MERS-CoV lây từ người sang người theo cấp số nhân

Chỉ trong vòng hơn nửa tháng kể từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh MERS-CoV đầu tiên, đến nay Hàn Quốc đã ghi nhận ít nhất 87 người mắc bệnh, trong đó sáu trường hợp tử vong. Ngoài ra có khoảng 2.000 người phải yêu cầu cách ly. Tại sao một quốc gia được đánh giá là có nền y tế hiện đại lại bước vào cơn khủng hoảng dịch MERS? Bài học từ Hàn Quốc trong công tác phòng, chống dịch MERS-CoV đã giúp gì cho Việt Nam trong việc rút ra những kinh nghiệm về phòng, chống dịch bệnh chết người này?

PV Pháp Luật TP.HCMtóm lược về đường lây truyền của MERS-CoV cũng như các biện pháp phòng tránh để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ chính mình trước căn bệnh hiểm nghèo này.

Lây nhiễm nguyên phát: Từ động vật sang người

Bệnh viêm đường hô hấp cấp xuất hiện ở Trung Đông từ năm 2012, nguyên nhân được cho là do virus corona xuất hiện ở dơi, sau đó lây sang lạc đà rồi lây sang người. Các ca phơi nhiễm nguyên phát được cho là người bệnh có tiếp xúc trực tiếp với lạc đà thông qua nước bọt, sữa lạc đà tươi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo khách du lịch tới Trung Đông cần cẩn trọng khi tới các nông trại hoặc những nơi có lạc đà, nhất là khi cơ thể đang có những bệnh tiềm tàng. Tránh tiếp xúc với động vật, lạc đà ốm. Thường xuyên rửa sạch tay. Thực hiện ăn uống sạch, tránh uống sữa tươi hay ăn các thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm hoặc chưa chế biến kỹ.

Nếu thiếu biện pháp phòng chống, dịch bệnh MERS-CoV sẽ lây truyền nhanh từ bệnh viện ra cộng đồng. Đồ họa: KP

Ca nhiễm thứ phát: Từ môi trường, đồ vật nhiễm virus hoặc người bệnh sang

Theo đại diện WHO, các đường lây truyền có thể của virus MERS-CoV là giữa bệnh nhân với nhau (lây nhiễm chéo trong bệnh viện (BV)); bệnh nhân với cán bộ y tế và bệnh nhân với những người tiếp xúc trong gia đình.

- Lây nhiễm chéo trong BV: Các ca bệnh lây nhiễm từ người sang người xảy ra chủ yếu trong BV. Do thời gian ủ bệnh của MERS-CoV từ hai đến 14 ngày nên một số người nhiễm virus MERS-CoV có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ vì thế nên rất khó phát hiện được bệnh.

Bài học từ Hàn Quốc cho thấy bệnh nhân sau khi trở về từ Trung Đông không có biểu hiện của bệnh, sau bảy ngày bệnh nhân mới khởi phát bệnh. Bệnh nhân đã đến bốn BV và phòng khám khác nhau để thăm khám và điều trị. Do đường lây chủ yếu là tiếp xúc gần, qua hô hấp và dịch tiết nước bọt nên đến khi bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm MERS và bị cách ly thì đã có 35 người khác nhiễm căn bệnh này.

Nhận định của WHO rằng dịch chủ yếu lây truyền trong BV là do nơi đây thường tiếp nhận những bệnh nhân mắc các loại bệnh nặng. Đây là những người có nguy cơ bị nhiễm cao và nơi đây cũng thường thực hiện nhiều thủ thuật đường hô hấp nên dễ lây nhiễm. Nhiều khả năng virus lây lan thông qua các giọt tiết hô hấp (nước mũi, nước bọt…) và bề mặt các vật dụng hoặc tay bị nhiễm virus.

- Lây nhiễm từ bệnh nhân sang cán bộ y tế: Theo WHO, tỉ lệ lây nhiễm này ít hơn và số ca tử vong cũng ít hơn. Nguyên nhân lây nhiễm cũng qua tiếp xúc gần, qua hô hấp và dịch tiết nước bọt với bệnh nhân mắc bệnh. Việc thực hiện không đầy đủ công tác phòng, chống nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế có thể dẫn đến số lượng lớn các trường hợp lây nhiễm thứ phát.

WHO khuyến cáo nên áp dụng triệt để các biện pháp dự phòng và tránh các giọt tiết khi tiếp xúc với bệnh nhân có các triệu chứng về hô hấp. Đồng thời nên đeo khẩu trang khi làm các thủ thuật khí dung.

- Lây nhiễm từ bệnh nhân với những người tiếp xúc trong gia đình: WHO mới ghi nhận một số ít các ca lây nhiễm tại hộ gia đình. Đặc biệt chưa ghi nhận việc lây truyền tiếp sau đó trong cộng đồng qua các chùm ca bệnh. Duy nhất một trường hợp nghi ngờ bị lây nhiễm tại môi trường làm việc được báo cáo.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là lây truyền từ người sang người tại các cơ sở y tế, đây được cho là nguyên nhân khiến tốc độ lây nhiễm tăng nhanh theo cấp số nhân nếu không có những biện pháp ứng phó kịp thời mà ở Hàn Quốc là một ví dụ.

HUY HÀ

Hạn chế đến vùng có dịch Mers-Cov

Bộ VH-TT&DL vừa có công văn gửi Sở VH-TT&DL các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các địa phương… về việc phòng, chống dịch bệnh gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do virus corona (Mers-Cov). Theo đó, Bộ VH-TT&DL yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế không nên đưa khách du lịch đến các vùng đang có dịch bệnh Mers-CoV, chủ động kiểm soát những đoàn khách từ vùng đang có dịch bệnh đến Việt Nam.

Các doanh nghiệp lữ hành khi đón các đoàn khách quốc tế đến từ các thị trường liên quan đến dịch bệnh cần hợp tác với cơ quan kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế để thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm tra sức khỏe cho du khách. Các khách sạn, cơ sở lưu trú phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế địa phương về phòng, chống dịch; thông tin kịp thời đến cơ quan y tế địa phương về những dấu hiệu bất thường của khách du lịch liên quan đến dịch bệnh Mers-Cov.

V.THỊNH

TP.HCM: Yêu cầu khai báo khách đến từ vùng dịch

Sáng 8-6, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn đề nghị các sở, ban, ngành trên địa bàn TP cùng phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV. Theo đó, Sở Y tế TP đề nghị Sở Du lịch chỉ đạo các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP phải thông báo ngay cho cơ quan y tế tại địa phương khi có khách lưu trú trở về từ các nước có dịch MERS-CoV. Sở Y tế cũng đề nghị Công an TP hỗ trợ trong công tác điều tra, tìm kiếm hành khách trở về từ vùng dịch nhưng đã bị mất dấu. Trong trường hợp phát hiện trường hợp nghi mắc MERS-CoV tại khu dân cư, chính quyền địa phương phải áp dụng ngay các biện pháp chống dịch nhằm ngăn dịch lan rộng.

QA

Nguy cơ MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, chính vì thế chúng ta phải có kế hoạch, chương trình, đưa ra từng tình huống đối phó cả khi chưa có dịch và cả trong trường hợp dịch đã vào Việt Nam. Chúng ta không được chủ quan một phút nào, cần phải quyết liệt ngay từ đầu. Bởi nếu lơ là công tác kiểm soát và phòng dịch chỉ một giây, một phút là chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị tập huấn về giám sát, điều trị và phòng,
chống dịch bệnh MERS chiều 8-6

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm