Mẹ bỏ đi, cha mất, con chưa được làm giấy khai sinh

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thu Thủy, ngụ phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM, nhờ giúp đỡ vì cháu nội của bà nay đã hơn hai tuổi nhưng vẫn chưa được đăng ký khai sinh.
Hiện bé đang mắc bệnh lý về thần kinh não, viêm phổi, rất cần thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để điều trị bệnh.
Sống nhờ bà con, nhà hảo tâm
Bà Thủy cho biết bà có con trai tên Phạm Gia Ngọc Thiện, sinh năm 1983. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà và con trai không ở cùng nhau. Tuy nhiên, hai mẹ con bà vẫn thường xuyên liên lạc. 
Cuối năm 2017, anh Thiện dẫn một phụ nữ tên Y., sinh năm 1993 về ra mắt gia đình và sau đó có báo cả hai đã thuê phòng trọ sống chung. Tháng 2-2018, anh Thiện chuyển về sống chung với bà, còn chị Y. bỏ đi đâu không biết.
Đến khoảng tháng 12-2018, anh Thiện ẵm về một bé gái khoảng hai tháng tuổi và bảo đây là con của anh với chị Y.
Từ khi có cháu về ở, bà Thủy bỏ việc, ở nhà nuôi cháu. Lúc nhỏ bé vẫn phát triển bình thường nhưng đến hơn tám tháng vẫn không biết ngồi và thường xuyên bị viêm phổi, phải nhập viện liên tục. Sau nhiều tháng điều trị, bác sĩ báo gia đình biết bé bị bệnh lý về thần kinh bẩm sinh, phải điều trị lâu dài.
Trong lúc bà đang rất lo lắng về bệnh tình của cháu nội thì anh Thiện cũng lâm bệnh nặng. Đến tháng 9-2019 thì anh Thiện mất.
“Cháu nội bị bệnh, con vừa mất, tôi suy sụp, không còn thiết sống. Thế nhưng, nếu tôi ngã xuống thì ai sẽ lo cho đứa cháu tội nghiệp này. Con tôi mất, điểm tựa về tài chính cũng không còn, may nhờ bà con và những nhà hảo tâm giúp đỡ nên hai bà cháu cũng sống được qua ngày” - bà Thủy nói.
Cũng theo bà Thủy, căn bệnh của cháu bà ngày một nặng vì không đủ tiền chữa chạy. Bà có nghe mọi người nói nếu cháu bà có thẻ BHYT khi nằm bệnh viện sẽ đỡ phần nào chi phí điều trị. 
Bà Thủy cũng đã đến UBND phường Bình Hưng Hòa B hỏi thủ tục làm giấy khai sinh cho cháu để làm thẻ BHYT. Khi đến trình bày sự việc, bà Thủy được cán bộ tiếp nhận trả lời chỉ có cha hoặc mẹ mới làm thủ tục khai sinh cho bé được. Bà cũng đã tìm cách liên lạc với chị Y. là mẹ của cháu bé nhưng không thể liên lạc được. 
“Giờ tôi chỉ mong sao cháu tôi được đăng ký giấy khai sinh để làm thẻ BHYT, tiếp tục trị bệnh. Bệnh của cháu tôi phải chữa trị liên tục may ra mới có khả năng ngồi được, còn không thì phải nằm liệt suốt đời” - bà Thủy mong mỏi. 
Phường sẽ hỗ trợ làm khai sinh cho bé
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của cháu bà Thủy, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, cho biết phường chưa nhận được hồ sơ đăng ký giấy khai sinh của cháu bà Thủy. 
Sau khi xem qua những giấy tờ chúng tôi cung cấp, phường thấy mẹ bé có để lại giấy chứng sinh phôtô. Trong giấy chứng sinh có thông tin về địa chỉ của người mẹ. Về thông tin người cha không có bởi chị Y. và anh Thiện không đăng ký kết hôn, nay anh Thiện cũng đã mất.
Với trường hợp này, phường sẽ mời bà Thủy đến để lắng nghe bà trình bày toàn bộ sự việc. Sau đó, phường hướng dẫn bà Thủy cố gắng liên lạc với chị Y. lần nữa để yêu cầu chị Y. đến hỗ trợ làm giấy khai sinh cho bé.
Cũng theo bà Yến, trường hợp nếu không liên lạc được với chị Y., phường sẽ gửi công văn đến địa phương mà chị Y. ghi trong giấy chứng sinh để xác định nơi này chưa đăng ký giấy khai sinh cho bé. Đồng thời, phường sẽ liên lạc với bệnh viện nơi sinh bé để báo sự việc, ngăn việc cấp lại giấy chứng sinh lần nữa. Sau khi thực hiện các bước trên, phường sẽ tiến hành cấp giấy khai sinh cho cháu bé theo đúng quy định và bà Thủy là người trực tiếp nuôi dưỡng bé.
“Về nguyên tắc, tất cả trẻ em sinh ra đều được đăng ký khai sinh và được hưởng quyền lợi như nhau. Với những trường hợp đặc biệt như thế này, người dân cần đến UBND phường trình bày cụ thể để phường hướng dẫn. Quan điểm của phường là luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc đăng ký giấy khai sinh cho trẻ. Tuy nhiên, việc đăng ký phải tuân theo quy định để tránh trường hợp một bé đăng ký nhiều giấy khai sinh” - bà Yến nói.
Thủ tục khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ
Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện theo khoản 1, khoản 5 Điều 15 Nghị định 123/2015. 
Theo đó, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ.
Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong giấy khai sinh và sổ hộ tịch để trống; trong sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.
Thẩm quyền giải quyết đăng ký khai sinh cho trẻ là UBND cấp xã nơi trẻ đang cư trú. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm