Mệt nhoài khắc phục hậu quả bão

Bão số 1 khi vào đất liền thành áp thấp nhưng nó đã gây nhiều thiệt hại cho Nam Bộ. Đặc biệt ở TP.HCM, nơi hiếm khi có bão nên nhiều cây xanh bị gãy đổ, nhà cửa bị tốc mái dù bão không mạnh…

TP.HCM: Cổ thụ bật gốc

Theo thống kê, tại TP.HCM có 420 cây xanh bị ngã. Trong đó có 135 cây loại 2 (đường kính 20-70 cm tính từ gốc lên 1,3 m) và 13 cây loại 3 (lớn hơn 70 cm). 13 căn nhà ở Cần Giờ bị sập hoàn toàn, 260 căn nhà, trường học bị tốc mái, hư hại nặng...

Phó Chủ tịch UBND Lê Minh Trí cho rằng bão số 1 là bão lớn nhất từ trước đến nay đổ bộ vào TP. Các đơn vị cần rút kinh nghiệm để kịp thời ứng phó sự cố.

Sáng 2-4, vết tích của cơn bão vẫn còn hiện hữu làm nhiều người giật mình. “Tối qua thấy gió lớn nên tôi đóng cửa ngủ sớm, sáng chạy xe thấy cây ngã mới biết bão hoành hành dữ vậy!” - anh Hưng, nhà ở quận Gò Vấp nói khi thấy cả chục cây phượng to bị bứng gốc hai bên đường Trần Quốc Hàn (phường 4, quận Tân Bình). Đến 10 giờ 30, đoạn đường này vẫn còn ùn ứ vì cây ngã chưa dọn xong.

Trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1), nhiều cây cổ thụ cũng bị bật gốc, nằm chắn ngang các tiệm photocopy. “May mà cây ngã ra đường chứ đập trúng nhà thì không biết chuyện gì xảy ra. Tôi sống ở TP.HCM mấy chục năm nay, đây là lần đầu tiên chứng kiến bão lớn như thế” - chủ một cửa hàng nói.

Nhiều người ngỡ ngàng khi chứng khiến hàng chục cây xanh có tuổi thọ hàng chục năm bị bong tróc, nằm vật vạ trên nhiều tuyến đường: Trường Chinh (quận Tân Bình), Tô Hiến Thành, Ba Tháng Hai (quận 10), Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Cống Quỳnh (quận 1) làm giao thông ùn tắc. Cây sọ khỉ trong khuôn viên ĐH Sài Gòn có đường kính gần 3 m bị đánh gục, đè lên nhiều nhà dân.

Tại đường Lê Văn Việt, phường Hiệp Phú, quận 9, một cây cổ thụ đè sập một phần ngôi nhà số 80.

Làng ĐH Thủ Đức nhiều cây xanh bị gãy đổ và người dân tự dọn dẹp. Đến sáng 2-4, đường đã thông thoáng.

Cây ngã đè nhà dân ở xã Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: V.TÙNG

Cây đổ khiến cột điện trên đường Lê Quý Đôn, TP Vũng Tàu đổ gập. Ảnh: K.LY

Bà Lê Thị Mai Hồng, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM, cho biết ngoài các cây bị đổ thì có khoảng 60 trường hợp cây nghiêng mà người dân phản ánh nhưng công ty chưa thể kiểm tra. “Có một xe taxi ở khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ và một người đi xe máy ở đường Ba Tháng Hai bị cây ngã đè trúng nhưng không gây thương tích nặng. Ngoài ra cũng chỉ có một vài trường hợp cây ngã đè trúng nhà dân” - bà Hồng cho biết.

Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh, trong ngày 2-4, công ty tập trung giải tỏa các cây ngã trên đường để không ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt người dân. Sau đó công ty sẽ kiểm tra, thống kê những cây bị nghiêng, có phương án khắc phục.

Đồng Nai, Vũng Tàu… thiệt hại nặng

Các sở, ngành thống kê thiệt hại để TP hỗ trợ cho người dân kịp thời; khẩn trương dọn dẹp cây xanh ngã đổ; rà soát những cây xanh có nguy cơ ngã đổ để có giải pháp khắc phục kịp thời. Về lâu dài, các sở, ngành phải hướng dẫn, định hướng cho người dân trong thiết kế, xây dựng nhà ở sao cho có thể phòng, chống các thiệt hại do bão gây ra.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN ĐUA chỉ đạo sáng 2-4

Theo Ban Chỉ huy PCLB Đồng Nai, bão đã làm một người chết (do điện giật), bảy người bị thương. Gần 1.400 căn nhà tốc mái, 77 căn nhà bị sập. 29 tuyến điện trung thế bị sự cố, tám trụ điện trung thế bị ngã làm nhiều khu vực mất điện. Huyện Vĩnh Cửu có 25 bè cá bị thiệt hại toàn bộ, 20 thuyền máy ở huyện Định Quán bị lật. Cây xanh bị đổ ngã nhiều vô kể. Trong đêm 1-4, tỉnh đã huy động hơn 700 dân quân, công an, các lực lượng quân đội trên địa bàn hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Đồng Nai, 60 năm qua mới có một cơn bão ảnh hưởng trực tiếp Đồng Nai và gây nhiều thiệt hại như thế.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, bão làm 19 người bị thương, hơn 100 căn nhà sập và bị cuốn trôi; gần 1.400 nhà tốc mái; 66 đò nhỏ bị chìm. Ngoài ra, có hàng ngàn cây xanh bị bật gốc, gãy đổ, cả trăm cột điện hạ thế, trung thế bị hỏng. Sáng 2-4, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch tỉnh, đã chỉ đạo điện lực cần khắc phục ngay đường điện, cơ quan liên quan dọn dẹp cây đổ, khôi phục những cây còn khả năng giữ được…

Tại Khánh Hòa, Sở GTVT đang huy động các lực lượng để dọn đất, đá phủ đường Nha Trang đi Đà Lạt đoạn qua đèo Hòn Giao thuộc địa phận xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh. Hiện đã lưu thông một chiều và chưa biết khi nào mới có thể lưu thông hai làn xe bình thường trở lại.

Cảnh sát PCCC đang dọn dẹp cây cổ thụ chắn ngang đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3. Ảnh: V.HOA

Xử lý cây bị đổ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Ảnh: M.HIẾU

Phú Yên, hơn 6.000 ha lúa đông xuân chuẩn bị thu hoạch ở tỉnh này bị đổ ngã, ngập úng, hơn 450 ha tôm nuôi tại huyện Đông Hòa bị ngập, tôm thoát ra ngoài.

Tại Bình Định đã có gần 6.000 ha lúa đông xuân chuẩn bị thu hoạch bị thiệt hại nặng do ngã đổ, ngập úng.

ĐBSCL: Bộ đội giúp dân khắc phục bão

Tại Long An, hơn 300 căn nhà bị tốc mái (trên 50 căn nhà bị sập hoàn toàn) và gần 9.000 ha lúc bị hư hại do ngã rạp. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, quân sự và lực lượng tại địa phương tham gia sửa chữa nhà, đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ về vật chất để giúp dân vượt qua khó khăn.

Đồng Tháp có gần 430 căn nhà bị hư hại (97 căn nhà bị sập hoàn toàn), hàng ngàn hecta lúa đổ rạp. Các huyện đang huy động lực lượng khắc phục thiệt hại. Trước mắt, huyện xuất ngân sách chi hỗ trợ cho mỗi hộ có nhà sập là 6 triệu đồng, hộ có nhà tốc mái hoàn toàn hoặc hư hỏng một phần 3 triệu đồng. Cá biệt, ở xã An Hòa, huyện Tam Nông có ba hộ là mẹ con trong một gia đình đều có nhà bị sập. Trong đó hai căn được được Nhà nước cất theo Chương trình 167.

Vĩnh Long, 264 nhà dân bị tốc mái, 24 căn bị sập hoàn toàn.

Trắng đêm đi dọn cây đổ

Đến chiều tối 2-4, sau khi anh em công nhân tạm nghỉ lấy sức để hôm nay tiếp tục thu dọn cây xanh ngã đổ thì anh Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý cây xanh số 2 (thuộc Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM), mới thở phào: “Cây ngã dữ quá. May là không gây thiệt hại về người. Bão vào trúng ngày nghỉ lễ chứ không thì chẳng cách gì giải tỏa cho kịp”.

Từ chiều 1-4, khi bão bắt đầu đổ bộ vào TP.HCM thì đường dây nóng của Xí nghiệp Cây xanh 2 cũng reo liên tục. “Mình đã trực xử lý cây ngã đổ rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ lại thấy người dân báo tin dồn dập như lần này. Tối 1-4, xí nghiệp huy động hết 80 công nhân ra hiện trường nhưng cũng làm không xuể” - anh Sơn kể.

Do cây ngã quá nhiều nên anh phải chạy ra hiện trường cùng với anh em công nhân xử lý cây ngã. “Gió quật ầm ầm, cây hai bên đường nghiêng ngả nhưng tôi và anh em công nhân phải chạy hết đường này đến đường kia để kịp thời giải tỏa những cây ngã chắn ngang đường hoặc đè trúng nhà dân. Sợ nhất là cây ngã đè trúng phương tiện đi đường hoặc trúng nhà cửa. Những trường hợp này mà mình đến trễ, để xảy ra tai nạn thì ân hận cả đời” - anh Sơn bộc bạch.

Giữa gió mưa quần quật, từ 16 giờ chiều 1-4 đến 4 giờ sáng hôm sau, khi phần lớn những cây xanh ngã đổ chắn đường đi hoặc đè trúng nhà dân đã được giải tỏa, anh Sơn và anh em công nhân mới tranh thủ về nhà chợp mắt lấy sức. Sáng 2-4, họ lại tiếp tục có trên khắp các tuyến đường để giải tỏa cây ngã. “Đêm bão vào, anh em túi bụi chạy đi dọn dẹp cây ngã nên chẳng để ý gió, mưa. Đến khi bão tan mới thấy sợ” - anh Sơn nói.

TRUNG THANH

- Sáng 2-4, tàu của cảnh sát biển Vùng 2 thuộc Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp cận và cứu được 11 ngư dân trên tàu cá QNg-90046TS của ông Phạm Văn Mãng, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và đang lai dắt tàu bị nạn về đất liền.

- Dự báo trong ngày 2 và 3-4, lũ trên các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, khu vực nam Tây Nguyên và Đồng Nai lên cao. Lũ các sông ở Khánh Hòa và Ninh Thuận sẽ đạt đỉnh.

NHÓM PV - CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới