Miền Trung gánh bão số 4

(PLO)- Bão số 4 có sức gió khủng khiếp, người dân miền Trung được di tản khẩn cấp, các phương án đối phó được nâng lên cấp độ cao nhất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngay từ khi bão số 4 được dự báo sẽ đổ bộ vào miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo tiền phương tại Đà Nẵng. Kịch bản chống bão từ Quảng Bình tới Khánh Hòa được kích hoạt, các địa phương huy động tổng lực từ nhân lực tới phương tiện, vật chất để chống bão.

Sơ tán dân khẩn cấp

Sáu huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam là khu vực thường xuyên bị cô lập và sạt lở đất gồm Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My và Bắc Trà My được lập tức bố trí lương thực dự trữ, phòng trường hợp bị cô lập làm người dân đói rét.

Nhà một người dân tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) bị cuốn sập. Ảnh: NGUYỄN DO

Nhà một người dân tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) bị cuốn sập.
Ảnh: NGUYỄN DO

Tỉnh Quảng Nam đã di dời, sơ tán khẩn cấp 37.350 hộ với tổng 116.982 người. Trong đó, sơ tán tập trung 10.784 hộ với 36.701 người, sơ tán xen ghép 26.566 hộ với 80.281 người. Tỉnh ghi nhận có chín người bị thương trong quá trình phòng chống bão, trong đó năm người đang được điều trị ở bệnh viện.

Đêm 27-9, còn 4.787 du khách đang đi du lịch tại các tỉnh, TP từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại những cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm đã di chuyển vào đất liền tránh trú.

Để tăng cường công tác chủ động ứng phó và khắc phục thiệt hại do bão số 4 gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ký văn bản, cấm tất cả phương tiện tham gia giao thông và các phương tiện xe máy chuyên dùng khác (trừ phương tiện tham gia công tác phòng chống thiên tai) hoạt động.

Một số khu du lịch và khách sạn tại Quảng Nam đã mở cửa để đón người dân đến sơ tán, trú tránh bão miễn phí. Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana) cung cấp chỗ ở và hậu cần cho khoảng 400 người dân xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên tới sơ tán, phần lớn là người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Một khu du lịch khác là Villa Mi An cũng đã đón người dân đến tránh bão. Số điện thoại nóng của những khu nghỉ dưỡng này được công bố để người dân cần trú ẩn có thể liên hệ.

Bình Định đã sơ tán 18.995 hộ với 65.404 người, trong đó ưu tiên sơ tán người dân ven biển (khoảng 7.255 hộ/25.695 người).

Tương tự, tại TP Đà Nẵng, các đơn vị, địa phương khẩn trương vận động, hỗ trợ sơ tán nhân dân đến các điểm sơ tán tập trung và nhà dân, công trình kiên cố lân cận với tổng số theo kế hoạch là 80.801 người. Trong đó, sơ tán tập trung 25.869 người, sơ tán xen ghép (lân cận) 54.932 người.

Người dân tại vùng nguy hiểm trên địa bàn quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng được lực lượng chức năng sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão vào. Ảnh: NGÔ QUANG

Người dân tại vùng nguy hiểm trên địa bàn quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng được lực lượng chức năng sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão vào. Ảnh: NGÔ QUANG

Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng, cho biết đã chuẩn bị lực lượng và phương tiện sẵn sàng ứng phó với bão số 4. Tại trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự TP đã tập kết sẵn bốn xe thiết giáp, trong đó có một xe lội nước, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

“Khi bão đổ bộ, các xe bọc thép sẽ làm song song hai nhiệm vụ chở lãnh đạo đi thị sát tình hình trong bão và cứu nạn, cứu hộ trong tình huống nhà dân bị nạn, sự cố” - Đại tá Vinh thông tin.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho hay toàn tỉnh đã di dân xong với số lượng hơn 14.000 hộ. “Công tác di dân không vất vả lắm vì người dân đồng thuận và mưa cũng chưa lớn. Tối nay, 21 giờ, tỉnh cấm người dân ra đường. Nếu công nhân làm đêm thì phải ở lại luôn nhà máy” - ông Phương nói.

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay đã tính đến các kịch bản lũ. Trong trường hợp mưa đến 600 mm thì nước sông vẫn ở báo động 1. Toàn hệ thống hồ, đập trên địa bàn tỉnh có tổng công suất thiết kế khoảng 2 tỉ m3, mực nước hiện tại chứa dưới 30% công suất thiết kế. Lực lượng chức năng của tỉnh đang tiếp tục kiểm tra tình trạng người dân cố thủ trên tàu để vận động di dời.

Sóng, gió mạnh khủng khiếp

Tính đến 23 giờ ngày 27-9, sóng và gió do bão số 4 gây ra khiến người dân vùng bão đi qua lo lắng. Gió lớn quất liên hồi, làm nhiều cây cối ngã đổ la liệt và các mái tôn bị lột khỏi mái nhà.

Các lực lượng chức năng của TP Đà Nẵng hỗ trợ sơ tán một người dân ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) bị tai biến nằm một chỗ tới nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: NGÔ QUANG

Các lực lượng chức năng của TP Đà Nẵng hỗ trợ sơ tán một người dân ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) bị tai biến nằm một chỗ tới nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: NGÔ QUANG

Tại Quảng Trị, gió lớn khiến nhiều ngôi nhà, hàng quán, chợ Cửa Việt thuộc thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) bị tốc mái, nhiều nhà dân bị sập hoàn toàn. Nhiều người dân tay trắng, màn trời chiếu đất sau khi gió bão quét qua.

Theo thông tin ban đầu từ tỉnh Quảng Trị, đã có hai người bị thương do bão gây ra. Ngoài ra, tiệm vàng Phước Thịnh tại thị trấn Cửa Việt đã bị bão cuốn bay hết. Gia sản tích cóp nhiều năm bay theo cuồng phong. Chủ tiệm khóc lóc và nhờ người dân tham gia tìm kiếm tài sản để giảm thiệt hại trong vô vọng.

Tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết gió trên đảo giật rất mạnh và chưa từng thấy. Toàn bộ người dân vùng nguy cơ đã được di dời, sơ tán đến nơi an toàn. Các lực lượng luôn sẵn sàng mọi phương án ứng phó với bão số 4 và hỗ trợ người dân.

Trong khi đó, TP Đà Nẵng tiến hành đóng hàng loạt cây cầu bắc qua sông Hàn và cắt cử lực lượng túc trực, nghiêm cấm người dân lưu thông. Việc cấm qua cầu là cần thiết vì gió đã quật ngã nhiều người đi xe máy. Nhiều nơi tại trung tâm TP ngập sâu vì mưa lớn. Cây cối ngã đổ rất nhiều trên đường phố.

Gần 1.000 tàu cá khắp các tỉnh miền Trung được đưa vào Âu thuyền Thọ Quang neo đậu. Lực lượng Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng sử dụng ca nô tuần tra quanh âu thuyền. Khi phát hiện còn ngư dân nào trên tàu thì đưa ngay vào tránh trú bão bên trong nhà điều hành cảng cá.

Cưỡng chế ngư dân lên bờ

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho hay đã ban hành ba công điện liên tiếp trong ba ngày qua để ứng phó với bão số 4. 100% tàu thuyền của tỉnh đã được kêu gọi vào bờ hoặc di chuyển đến nơi an toàn. Toàn tỉnh đã sơ tán khoảng 95.000 người dân.

Theo ông Minh, sau bão thường xảy ra lũ, có thể sạt lở núi. Tỉnh đã xây dựng ba kịch bản để ứng phó. “Chúng tôi hoàn toàn chủ động trong ứng phó với cơn bão lần này” - ông Minh nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thông tin ông vừa kiểm tra các khu vực neo đậu tàu thuyền và khu vực quận Ngũ Hành Sơn có hơn 100 ngư dân ở trên tàu. Một số tàu hàng cũng còn thuyền viên.

“Khó khăn nhất hiện nay là còn một số thuyền viên tàu hàng ở lại vì sợ đắm tàu. Tôi trực tiếp xuống vận động nhưng họ vẫn không chịu lên” - ông Quảng nói.

Theo ông Quảng, lãnh đạo TP đã chỉ đạo lực lượng chức năng lập biên bản vụ việc và tổ chức cưỡng chế. “Chủ tàu nào để thuyền viên ở lại mà xảy ra sự cố chết người sẽ khởi tố hình sự” - ông Quảng nhấn mạnh.

Lực lượng đặc công nước sẵn sàng làm nhiệm vụ

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho hay đã chỉ đạo lực lượng đặc công nước tại Đà Nẵng sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu khi có tàu chìm mà có người rơi xuống nước. Quân đội cũng đã triển khai xe thiết giáp. Ông Bình cũng đề nghị các địa phương tận dụng camera giao thông để kiểm soát kỹ các tuyến đường.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm