Mẹ Teresa, người từng được trao tặng giải Nobel Hòa bình vì đã giành cả đời mình để chăm lo cho người bất hạnh, cùng khổ đã được Giáo hoàng Francis phong thánh vào ngày 4-9.
Lễ phong thánh cho mẹ Teresa được cử hành ở quảng trường Thánh Vatican, trước sự chứng kiến của lãnh đạo 13 nước, hàng trăm nữ tu dòng Thừa sai Bác ái, hàng ngàn tín đồ Công giáo cùng khoảng 1.500 người vô gia cư. Mẹ Teresa là người sáng lập dòng Thừa sai Bác ái vào năm 1950, hiện có khoảng 4.000 nữ tu hoạt động ở khắp 100 nước.
Hình ảnh mẹ Teresa trên ban công nhà thờ Thánh Peter ở Vatican. Ảnh: AP
Giáo hoàng Francis phong mẹ Teresa với tên gọi trang trọng: Thánh Teresa vùng Kolkata. Kolkata là TP của bang Tây Bengal (Ấn Độ), nơi mẹ Teresa đã bỏ nhiều tâm sức giúp đỡ người nghèo khó.
Gọi mẹ Teresa là thánh của những người cùng khổ, Giáo hoàng Francis nói ông chia sẻ ý tưởng của mẹ Teresa mỗi nhà thờ là một bệnh viện dã chiến cho tâm hồn của những người nghèo và cùng khổ trên thế giới.
Giáo hoàng Francis tại buổi lễ phong thánh cho mẹ Teresa. Ảnh: AP
Không có con số thống kê chính thức số người tham gia buổi lễ trang trọng này nhưng Vatican cho biết đã phát hành 100.000 vé tham gia buổi lễ. Cảnh sát cho biết họ nhận thông tin số người tham gia lên đến 200.000 người.
Cờ hàng chục nước bay phấp phới tại buổi lễ, trong đó có cờ Albania (quê hương mẹ Teresa) và cờ Ấn Độ (nơi mẹ Teresa cống hiến tâm sức nhiều nhất giúp đỡ người cùng khổ).
Hàng trăm ngàn người tham dự lễ phong thánh cho mẹ Teresa tại quảng trường Thánh Vatican. Ảnh: REUTERS
Sau tuyên bố phong thánh của Giáo hoàng Francis, cả quảng trường vang tiếng reo mừng: “Thánh Teresa! Thánh Teresa!”.
Lễ phong thánh diễn ra một ngày trước kỷ niệm tròn 19 năm ngày mất của mẹ Teresa 6-9 (1910-1997). Mẹ Teresa là nhân vật thứ hai sau Giáo hoàng John Paul II được phong thánh sau khi mất - giáo hoàng được phong thánh sau khi mất chín năm.