Mở cửa du lịch: Mỗi địa phương mỗi “màu”, trở tay không kịp

Du lịch nội địa hiện là “chìa khóa” để phục hồi ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, các địa phương không thống nhất trong việc kiểm soát dịch bệnh làm các doanh nghiệp (DN) du lịch dở khóc dở mếu.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị - truyền thông Saigontourist, công ty đã và đang tổ chức thành công các chùm tour du lịch nội địa với các điểm đến an toàn, là “vùng xanh” của cả nước với các hành trình trên khắp ba miền.

Riêng tại TP.HCM, việc kết nối du lịch giữa và các tỉnh lân cận ĐBSCL như Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang… có nhiều thuận lợi về khoảng cách địa lý.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều tỉnh, thành có chính sách kiểm soát dịch khác nhau theo tình hình dịch bệnh ở địa phương nên gây khó khăn cho các công ty lữ hành khi tổ chức tour.

Chưa hết, rất nhiều tỉnh, thành đang đứng trước nguy cơ bùng dịch bất cứ lúc nào nên chuyện có tỉnh hôm nay vui vẻ đón chào du khách nhưng hôm sau đã thông báo “đóng cửa” cũng là điều bình thường.

Thêm nữa, các hàng quán và ăn uống phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực vui chơi giải trí của du khách vẫn chưa được thoải mái mở lại gây khó khăn cho các DN lữ hành.

Vì vậy, DN du lịch mong muốn các địa phương có sự kết nối, thống nhất về điều kiện, tiêu chuẩn cũng như cách thức mở cửa, phát triển du lịch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để DN và ngành du lịch có điều kiện tốt nhất để phục hồi và phát triển.

Tương tự, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel, cho hay cả nước đã triển khai “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nên ngành du lịch triển khai các chương trình xúc tiến liên vùng nhằm kịp thời vực dậy du lịch trong nước cũng như cạnh tranh với các quốc gia.

Từ tháng 11 trở đi, du khách Việt Nam có thẻ xanh COVID sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn khi đi du lịch trong nước khi nhiều địa phương mở cửa đón khách du lịch. Tuy nhiên, dù hiện nay Việt Nam đang chuyển sang trạng thái “sống chung” nhưng những quy định về phòng chống dịch của các địa phương vẫn chưa đồng bộ, thống nhất.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính chất liên vùng rất cao. Du lịch phát triển dựa trên hệ thống dịch vụ công cộng và xã hội. Một khi các ngành dịch vụ, các hoạt động kinh tế còn bị gián đoạn, nhịp sống còn chưa thông suốt thì du lịch không thể khởi sắc.

Dịch bệnh trên cả nước chưa thực sự ổn định nên hiện nay mỗi địa phương tự đưa ra một phương án về việc đưa tiếp nhận khách. Thực tế hiện nay, có địa phương chấp nhận khách từ vùng xanh, vùng vàng; có địa phương chỉ chấp nhận khách vùng xanh. Thậm chí, thời điểm này vẫn có nơi chưa mở cửa đón khách du lịch.

Bà ví dụ: Công ty thiết kế xong một tour từ TP.HCM - Sapa hay Nha Trang 5-7 ngày và chuẩn bị quảng bá, bán ra thị trường Nhưng chưa kịp quảng bá, dịch xảy ra ở địa phương đã lên sẵn trong lịch trình. Vì vậy, DN phải thay đổi lại các điểm đến trong chương trình tour….

DN du lịch mong Bộ VH-TT&DL và Bộ Y tế đưa ra các quy chuẩn và kịch bản cụ thể hướng dẫn cho từng địa phương. Cụ thể, tùy mỗi “màu” sẽ có một kịch bản tương đương, áp dụng các phương thức đón khách, hay ứng phó với các ca bệnh phát sinh như thế nào … và các địa phương sẽ căn cứ theo đó thực hiện theo đúng hướng dẫn. Có như vậy mới tạo sự yên tâm, tâm lý thoải mái cho du khách tham gia tour và DN du lịch mạnh dạn đầu tư nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu du lịch cuối năm.

Đừng nghĩ khách hàng là nguồn đi lây nhiễm

Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, chúng ta đang tổ chức chương trình “bong bóng” du lịch thì cần xác định du khách, điểm đến đều có tiêu chí “xanh”. Đừng để chương trình này bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài và đừng nghĩ khách hàng là nguồn đi lây nhiễm mà nên nghĩ khách hàng đã đủ tiêu chuẩn an toàn.

Du lịch nội địa cũng sẽ là tiền đề, là bài học rút ra để mở du lịch quốc tế. Khách nội địa du lịch một cách tự tin và an toàn là cơ sở để mạnh dạn mở du lịch quốc tế, chứ cấm liên tục hay chưa an toàn, chưa bền vững thì không thể nào đón khách quốc tế.

 

Du lịch nội địa: Phao cứu sinh cho ngành
Kích cầu du lịch nội địa được xem là giải pháp tiên phong, mang tính chất bền vững.

Các chuyên gia, lãnh đạo Sở Du lịch các địa phương và doanh nghiệp (DN) đánh giá và có các đề xuất để phục hồi ngành du lịch Việt Nam.

Cần phối hợp để thống nhất hành động, tạo sự bứt phá

Bộ VH-TT&DL đã có văn bản triển khai mở cửa du lịch, thí điểm thực hiện đón khách quốc tế ở các địa phương và sắp tới là Quảng Ninh. Bộ đã có các văn bản triển khai theo Nghị quyết 128 về quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tổng cục Du lịch cũng đã rà soát lại quá trình triển khai, nếu địa phương nào thực hiện những việc chưa đúng theo Nghị quyết 128, đặc biệt là trong lĩnh vực đón khách du lịch tổng cục đã có lưu ý. “Chúng tôi đang làm thí điểm đón khách quốc tế, mở cửa một số nơi đón khách nội địa, hết giai đoạn 1 sẽ có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo tiếp theo. Ông ĐOÀN VĂN VITThứ trưởng Bộ VH-TT&DL

Phú Yên tạo mọi điều kiện mở lại các tour

Từ ngày mở cửa thí điểm đón khách du lịch trở lại, tỉnh đã đón được hơn 12.500 lượt khách đến lưu trú, chủ yếu từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đắk Lắk…

Để mở cửa an toàn cần phát triển du lịch trên nền tảng đi theo tour, theo tuyến, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Riêng tỉnh Phú Yên sẽ tạo mọi điều kiện để các công ty du lịch, lữ hành mở lại các tour, tuyến và đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành.

Dự kiến sau giai đoạn thí điểm, từ ngày 1-12, tỉnh mở rộng việc tổ chức hoạt động đón khách du lịch nội địa đối với các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Đối với thị trường khách du lịch quốc tế, ngành sẽ lên kế hoạch, phương án đón khách cụ thể theo hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL và Bộ Y tế, dự kiến bắt đầu từ tháng 6-2022, nếu được Chính phủ cho phép. Bà NGUYỄN THỊ HỒNG THÁI, Quyền Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Yên

Xây dựng bộ tiêu chí riêng cho từng đối tượng

Khánh Hòa đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn riêng đối với cơ sở kinh doanh du lịch, đơn vị lữ hành, điểm đến để DN chủ động xúc tiến, kết nối lại với đối tác.

Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các địa phương, các hãng hàng không, DN lữ hành trong nước và quốc tế.

Lộ trình thí điểm từng giai đoạn đã được tỉnh chủ động xây dựng để khuyến khích các DN du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng liên minh kích cầu, các chương trình tour du lịch, gói sản phẩm hấp dẫn, chất lượng, giá ưu đãi dành cho các đối tác DN và du khách.

Trong tháng 9-2021, khách du lịch đến Khánh Hòa gần 4.000 lượt, tháng 10 lượng khách đã tăng hơn ba lần và tháng 11 tăng hơn 10 lần, doanh thu du lịch tháng 11 ước đạt gần 165 tỉ đồng.

Các quy định đón khách du lịch tương đối cởi mở, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai, đảm bảo tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN hoạt động và du khách đến với Nha Trang - Khánh Hòa. Việc tiên phong mở cửa cho du lịch hoạt động trở lại đón khách nội địa từ tháng 10 và khách quốc tế từ tháng 11 nhằm tạo điều kiện cho DN du lịch, nhất là các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh

NGUYỄN THỊ LỆ THANH, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa THU TRINH - VIẾT THỊNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới