Minh oan cho người đã chết khi tạm giam, giữ?

Tại phiên thảo luận hội trường về dự án Luật Tạm giam, tạm giữ sáng qua (9-11), nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đều nhận định tình trạng người đang bị điều tra chết trong nhà tạm giam, tạm giữ rất đáng báo động. Theo các ĐB, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vấn nạn “bức cung, nhục hình” và dự luật này ra đời phải khắc phục được điều đó bằng cách đưa ra những quy định đảm bảo quyền lợi cho đối tượng bị tạm giam, tạm giữ…

Chết mà oan thì phải quy định minh oan

Góp ý cho dự luật này, ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đã nêu lên hiện trạng gần đây xảy ra quá nhiều vụ “người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam tự sát hoặc bị đánh chết trong nhà tạm giữ, tạm giam”. điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, cũng như uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong dư luận… Từ đó ĐB Hiền đề nghị: “Cần phải có ngay quy định minh oan cho người bị buộc tội mà họ chết trong giai đoạn điều tra”. Theo ĐB Hiền, luật hiện hành chỉ nêu trường hợp đình chỉ vụ án với lý do người thực hiện hành vi phạm tội đã chết mà không tiếp tục điều tra để kết luận người bị buộc tội đó có bị oan hay không để giải quyết bồi thường thiệt hại, oan sai trong tố tụng cho thân nhân người đã chết.

“Vì vậy, pháp luật tố tụng hình sự cần quy định cụ thể nhằm giải oan cho người bị khởi tố, truy tố oan đã mất để phần nào vơi đi đau khổ cho thân nhân của họ cũng như đời sống tâm linh của gia đình họ” - ĐB Hiền nói.

Ủng hộ đề xuất này, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng theo tinh thần Hiến pháp, chỉ những người bị tuyên bằng một bản án thì họ mới là người có tội. Còn đối tượng đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam, nếu họ chết thì xử lý như thế nào? “Vì người chết mà bị oan thì cũng không thể tự mình minh oan được cho họ” - ĐB Nam đặt vấn đề. Theo ông Nam, rõ ràng họ chưa có tội vì họ chưa được tuyên bởi một bản án. Và nếu họ là những người bị oan thì xem xét có quy định để xử lý vấn đề này.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa): Người chết trong khi tạm giam, tạm giữ mà bị oan thì cũng không thể tự mình minh oan được cho họ. Vì thế phải có quy định xử lý vấn đề này. Ảnh: qh

Cần tách bạch giữa điều tra và giữ người

Nhấn mạnh một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bức cung, nhục hình” là do hoạt động điều tra và giam giữ vẫn chưa được tách bạch độc lập. Do đó, các ĐB đề nghị hoạt động tạm giam, tạm giữ cần phải được tách khỏi hệ thống điều tra các cấp.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: “Không ít vụ việc bức cung, nhục hình trong thời gian qua đã xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giam, tạm giữ”. Theo ông Vinh, mặc dù việc bức cung, nhục hình xảy ra không phải do người quản lý tạm giữ, tạm giam thực hiện nhưng các vụ việc đó lại xảy ra trong nhà tạm giữ, trại tạm giam - nơi cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý. “Vì vậy, dù vô ý hay cố ý thì đó cũng là phần lỗi của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam” - ông Vinh nói.

Mặt khác, theo ĐB Vinh, xét về bộ máy thì cơ bản mô hình hiện nay đã tách biệt giữa hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp với các cơ sở tạm giữ, tạm giam nhưng vẫn do công an cấp huyện, tỉnh quản lý chung về nhân lực, con người và bộ máy. ĐB Vinh đặt câu hỏi “độ tin cậy về tính minh bạch trong mối quan hệ và sự tách bạch khỏi hệ thống giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam với cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp có đủ khách quan hay không?”. Trên tinh thần đó ông Vinh đề nghị cần phải tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự, cơ quan công an cấp tỉnh, huyện để bảo đảm tính khách quan trong công tác giam, giữ bằng cách giao cho Tổng cục VIII quản lý theo ngành dọc hệ thống trại tạm giam, tạm giữ.

Đề xuất để Bộ Tư pháp quản trại tạm giam, tạm giữ

Tại buổi thảo luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM, ảnh) đề xuất đưa hẳn nhà tạm giam, tạm giữ cho Bộ Tư pháp quản lý. Ông lý giải: “Đây là tạm giữ, tạm giam, tức là đang điều tra và họ có thể vô tội. Cho nên đưa về cho Bộ Tư pháp quản lý để bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, hoặc được đối xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời cũng là một kênh giám sát chống bức cung, mớm cung và nhục hình. Tiêu chí chung là việc tạm giữ, tạm giam phải độc lập đối với điều tra viên, công tố viên”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới