ không cản đường Thụy Điển và sẽ không là quốc gia cuối cùng chấp thuận tư cách thành viên NATO của nước này.

Hôm 23-1, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cho biết ông đã mời người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson đến Hungary để đàm phán về việc gia nhập NATO nhưng không nêu thời gian cụ thể. Cùng ngày, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết mục đích chuyến thăm là xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia, theo hãng tin Reuters.

Không giống Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary chưa đặt ra yêu cầu công khai nào cần giải quyết trước khi Thụy Điển vào NATO ngoài sự bất mãn mơ hồ với cái mà Hungary gọi là “thái độ thù địch công khai” của Thụy Điển.

Trước nay, Hungary tỏ ra không hài lòng trước những chỉ trích của Thụy Điển về các vấn đề pháp quyền của Hungary. Tuần trước, Hungary còn chỉ trích Thụy Điển không thực hiện các bước để tăng cường quan hệ song phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm