Mẹ đứt ruột kiện con trai

Mới đây TAND TP Tuy Hòa, Phú Yên đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tặng cho có điều kiện, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc vợ chồng ông V. phải trả cho bà P. 200 triệu đồng. Điều đáng nói trong vụ án này, nguyên đơn chính là mẹ của bị đơn.

Hết tình mẹ con

Bà P. trình bày năm 2006, bà cho vợ chồng con trai mượn 50 m2 đất mặt tiền thuộc phường 8, TP Tuy Hòa để làm thủ tục bồi thường chung với diện tích đất của vợ chồng ông V. tiếp giáp phía sau. Vợ chồng người con viết giấy cam kết với nội dung khi Nhà nước bồi thường tiền thu hồi, giải tỏa với 50 m2 đất trên thì sẽ hoàn trả tiền cho bà.

Nhưng sau khi có tiền bồi thường 200 triệu đồng thì vợ chồng người con trai không hoàn trả. Ban đầu do là mẹ con nên bà P. không đòi. Nhưng đến năm 2016, vợ chồng người con treo biển bán nhà thì bà đòi nhưng họ không trả. Vì vậy bà P. bấm bụng viết đơn khởi kiện yêu cầu vợ chồng con trai trả lại tiền.

Trình bày với tòa, ông V. cho rằng trước đây vợ chồng ông được mẹ cho một phần đất, sau đó đất này được bồi thường do bị giải tỏa nên bà P. có lập giấy cam kết và thỏa thuận. Tuy nhiên, giấy này được bà P. và ông lập ra với mục đích để cho các anh em khác trong gia đình không tranh chấp với ông về việc mẹ cho ông đất chứ không phải là ông có trách nhiệm trả lại tiền cho bà P. Do đó, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của người mẹ.

Người con dâu thì cho rằng tờ giấy cam kết và thỏa thuận mà bà P. nộp cho tòa án là thỏa thuận giữa mẹ con bà P., bà không ký tên nhưng có biết nội dung thỏa thuận do được chồng nói lại. Chữ ký của bà trong giấy là do ai đó ký chứ bà không biết. Bà có nghe chồng nói sau khi nhận tiền bồi thường đã đưa cho bà P. lần đầu 100 triệu đồng, lần thứ hai 40 triệu đồng, khi đưa tiền không viết giấy giao nhận.

Còn lại 60 triệu đồng bà nghe chồng nói lại là mẹ đã cho vợ chồng bà để làm ăn nên từ năm 2006 đến nay bà P. không đòi và không tranh chấp gì. Nay bà P. khởi kiện, bà không liên quan và đề nghị tòa triệu tập chồng bà để giải quyết vì đây là chuyện của gia đình nhà chồng. Ông V. hiện nay làm ăn thất bại, nợ nần chồng chất, đã bỏ nhà đi khỏi địa phương, hiện bà không biết ông đang ở đâu và cũng không đồng ý trả tiền cho mẹ chồng.

Phải trả tiền cho mẹ

Tại phiên xử sơ thẩm, HĐXX nhận định căn cứ vào giấy cam kết và thỏa thuận (không đề ngày) được lập giữa vợ chồng ông V. và bà P. phù hợp với lời trình bày của nguyên đơn và những người làm chứng. Nội dung này cũng phù hợp với lời thừa nhận của bị đơn, đủ cơ sở xác định vào năm 2006 bà P. có cho vợ chồng bị đơn 50 m2 đất. Hai bên có thỏa thuận sau khi vợ chồng người con nhận được tiền bồi thường giải tỏa đất thì phải trả lại cho bà P. số tiền bồi thường tương ứng là 200 triệu đồng.

Sau khi UBND TP Tuy Hòa ra quyết định bồi thường, vợ chồng người con đã được nhận bồi thường cho tổng diện tích 121,96 m2 đất (trong đó có 50 m2 được bà P. cho vợ chồng bị đơn). Sau khi được bồi thường, vợ chồng bị đơn không trả tiền cho bà P. là vi phạm nghĩa vụ theo giấy cam kết và thỏa thuận theo Điều 470 BLDS.

Về trách nhiệm của người con dâu, dù không thừa nhận có ký vào giấy cam kết và thỏa thuận nhưng không có chứng cứ chứng minh. Căn cứ vào thực tế, người thụ hưởng khoản tiền bồi thường đối với 50 m2 đất là vợ chồng ông V. Sau đó vợ chồng bị đơn dùng khoản tiền này mua đất tái định cư của Nhà nước và hiện sở hữu chung đối với quyền sử dụng đất.

Như vậy, theo HĐXX, kể cả trường hợp giấy cam kết và thỏa thuận do một mình ông V. giao dịch nhưng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nên căn cứ Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ phát sinh đối với bà P. là nghĩa vụ chung của vợ chồng bị đơn. Từ đó, tòa đã tuyên vợ chồng người con phải trả cho bà P. 200 triệu đồng và phải nộp 10 triệu đồng án phí.

Sau khi tòa xử sơ thẩm, người con dâu kháng cáo nhưng sau đó đã tự nguyện rút kháng cáo nên TAND tỉnh Phú Yên đình chỉ xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm có hiệu lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới