Xin được tạm giam để minh oan

Người bị oan là ông Hồ Thanh Hải, 63 tuổi, hiện ngụ phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Sáu kết luận điều tra và ba lần giám định

Gần 13 năm trước, ngày 22-7-2004, ông Hải bị khởi tố hai tội trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra (CQĐT) đã thu giữ của ông Hải 1,8 tỉ đồng. Ông bị tạm giam gần hai năm (từ 21-12-2004 đến 14-12-2006) rồi được cho tại ngoại.

Theo hồ sơ, từ năm 1999 đến 2001, ông Hải là chủ DNTN chế biến thủy sản Bình Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hải Bình. Ông Hải đã ký hợp đồng mua hải sản với một số doanh nghiệp dưới dạng “hợp đồng tay ba”, tức là có thêm sự tham gia của các cơ sở, đại lý có nguồn cung hải sản.

Theo quy trình, bên mua hải sản sẽ đi cùng công ty bên bán xuống các cơ sở, đại lý để cùng kiểm tra hàng, thống nhất giá… rồi chuyển tiền (một phần tiền sẽ được trả ngay cho cơ sở, đại lý). Chủ cơ sở, đại lý sẽ lập bảng kê và nộp thuế doanh thu, thuế GTGT; còn bên bán có trách nhiệm xuất hóa đơn GTGT và giám sát việc vận chuyển hàng đến giao tại kho bên mua.

Tuy nhiên, CQĐT lại cáo buộc ông Hải mua hải sản của cơ sở, đại lý nhưng ký hợp đồng thông qua một công ty bên bán như trên là mua bán khống để có hóa đơn GTGT nhằm xin hoàn thuế (6,8 tỉ đồng) và khấu trừ thuế (18,6 tỉ đồng). Vì vậy, CQĐT đã khởi tố, bắt giam ông Hải về hai tội nói trên.

Vụ án này CQĐT từng ra sáu bản kết luận điều tra, trong đó có năm kết luận điều tra bổ sung và ba lần trưng cầu giám định tư pháp về thuế. VKSND TP từng có cáo trạng truy tố ông Hải ra tòa nhưng tòa phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì không thể kết tội được ông Hải.

13 năm nay, ông Hồ Thanh Hải liên tục kêu oan. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Giám định kết luận ông Hải không trốn thuế

Đáng chú ý, qua ba lần giám định tư pháp về thuế với ba hội đồng giám định khác nhau (do bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập theo quyết định trưng cầu của CQĐT) nhưng đều cho ra kết luận giám định khá tương đồng.

Bản kết luận giám định ngày 10-5-2004 (trước khi ông Hải bị khởi tố) kết luận: “DNTN Bình Hưng thực tế có hàng hóa thủy sản mua vào nhập kho, có bán xuất khẩu và bán nội địa (không phải mua khống, bán khống), thực hiện đầy đủ chế độ hóa đơn, chứng từ, áp dụng đúng thuế suất GTGT, hạch toán đúng doanh thu bán ra, đã kê khai nộp thuế đầu vào, đầu ra theo quy định… DNTN Bình Hưng không có hành vi trốn thuế và là đối tượng được hoàn thuế GTGT”.

Với kết quả giám định này, lẽ ra vụ việc đã được khép lại, tức ông Hải không bị khởi tố. Tuy nhiên, không hiểu sao CQĐT vẫn khởi tố để rồi sau đó phải trưng cầu giám định thêm hai lần nữa.

Tại bản kết luận giám định cuối cùng ngày 21-9-2007, hội đồng giám định của Bộ Tài chính kết luận: “Việc mua bán hàng hóa của DNTN Bình Hưng là có hợp đồng mua bán, có hóa đơn GTGT, có biên bản thanh lý hợp đồng, có kê khai nộp thuế theo quy định…; chưa có đủ căn cứ xác định việc mua bán hàng hóa nêu trên giữa các đơn vị là mua bán hóa đơn GTGT không có hàng hóa đi kèm…; chưa đủ cơ sở để xác định 223 hóa đơn GTGT của các đơn vị xuất cho Công ty Hải Bình là hóa đơn xuất khống. Chưa có cơ sở để xác định ông Hải mua 216 hóa đơn khống để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào”.

Kết luận giám định trên còn nêu rõ: “Khi mua hàng, Công ty Hải Bình đã trả đủ tiền hàng và tiền thuế theo hóa đơn. Các hóa đơn bán hàng đều được bên bán kê khai nộp thuế GTGT đúng quy định thì Công ty Hải Bình được khấu trừ thuế đầu vào. Qua các khâu kê khai nộp thuế GTGT của cả hai bên (bên mua và bán) cho thấy Nhà nước chưa bị thất thu thuế GTGT…”.

“Tội này hết thời hiệu, tội kia hết nguy hiểm”

Cuối năm 2009, một lần nữa CQĐT lại có công văn hỏi Bộ Tài chính. Tháng 4-2010, lãnh đạo Bộ Tài chính có công văn khẳng định: Các nội dung giám định tại kết luận giám định ngày 21-9-2007 là kết luận chính thức.

Mãi đến ngày 16-5-2012, sau gần tám năm bị khởi tố, CQĐT Công an TP.HCM mới đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hải. Tuy nhiên, thay vì đình chỉ với lý do hành vi của ông Hải không cấu thành tội phạm và xác định ông bị oan, CQĐT lại căn cứ vào lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội trốn thuế và hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa với tội lừa đảo.

Nhưng nếu căn cứ vào các kết luận giám định nêu trên, rõ ràng ai cũng thấy ông Hải bị khởi tố, truy tố oan.

PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để làm rõ thêm thông tin vụ án nhưng chưa gặp được người có trách nhiệm. Sáng 5-5, trao đổi với PV, một lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan liên quan nắm lại hồ sơ vụ án này để có hướng xử lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ án trên khi có diễn tiến mới.

Đề nghị VKSND Tối cao làm rõ vụ án này

Vụ án này từ tháng 7-2013 tôi đã có văn bản gửi viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị viện trưởng chỉ đạo rút hồ sơ lên để nghiên cứu, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khởi tố, truy tố oan ông Hồ Thanh Hải. Việc bắt tạm giam ông Hải để điều tra hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tài sản qua khấu trừ, hoàn thuế là không có cơ sở. Các kết quả giám định của cơ quan thuế đã chứng minh rõ điều này. Sau gần 10 năm khởi tố nhưng cơ quan tố tụng đã không thể đưa vụ án ra xét xử vì hành vi của ông Hải không cấu thành tội phạm. Việc khởi tố, truy tố oan để lại hậu quả nặng nề không chỉ cho cá nhân ông Hải mà hàng trăm công nhân của doanh nghiệp ông Hải cũng bị vạ lây.

Tôi sẽ tiếp tục đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao phải làm rõ để minh oan cho ông Hải, dũng cảm xin lỗi, bồi thường oan cho ông.

Ông LÊ THANH VÂN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội

“Quyết định đình chỉ có căn cứ”

VKSND TP.HCM đã xem xét các quyết định đình chỉ điều tra vụ án và bị can của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM. Xét thấy các quyết định đình chỉ điều tra của CQĐT là có căn cứ. Ngày 15-6-2012, VKSND TP.HCM đã có văn bản kết luận về việc đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hồ Thanh Hải và các cá nhân liên quan. Đồng thời, VKS đã trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền.

(Trích quyết định giải quyết khiếu nại ngày 20-2-2013
của VKSND TP.HCM)

Xin được giam và xét xử công khai

Dù được Công an TP.HCM đình chỉ điều tra từ tháng 5-2012 nhưng ông Hải vẫn liên tục có đơn xin phục hồi điều tra, mong được bắt tạm giam để có cơ hội minh oan chứ không chấp nhận việc đình chỉ mà vẫn có tội.

“Tôi muốn vụ án được đưa ra xét xử công khai, nếu tôi có tội thì tôi thi hành án, nếu không phải phục hồi danh dự vì cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố oan tôi” - ông Hải nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...