Ngày 23-10, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Recep Tayyip Erdogan cho biết đã chuyển đơn xin gia nhập Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển lên quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để thông qua, theo hãng tin Reuters.
“Nghị định thư về việc Thụy Điển gia nhập NATO được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ký vào ngày 23-10-2023 và được chuyển lên quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ” - Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thông báo.
Nhiều nước hoan nghênh
Thủ tướng Thụy Điển - ông Ulf Kristersson hoan nghênh động thái trên của ông Erdogan.
“Bây giờ việc còn lại là quốc hội [Thổ Nhĩ Kỳ] phải giải quyết câu hỏi đó” - ông Kristersson viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cũng hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng Washington mong dự luật được quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua càng sớm càng tốt.
Tổng thư ký NATO - ông Jens Stoltenberg kỳ vọng sẽ có một "cuộc bỏ phiếu nhanh chóng" tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để có thể sớm chào đón Thụy Điển vào liên minh.
Theo một nhà ngoại giao châu Âu, ông Stoltenberg hy vọng Thụy Điển có thể gia nhập liên minh tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO dự kiến diễn ra vào ngày 28 và 29-11.
Bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển cũng cần sự phê chuẩn của quốc hội Hungary.
Ngoại trưởng Thụy Điển - ông Tobias Billstrom nói với hãng thông tấn TT (Thụy Điển) rằng Hungary “nhiều lần nói rằng nước này không muốn là nước cuối cùng trong tiến trình này”.
“Bây giờ quá trình phê chuẩn đã bắt đầu ở Ankara, chúng tôi cho rằng điều tương tự sẽ sớm xảy ra ở Budapest” - ông Billstrom nói.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có lịch bỏ phiếu
Theo Reuters, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đặt ra khung thời gian phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.
Sau khi được Tổng thống Erdogan chuyển lên quốc hội, dự luật về việc Stockholm gia nhập NATO sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của ủy ban đối ngoại của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Ủy ban này sẽ phải thông qua dự luật trước khi được chuyển tới toàn thể quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để phê chuẩn.
Giới quan sát nhận định dự luật sẽ được quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua nhưng hiện vẫn chưa rõ khi nào Ankara lên lịch bỏ phiếu.
Tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, đảng AK của ông Erdogan cùng với các đảng đối tác theo chủ nghĩa dân tộc và Hồi giáo nắm giữ 322 trong số 600 ghế. Trong khi đó, đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập từng lên tiếng ủng hộ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.
Do đó, ông Sinan Ulgen - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế và Đối ngoại (EDAM - Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU) - cho biết một khi dự luật được đưa ra toàn thể quốc hội thì chắc chắn nó sẽ được thông qua.
“Bây giờ vấn đề quan trọng hơn là khi nào quốc hội sẽ quyết định lịch trình bỏ phiếu, có thể nhanh hoặc có thể không” - ông Ulgen nói.