TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm vụ vợ chồng Nguyễn Văn Thơ (SN 1973, ngụ Phú Riềng, Bình Phước) và Trần Thị Liên (SN 1979) bị truy tố, xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trước đó, hai bị cáo đều làm đơn kháng cáo kêu oan.
Theo cáo trạng, vợ chồng bị cáo Thơ-Liên lập ra công ty chuyên kinh doanh chế biến nông sản. Năm 2013, bà S. (là mẹ Liên) thế chấp giấy đỏ để đảm bảo cho vợ chồng Liên vay ngân hàng 1,5 tỉ đồng. Do đến ngày trả nợ nhưng không có tiền nên hai bị cáo đến một công ty tài chính ở thị xã Đồng Xoài vay tiền. Nơi đây đồng ý cho vay với điều kiện có tài sản thế chấp nên bà S. đồng ý cho bị cáo mượn giấy đỏ của thửa đất khác để thế chấp.
Tháng 10-2014, công ty tài chính cho vợ chồng bị cáo vay 1,5 tỉ đồng trong 10 ngày với lãi suất 4,5 triệu đồng/ngày, trả trước tiền lãi là 60 triệu đồng. Hai bên làm thủ tục chuyển nhượng đất (không công chứng) của bà S. cho công ty để đảm bảo khoản vay. Sau đó bà S. thế chấp thửa đất này cho ngân hàng để hai bị cáo vay tiền trả cho công ty tài chính. Nhưng ngân hàng từ chối vì một người con rể khác của bà S. có đơn khiếu nại.
Vợ chồng bị cáo Liên và Thơ tại phiên tòa. Ảnh: H.YẾN
Cáo trạng cho rằng do không vay được tiền để trả công ty tài chính và lợi dụng việc giao nhận tiền không lập giấy tờ nên hai bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt, đến hạn trả tiền phía công ty yêu cầu trả nhưng chỉ hứa hẹn. Khi công ty tố cáo, công an tỉnh triệu tập nhiều lần, hai bị cáo cũng không đến. Tháng 7-2016, Công an tỉnh Bình Phước khởi tố hai bị cáo Thơ và Liên đồng thời bắt tạm giam.
Tại phiên sơ thẩm, VKSND tỉnh Bình Phước đề nghị tòa phạt hai bị cáo mỗi người 12-13 năm tù. Cuối cùng TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Thơ 12 năm tù, bị cáo Liên năm năm tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bốn luật sư (LS) đồng loạt đề nghị yêu cầu tòa tuyên bố hai bị cáo không phạm tội và trả tự do tại tòa. Theo các LS, đây chỉ là quan hệ dân sự nhưng bị hình sự hóa.
Các LS cho rằng cơ quan điều tra không chứng minh được vợ chồng hai bị cáo có ý thức gian dối để chứng minh cho việc chiếm đoạt tiền. Năm 2007, bà S. thế chấp giấy đỏ vay 300 triệu đồng và do không có khả năng trả thì chính bị cáo Thơ là người trả để lấy lại giấy đỏ cho bà. Bằng chứng là từ năm 2007 đến 2013, bà S. vẫn đóng lãi cho Thơ. Vậy ai mới là người vay số tiền trên?
Đặc biệt trong đơn tố cáo thì ông T., giám đốc công ty tài chính, cũng là LS (được cơ quan tố tụng xác định là người bị hại), cho rằng mình tố cáo bà S. Ông T. xác định rõ người ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là bà S. Việc vay tiền thực tế người giao dịch là bà S.
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm chưa làm rõ nguồn tiền và xác định số tiền hai bị cáo chiếm đoạt. Cấp sơ thẩm phải điều tra ý thức của bà S. khi biết đất đã thế chấp ngân hàng còn ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông T. Trong quá trình vay nếu hai bị cáo không trả thì bà S. có trách nhiệm thế nào?
Đồng thời, bản án sơ thẩm xác định việc hai bị cáo phủ định vay tiền là thủ đoạn gian dối là không đúng. Lúc đầu hai bị cáo hứa trả từ từ, không trốn trách nhiệm, sau không nghe điện thoại, phủ nhận vay tiền. Đó chưa phải là thủ đoạn gian dối để định tội các bị cáo. HĐXX nhận thấy vụ án còn rất nhiều vấn đề chưa làm rõ nên cần hủy toàn bộ để điều tra, xét xử lại.
Có việc dàn xếp để bị cáo tại ngoại? Tại phiên xử sơ thẩm, gia đình bị cáo Liên xuất trình một biên nhận dịch vụ pháp lý giá 100 triệu đồng. Họ cho rằng đây là số tiền họ đưa cho ông T. để ông này bảo lãnh, dàn xếp cho bị cáo Liên tại ngoại. Cụ thể, em dâu bị cáo Thơ khai ông T. chủ động liên hệ với gia đình nói muốn lo cho Liên ra phải đưa 100 triệu đồng. Sau đó chị vay mượn và đến tận văn phòng LS của ông T. giao tiền. Ông T. nhận tiền, viết biên lai ghi là tiền dịch vụ pháp lý và nói rõ đây chỉ là để bảo lãnh dàn xếp cho Liên tại ngoại. Còn ông T. phủ nhận lời khai này, cho rằng đây là một dịch vụ pháp lý khác, không liên quan đến vụ án nên không trả lời thêm. |