Đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển vào NATO

(PLO)- Chuyên gia đánh giá việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO có lợi cho Ankara về mặt chính trị, quốc phòng và kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ủng hộ Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào ngày 11-7, tại thủ đô Vilnius (Lithuania).

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson họp vào tối 10-7, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh: REUTERS

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson họp vào tối 10-7, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh: REUTERS

Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng và phản ứng từ Nga

Ngày 10-7, sau cuộc hội đàm kín với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Vilnius, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo ông Erdogan đã đồng ý chuyển đơn gia nhập NATO của Thụy Điển lên quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và làm việc chặt chẽ với cơ quan này để đảm bảo việc phê chuẩn diễn ra càng sớm càng tốt, theo tờ The New York Times.

Theo thỏa thuận với Ankara, Thụy Điển sẽ tiếp tục phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ chống khủng bố, nối lại xuất khẩu vũ khí và đặc biệt là dốc lòng ủng hộ đơn xin gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đã nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Vài giờ sau khi quyết định của Ankara được công bố, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ xúc tiến việc chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Bình luận về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, điện Kremlin nói rằng việc Thụy Điển vào NATO sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của Nga và Moscow đang cân nhắc các biện pháp đáp trả phù hợp. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga không ảo tưởng về các cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO nhưng mong muốn Ankara nhìn nhận một cách thực tế về cơ hội gia nhập EU vì người châu Âu không muốn nhìn thấy Thổ Nhĩ Kỳ ở trong EU, theo đài RT.

Như vậy, sau hơn một năm “đóng băng” yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển bất chấp áp lực từ các đồng minh NATO, ông Erdogan cuối cùng đã thay đổi quyết định. Năm ngoái, vào tháng 5, khi tình hình chiến sự leo thang ở Ukraine, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ lập trường không liên minh quân sự lâu nay và nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối việc phê duyệt hai nước này vào khối. Đến tháng 4-2023, ông Erdogan chỉ đồng ý cho Phần Lan gia nhập liên minh và vẫn nói “không” với Thụy Điển vì cho rằng nước này vẫn chưa đủ cứng rắn với hoạt động chống khủng bố.

“Việc Thụy Điển hoàn tất việc gia nhập NATO là một bước đi lịch sử có lợi cho an ninh của NATO vào thời điểm quan trọng này. Điều đó làm cho tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn và an toàn hơn” - Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói vào ngày 10-7, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius.

Đằng sau quyết định “bước ngoặt” của Thổ Nhĩ Kỳ

Giám đốc nghiên cứu của tổ chức phân tích rủi ro PanoramaTR (Thổ Nhĩ Kỳ) Osman Sert nhận định “đây không phải là bước ngoặt đầu tiên và cũng không phải là lần cuối cùng của ông Erdogan”. Theo chuyên gia Sert, Tổng thống Erdogan biết rằng ông “cần phải làm gì đó để tạo cầu nối với phương Tây”.

Quyết định “bước ngoặt” này được đưa ra khi nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang thụt lùi trước áp lực của lạm phát cao, nợ nần chồng chất và tốn những khoản chi phí lớn cho việc khắc phục những trận động đất thảm khốc vào đầu năm nay. Như vậy, duy trì mối quan hệ tốt đẹp và quan hệ kinh tế chặt chẽ với các quốc gia phương Tây có thể giúp ông Erdogan vượt qua các cuộc khủng hoảng, theo The New York Times.

Vài giờ sau khi quyết định của Ankara được công bố, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ xúc tiến việc chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách mua những chiếc F-16 của Mỹ để bù lại số tiêm kích tàng hình F-35 mà nước này đặt mua nhưng bị Washington chặn lại do Ankara mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga. Hãng tin Al Jazeera cho rằng động thái của Mỹ dường như là một thỏa thuận để đổi lấy việc Ankara “bật đèn xanh” cho Thụy Điển vào NATO.

Chuyên gia Galip Dalay của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu (Qatar) nói: “Có thể thấy rõ kỳ vọng của Ankara đối với việc mua F-16 từ Washington ngay từ ngày đầu tiên Thụy Điển xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm cách bình thường hóa và cải thiện quan hệ với các nước EU và Mỹ thông qua quá trình gia nhập NATO của Thụy Điển”.

Một lý do nữa mà ông Erdogan đổi ý là do chính sách bên miệng hố chính trị của ông không thể đẩy xa hơn được nữa bởi việc tiếp tục ngăn Thụy Điển vào NATO sẽ làm gia tăng nghi ngờ về lòng trung thành của Thổ Nhĩ Kỳ với liên minh, theo The New York Times.

Nếu ông Erdogan đẩy mọi việc đi xa hơn thì có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhận được nhiều hơn mà thậm chí có thể gây nguy hiểm hơn cho vị thế của nước này trong NATO. Thổ Nhĩ Kỳ vốn bị các cường quốc phương Tây ngờ vực về lập trường vì mối quan hệ cá nhân chặt chẽ giữa ông Erdogan với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nghi vấn Thổ Nhĩ Kỳ giúp các công ty Nga tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

“Đối với những cân nhắc về địa chính trị, quốc phòng và kinh tế, việc để Thụy Điển vào khối nhân Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, vì nếu không làm như vậy ông Erdogan sẽ gặp khó khăn ở phía bên kia của hội nghị” - ông Emre Peker, Giám đốc phụ trách châu Âu cho của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), nhận định.•

NATO thay đổi ra sao khi Thụy Điển, Phần Lan gia nhập?

Một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng phê chuẩn cho Thụy Điển gia nhập NATO, Hungary - trở ngại cuối cùng cho Thụy Điển vào NATO, cũng đã phát đi tín hiệu rằng nước này sẵn sàng “bật đèn xanh” cho Thụy Điển vào khối, theo trang Euronews.

“Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng: Chính phủ ủng hộ việc Stockholm gia nhập NATO…Bây giờ, việc hoàn thành quá trình phê duyệt chỉ là một vấn đề kỹ thuật” - Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đăng trên Facebook hôm 11-7.

Quốc hội Hungary đã kết thúc phiên họp bất thường vào ngày 7-7 nhưng có thể nhóm họp lại trong vài ngày tới để bỏ phiếu quyết định việc phê chuẩn này.

Theo tờ The Washington Post, việc Phần Lan và bây giờ là Thụy Điển gia nhập NATO sẽ mở rộng khả năng trên bộ, trên biển và trên không của liên minh.

Thụy Điển có lực lượng hải quân hùng mạnh, giúp tăng cường khả năng phòng thủ của NATO ở vùng biển Baltic chiến lược và nước này cũng tự sản xuất được máy bay chiến đấu giúp củng cố phòng không. Còn Phần Lan luôn duy trì nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới và lực lượng quân đội được đầu tư, trang bị tốt, điều này sẽ giúp nước này huy động hàng ngàn lính khi cần.

Bên cạnh đó, Thụy Điển gia nhập NATO đồng nghĩa với việc liên minh này gia tăng sự hiện diện ở Bắc Cực khi Thụy Điển và Phần Lan, cùng với Mỹ, Canada đều là thành viên của Hội đồng Bắc Cực - một tổ chức giám sát các phần cực bắc của địa cầu. Nga cũng là thành viên của tổ chức này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm