Đường gia nhập NATO của Thụy Điển thêm trắc trở sau vụ đốt kinh Qur'an

(PLO)- Việc người biểu tình Thụy Điển đốt kinh Qur’an trước một nhà thờ Hồi giáo lớn ở Stockholm khiến nhiều nước phản ứng gắt, làm cho con đường gia nhập NATO của Thụy Điển thêm trắc trở.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 5-2022, Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sau hơn 1 năm, Phần Lan giờ đây đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự lớn nhất thế giới. Trong khi đó, nỗ lực của Thụy Điển vẫn đang gặp không ít trắc trở, chủ yếu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển chứa chấp thành phần mà nước này coi là khủng bố và yêu cầu dẫn độ những người này đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi những bất đồng cũ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển chưa được giải quyết xong thì việc người biểu tình đốt kinh Qur’an mới đây làm căng thẳng thẳng thêm quan hệ hai nước, khiến con đường gia nhập NATO của Thụy Điển thêm phần khó khăn.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo tại Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 3. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo tại Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 3. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Nhiều nước phản ứng mạnh

Theo tờ The Local Sweden, vào tháng 2, ông Salwan Momika - một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển - có ý định đốt kinh Qur'an bên ngoài đại sứ quán Iraq tại Thụy Điển. Cảnh sát không cho phép hành động này diễn ra, với lý do làm như vậy có nguy cơ gây rối loạn an ninh công cộng.

Tuy nhiên, vào tháng 4, một tòa án hành chính đã hủy bỏ lệnh cấm. Tòa xem đây là một hành động biểu tình. Tòa cho rằng quyền hội họp và quyền biểu tình đều được bảo vệ theo pháp luật của Thụy Điển, trừ khi chúng gây ra mối đe dọa an ninh cụ thể.

Theo The Local Sweden, điều này có nghĩa là cảnh sát không còn lý do gì để ngăn chặn cuộc biểu tình có hành động đốt kinh Qur'an diễn ra. Trả lời phóng viên, bà Helena Boström Thomas - phát ngôn viên cảnh sát Stockholm (Thụy Điển) - cho biết: "Quyết định cho phép biểu tình được đưa ra sau khi xem xét việc tòa án bác bỏ lệnh cấm".

Ngày 28-6, ông Salwan Momika đã đốt bản sao kinh Qur’an bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm. Hành động này trùng với thời gian diễn ra lễ Eid-al-Adha - một trong những lễ quan trọng trong lịch Hồi giáo.

Sau khi vụ việc diễn ra, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước có đa số người dân theo đạo Hồi đã phản ứng gay gắt.

Trên Twitter, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan lên án hành động này. Ông cho rằng việc cho phép các cuộc biểu tình nhân danh quyền tự do ngôn luận chống Hồi giáo là điều không thể chấp nhận được.

“Không thể chấp nhận được việc cho phép những hành động chống Hồi giáo này diễn ra dưới cái cớ tự do ngôn luận. Làm ngơ trước những hành động tàn ác như vậy là đồng lõa với chúng” - ông Fidan nhận định.

Trên Twitter, ông Fahrettin Altun - giám đốc truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - cho rằng: “Chúng tôi phát ốm và mệt mỏi với việc một số chính quyền châu Âu, đặc biệt là Thụy Điển vì họ đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa bài Hồi giáo và các hành động căm ghét tôn giáo của chúng tôi”.

Ngày 29-5, Bộ Ngoại giao Iraq đã lên án "việc chính quyền Thụy Điển cho phép một phần tử cực đoan đốt một bản sao của kinh Qur’an. Những sự kiện này đã khơi dậy cảm xúc của người Hồi giáo trên khắp thế giới và là một hành động khiêu khích nguy hiểm”.

Cảnh sát tại vụ biểu tình đốt bản sao kinh Qur'an, trước nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm (Thụy Điển) hôm 28-6. Ảnh: REUTERS

Cảnh sát tại vụ biểu tình đốt bản sao kinh Qur'an, trước nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm (Thụy Điển) hôm 28-6. Ảnh: REUTERS

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia lên án "những hành động tàn ác và lặp đi lặp lại, không thể chấp nhận được này".

Những hành động này "rõ ràng kích động hận thù và phân biệt chủng tộc. Điều này mâu thuẫn trực tiếp với các nỗ lực quốc tế nhằm truyền bá các giá trị của lòng khoan dung, ôn hòa và bác bỏ chủ nghĩa cực đoan. Nó cũng làm suy yếu sự tôn trọng cần thiết trong quan hệ giữa các dân tộc và các quốc gia", theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia.

Theo hãng tin AFP, Morocco đã triệu hồi đại sứ nước mình tại Thụy Điển sau vụ việc trên. Ngày 28-6, Morocco cũng triệu tập đại biện lâm thời của Thụy Điển tại nước này, bày tỏ "sự lên án mạnh mẽ của vương quốc đối với vụ việc và phản đối hành động không thể chấp nhận được này".

Thêm phần khó khăn

Đây không phải là lần đầu tiên người biểu tình ở Thụy Điển đốt kinh Qur’an. Hồi tháng 1, những người biểu tình cực hữu đã có hành động tương tự và hô khẩu hiệu chống Hồi giáo trước đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm. Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức lên án hành động này.

Sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể, chúng tôi lên án cuộc tấn công hèn hạ vào cuốn sách thiêng liêng của chúng tôi. Việc cho phép thực hiện hành động chống đạo Hồi dưới chiêu bài tự do ngôn luận là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Khi ấy, ông Numan Kurtulmus - phó chủ tịch Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của ông Erdogan, cảnh báo: “Nếu cứ tiếp tục như thế này, việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ không bao giờ được Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận”.

Sau sự cố hồi tháng 1, một trợ lý của Tổng thống Erdogan cho rằng Thụy Điển "phải thức tỉnh trước thực tế là các nhóm khủng bố có ý định ngăn cản Thụy Điển trở thành thành viên NATO. Các nhóm khủng bố làm điều này bằng cách đầu độc mối quan hệ giữa Thụy Điển với chúng tôi".

Người biểu tình ở Iraq ngày 30-6, phản đối việc đốt kinh Qur'an. Ảnh: REUTERS

Người biểu tình ở Iraq ngày 30-6, phản đối việc đốt kinh Qur'an. Ảnh: REUTERS

Bầu không khí căng thẳng hồi tháng 1 dường như đang lặp lại.

Trả lời các phóng viên về vụ người biểu tình đốt kinh Qur’an hôm 28-6, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho rằng việc đốt các kinh sách tôn giáo là "thiếu tôn trọng và gây tổn thương". “Những gì hợp pháp chưa chắc đã phù hợp” - ông Patel nói.

Tuy nhiên, ông Patel cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary nên phê chuẩn nghị định thư gia nhập NATO của Thụy Điển không chậm trễ. "Chúng tôi tin rằng Thụy Điển đã hoàn thành các cam kết của mình theo bản ghi nhớ 3 bên” - ông nói.

Theo ông Soner Cagaptay - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông (Mỹ), triển vọng gia nhập NATO của Thụy Điển đang giảm xuống mức rất thấp.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây áp lực buộc Thụy Điển phải kiềm chế việc đốt kinh Qur’an, coi những cuộc biểu tình như vậy là hành động khủng bố. Năm 2022, Thụy Điển đã thay đổi luật chống khủng bố. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn cho phép các cuộc biểu tình diễn ra.

Ở Phần Lan, việc đốt kinh Qur’an được coi là vi phạm hòa bình tôn giáo và có thể bị phạt. Ông Ali Bakeer, một nhà phân tích chính trị tại Viện Trung Đông (Mỹ), cho rằng Thụy Điển nên học theo Phần Lan về phần này.

Trước cuộc biểu tình, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết ông sẽ không suy đoán về việc đốt kinh Qur’an có thể ảnh hưởng ra sao đến nỗ lực trở thành thành viên NATO của nước này.

“Điều đó hợp pháp nhưng không phù hợp” - ông nói. Ông cho rằng việc đưa ra quyết định cho phép đốt kinh Qur’an là tùy thuộc vào cảnh sát.

“Tôi tin rằng chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi người nên bình tĩnh và suy nghĩ về những gì tốt nhất cho lợi ích lâu dài của Thụy Điển” - Thủ tướng Kristersson nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm