Miền Trung lũ ngập tới nóc nhà

Hôm nay (5-10), vùng áp thấp kết hợp với đới gió đông bắc làm vùng biển ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh, biển động dữ dội. Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa to đến rất to làm lũ ở các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị đang lên, nhiều sông đang ở trên mức báo động ba.

Quảng Bình: 3.500 nhà bị ngập hơn 2 m

Chiều tối ngày 4-10, Quảng Bình đã có ba người chết. Lũ đã nhấn chìm 21.600 nhà dân, trong đó 3.500 nhà bị ngập 1-2 m. Hiện ở vùng biển Quảng Bình có tám tàu cá của ngư dân bị hỏng máy trôi dạt tự do trên biển, trong đó có năm tàu cá với 43 ngư dân huyện Quảng Trạch. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Bình có 10 điểm sạt lở; đường sắt Bắc-Nam đoạn ở ga La Khê giáp giới giữa huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) và Hương Khê (Hà Tĩnh) bị ngập làm đoàn tàu SE6 từ TP.HCM đi Hà Nội đã phải nằm lại ga Đồng Hới. Đoàn tàu TN2 đi Hà Nội đến ga Đồng Hới cũng phải dừng lại. Khoảng 600 hành khách của hai đoàn tàu này phải ở lại ga bất đắc dĩ.

Trưa cùng ngày, huyện Tuyên Hóa đã phải sơ tán khẩn cấp hơn 1.500 hộ dân với khoảng 5.000 nhân khẩu ra khỏi rốn lũ và vùng nguy cơ sạt lở.

Miền Trung lũ ngập tới nóc nhà ảnh 1

Nhà của người dân xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đang ngập chìm trong nước lũ. Ảnh: SÔNG LAM

Quảng Trị: Ba người chết

Rạng sáng 4-10, trên quốc lộ 9, đoạn đi qua thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), một cửa hàng bị sạt lở, đổ nhào xuống suối. Sau nhiều giờ đào bới, người dân và lực lượng cứu hộ đã tìm thấy hai nhân viên may mắn thoát chết nhưng bị kiệt sức vì thương tích. Đến 9 giờ cùng ngày, xác chị Trần Thị Linh (chủ cửa hàng) đã được tìm thấy, còn người chồng hiện mất tích.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị, tổng cộng tỉnh đã có ba người chết (trong đó có một trẻ em ở huyện Hải Lăng). Hơn 36 nhà dân bị sập, tốc mái, xiêu vẹo; hai tràn xả lũ Bồ Bản và Tân Vĩnh bị hư hỏng, kè ở vị trí Trạm y tế xã Triệu Nguyên bị cuốn trôi.

Hiện mưa ở Quảng Trị vẫn xối xả trên diện rộng. Hàng ngàn hecta hoa màu, lúa, cà phê đã bị ảnh hưởng nặng nề; hơn 4.000 căn nhà ở huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và TP Đông Hà bị ngập nặng. Huyện miền núi Hướng Hóa đã di dời khẩn cấp gần 150 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Huyện Hải Lăng chuẩn bị di dời 400 hộ dân ra khỏi vùng ngập nặng. Nhiều đoạn đường ở quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nghiêm trọng.

Hà Tĩnh: Bảy người chết và mất tích

Lũ đầu nguồn ồ ạt đã cuốn trôi bảy người ở huyện miền núi Hương Sơn và Hương Khê, trong đó bốn người đã tìm thấy xác, ba người mất tích. Lũ đã nhấn chìm 24.000 căn nhà ở 15 xã trên địa bàn huyện Hương Khê và 13 xã huyện Vũ Quang, hàng trăm nhà ngập đến nóc, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Tỉnh này đã di dời hơn 6.000 hộ dân ở Vũ Quang và Hương Khê lên đường Hồ Chí Minh và các ngọn đồi tránh lũ. Hơn 1.000 ha lúa; gần 100 con trâu, bò và hàng chục ngàn con gia cầm đã bị lũ cuốn trôi.

Miền Trung lũ ngập tới nóc nhà ảnh 2

Hàng ngàn nhà dân ở xã Châu Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình) ngập sâu, giao thông chia cắt hoàn toàn. Ảnh: HÀ LINH

Ngày 4-10, hàng trăm chiến sĩ bộ đội, công an đã giúp dân di dời và cứu trợ hơn 3 tấn mì tôm cứu đói cho người dân, phát 500 chiếc phao cứu sinh cho các hộ dân vùng ngập trũng.

Riêng mực nước đập thủy điện Hố Hô đã hạ xuống mức an toàn.

Nghệ An: Ba tàu bị sóng đánh chìm

Chiều tối 4-10, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết có thêm một người ở xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) bị lũ dữ cuốn chết trên đồng, nâng tổng số người chết và mất tích trên địa bàn tỉnh lên tám người.

Trong ngày 4-10, vùng biển Nghệ An đã có ba tàu bị sóng đánh chìm và bốn tàu đang gặp nạn trôi tự do trên biển, chờ ứng cứu.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết tỉnh đã có 29/50 hồ đập thủy lợi bị tràn nước, có nguy cơ vỡ đập. Thiệt hại ước tính ở Nghệ An khoảng 20 tỉ đồng.

Tại Thừa Thiên-Huế, mưa đã giảm nhưng mực nước trên các sông vẫn ở mức cao, trên mức báo động hai. Nhà dân ở nhiều xã vùng hạ lưu sông Hương, sông Ô Lâu vẫn còn ngập sâu trong nước. Mưa cộng lốc xoáy đã làm hơn 10 căn nhà ở thị trấn Phong Điền bị tốc mái.

Nhiều hành khách ở Khánh Hòa bị lỡ tàu

(PL)- Ngày 4-10, hàng chục hành khách mua vé tàu SE5 và SE7, TN1 từ Nha Trang đi TP.HCM đã phải quay về vì những chuyến tàu này đang mắc kẹt mưa lũ. Ga Nha Trang đã hoàn trả toàn bộ tiền vé cho hành khách, đồng thời hướng dẫn khách chuyển sang đi tàu SN1 chạy tuyến Nha Trang - Sài Gòn. Một số hành khách không mua được vé tàu SN1 đã phải chuyển sang đi xe khách.

Học sinh lội nước trong lớp học

(PL)- Hàng trăm học sinh Trường Tiểu học Phú Tân (thị trấn Thuận An, Phú Vang) phải ngồi co ro trong lớp học, dưới chân là nước ngập. Hiện mái ngói của chín phòng học ở đây đã bị mục nát, dột mưa; hệ thống cửa sổ cũng bị xé toác. Thầy và trò của trường này phải xúm nhau tát nước ra khỏi phòng trước khi vào giờ học.

Đường sắt qua đèo Hải Vân không bị tắc

(PL)- “Trước đây tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân luôn là “điểm nóng” về tình trạng ách tắc trong mùa mưa bão do sạt lở núi. Tuy nhiên, sau khi dự án “gia cố đèo Hải Vân theo lệnh khẩn cấp” của Thủ tướng, công trình hoàn tất năm 2009 và tình trạng ách tắc không còn nữa” - ông Đặng Sỹ Mạnh, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt khu vực 2, khẳng định.

Thủy điện vẫn thiếu nước

(PL)- Mưa lớn trên diện rộng nhưng Nhà máy thủy điện  A Vương ở Quảng Nam vẫn phải đối mặt với việc thiếu nước. Theo phân xưởng vận hành, đến chiều 4-10, hồ tích nước của thủy điện vẫn còn tiệm cận với mực nước chết nên nhà máy chỉ có thể vận hành 8 giờ/ngày với công suất 80 MW/giờ. Cũng theo quản đốc phân xưởng, mực nước bắt đầu sụt giảm từ đầu tháng 9 đến nay. Tại thời điểm này vào năm ngoái, thủy điện A Vương đã bắt đầu xả tràn. 

NHÓM PV – CTV MIỀN TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm