Gần đây, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trường hợp ông Hồ Thanh Hải (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) “xin tạm giam để minh oan” do cơ quan tố tụng không chứng minh được ông phạm tội nên đình chỉ điều tra theo khoản 1 Điều 25 BLHS hiện hành. Diễn biến mới nhất của vụ việc là viện trưởng VKSND Tối cao cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan liên quan và VKSND TP.HCM kiểm tra, làm rõ...
Quy định mới chi tiết hơn
Trong trường hợp của ông Hải cũng như trong hàng chục trường hợp khác mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, thay vì phải xác định “hành vi không cấu thành tội phạm” hoặc “đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm”, các cơ quan tố tụng lại lạm dụng quy định tại khoản 1 Điều 25 BLHS hiện hành để miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) nhằm né tránh trách nhiệm bồi thường oan. Điều khoản này quy định: Người phạm tội được miễn TNHS nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Với việc bị miễn TNHS theo điều khoản này, người gặp oan ức sẽ không được xin lỗi, bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Điều 29 BLHS 2015 đã quy định về căn cứ miễn TNHS chi tiết hơn Điều 25 BLHS hiện hành.
Cụ thể, khoản 1 Điều 29 BLHS 2015 quy định người phạm tội được miễn TNHS khi có một trong hai căn cứ: Thứ nhất là khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Thứ hai là khi có quyết định đại xá. Như vậy, gặp hai trường hợp này, cơ quan tố tụng bắt buộc phải miễn TNHS cho người phạm tội.
Ông Hồ Thanh Hải, người chưa được xin lỗi, bồi thường oan vì bị miễn TNHS không đúng. Ảnh: N.ĐỨC
Khoản 2 Điều 29 BLHS 2015 quy định người phạm tội có thể được miễn TNHS khi có một trong ba căn cứ: Thứ nhất là khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Thứ hai là khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa. Thứ ba là người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Như vậy, gặp ba trường hợp này cơ quan tố tụng có thể (không bắt buộc) miễn TNHS cho người phạm tội.
Một trường hợp khác mà cơ quan tố tụng cũng có thể (không bắt buộc) miễn TNHS được quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS 2015: Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS.
Nhưng còn kẽ hở
Ông Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) nhận xét: Khoản 1 Điều 29 BLHS 2015 đã chuyển hóa được khái niệm “do chuyển biến của tình hình” trong khoản 1 Điều 25 BLHS hiện hành thành căn cứ cụ thể là “khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Đây là sự thay đổi cần thiết để giúp các cơ quan tố tụng dễ dàng vận dụng. Bên cạnh đó, các căn cứ để cơ quan tố tụng miễn TNHS, có thể miễn TNHS khác đối với người phạm tội trong cả ba điều khoản cũng khá chi tiết.
Tuy nhiên, riêng tại điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS 2015, nhà làm luật lại quy định mở ở trường hợp có thể được miễn TNHS “do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Quy định này lặp lại “lỗi chung chung” của khoản 1 Điều 25 BLHS hiện hành. Khi không có hướng dẫn cụ thể thì nó có thể là cái phao giúp cơ quan tố tụng đối phó với người bị oan trong trường hợp nóng vội xử lý hình sự nhưng không chứng minh được tội phạm. Mặt khác, cơ quan tố tụng cũng có thể vận dụng tùy tiện quy định này để bỏ lọt tội phạm và người phạm tội thật sự.
Đồng tình, luật sư Hoàng Kim Vinh (nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) nói để hạn chế tình trạng lạm dụng miễn TNHS với lý do trên, các cơ quan tố tụng trung ương phải có văn bản hướng dẫn rất cụ thể. Văn bản này phải chỉ rõ thế nào là “do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” hay trường hợp nào được áp dụng quy định này... để các cơ quan tố tụng áp dụng thống nhất.
Thế nào là “do chuyển biến của tình hình...”? Theo các ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao), Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao), Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM), khái niệm “chuyển biến của tình hình” trong chế định miễn TNHS được hiểu là chính sách về pháp luật hình sự có sự thay đổi theo hướng không còn quy định hành vi sai trái đang bị điều tra, truy tố, xét xử là tội phạm nữa. Ví dụ: Theo BLHS 1985, hành vi trộm cắp tài sản trị giá từ 500.000 đồng trở lên là đã có thể truy cứu TNHS. Tuy nhiên, với quy định của BLHS 1999, trị giá tài sản bị trộm cắp phải từ 2 triệu đồng trở lên thì mới bị truy cứu TNHS. Khi BLHS 1999 được áp dụng, người trộm cắp từ 500.000 đồng đến dưới 2 triệu đồng mà đang bị điều tra, truy tố, xét xử theo BLHS 1985 sẽ đương nhiên được miễn TNHS theo khoản 1 Điều 25 BLHS 1999. Một số vụ né bồi thường oan - Tháng 12-2014, VKSND huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã miễn TNHS, đình chỉ điều tra bị can đối với anh Trần Hoàng Minh theo khoản 1 Điều 25 BLHS. Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh vụ việc, cuối năm 2015, VKS huyện đã “đính chính” quyết định đình chỉ điều tra với lý do không chứng minh được anh Minh phạm tội. Trước đó, tháng 9-2013, anh Minh bị Công an, VKSND huyện Cần Giờ cáo buộc trộm một chiếc máy tính xách tay dù anh kêu oan, có chứng cứ ngoại phạm. Đầu năm 2014, TAND huyện mở phiên xử nhưng phải trả hồ sơ... - Tháng 5-2102, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hồ Thanh Hải về hai tội trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với lý do: Hết thời hiệu truy cứu TNHS với tội trốn thuế và hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Hải là chủ một DNTN, đã ký hợp đồng mua hải sản với một số doanh nghiệp dưới dạng “hợp đồng tay ba” (có thêm sự tham gia của cơ sở, đại lý có nguồn cung hải sản). Sau đó ông bị cáo buộc mua bán khống để có hóa đơn GTGT nhằm xin hoàn thuế (6,8 tỉ đồng) và khấu trừ thuế (18,6 tỉ đồng). Năm 2004, ông bị khởi tố, truy tố về hai tội nói trên. CQĐT từng ra sáu bản kết luận điều tra (năm kết luận điều tra bổ sung) và ba lần trưng cầu giám định tư pháp về thuế; VKSND TP từng có cáo trạng truy tố ông nhưng TAND TP phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì không thể kết tội được. |