Mở cửa kinh tế: Muốn thành công phải nhịp nhàng, đồng bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các doanh nghiệp (DN), hiệp hội đều cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, không ai có thể khẳng định được đến thời điểm nào sẽ hết dịch. Do vậy, điều quan trọng nhất lúc này là phải xây dựng chiến lược trung hạn, dài hạn để sống chung với dịch bệnh.

Tín hiệu tốt để khôi phục sản xuất, kinh doanh

Năm 2021, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 39,5-40 tỉ USD nhưng e rằng khó mà thực hiện được. Lý do là rất nhiều công ty dệt may phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, riêng trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10, lo lắng một số đối tác đã có dấu hiệu rút đơn hàng vì họ không chấp nhận chuyện cứ lùi thời hạn giao hàng mãi vì lý do giãn cách. Rất mừng là TP.HCM đang bàn kế hoạch từ ngày 15-9 có thể sẽ mở cửa và phục hồi sản xuất, kinh doanh dần dần.

“Đây là tín hiệu rất tốt để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để phục hồi bền vững thì phải đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều công nhân như dệt may, da giày, thủy sản...” - ông Việt nói.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết các công ty trong ngành đang cực kỳ kiệt quệ, có những đơn vị đã đóng cửa ba tháng nay. Trước tình hình trên, VITAS đã kiến nghị năm vấn đề tới Thủ tướng Chính phủ và các địa phương để phục hồi lại sản xuất.

Theo đó, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải xác định tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn là sống chung với dịch bệnh. Bởi thực tế đã chứng minh rằng không thể chối bỏ sự tồn tại của dịch bệnh này và cũng không thể đưa ra phương pháp nào để triệt tiêu virus.

“Tôi cho rằng không thể đóng cửa mãi vì nguy cơ đứt gãy nguồn cung của ngành công nghiệp dệt may và nhiều ngành khác là cực kỳ lớn. Chúng tôi đang chịu rất nhiều áp lực khi khách hàng đang dần dần rút đơn hàng, chuyển sang các thị trường như Trung Quốc và một số nước khác” - ông Giang nêu thực tế.

Đồng ý kiến, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhấn mạnh đã đến lúc cần phải xác định chủ trương sống chung với dịch. “Nếu cứ phong tỏa mãi thì việc tổ chức lại sản xuất rất khó khăn, tạo tâm lý bất ổn rất lớn. Nếu không duy trì sản xuất được thì nguồn cung hàng cho các thị trường bị đứt gãy, khách hàng chuyển dịch sang thị trường khác” - ông Lập cảnh báo.

Các doanh nghiệp dệt may cho rằng cần phải mở cửa sớm để họ tổ chức lại sản xuất, tạo công ăn việc làm, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ảnh: HOÀNG GIANG - NGUYỆT NHI

Giúp doanh nghiệp sớm phục hồi

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẵn sàng trao đổi, lắng nghe đề xuất của DN để có thêm nhiều thông tin, nắm bắt thực chất vấn đề. Trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cũng như làm việc với các địa phương tìm hướng tháo gỡ, giúp các DN sớm phục hồi, kết nối lại chuỗi sản xuất. 

Nơi này mở, nơi kia đóng sẽ khó thành công

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng những công nhân đã tiêm mũi 1, mũi 2 cần được tạo điều kiện để họ đi làm, trên cơ sở tuân thủ nghiêm các giải pháp 5K. Như vậy kinh tế mới sớm hồi phục.

“Không thể nào tiêm vaccine xong mà chúng ta vẫn tiếp tục đóng cửa theo cách như bây giờ, rất lãng phí. Nếu chúng ta suy nghĩ rằng cứ có COVID-19 là phải phong tỏa, giãn cách thì kinh tế kiệt quệ, người lao động mất việc làm, gia đình cũng không yên tâm cho con em họ đi làm việc...” - ông Giang nhấn mạnh.

Cùng với những giải pháp trên, chủ tịch của VITAS nhấn mạnh rằng cần có sự đồng bộ trong cơ chế thực hiện Chỉ thị 16 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở cửa và kiểm soát dịch. Từ đó, để làm sao các địa phương phải thực sự thấu hiểu, phải làm theo một chương trình hành động, xuyên suốt từ trên xuống dưới và địa phương nào cũng giống như địa phương nào. Bởi nếu địa phương này mở cửa, địa phương kia lại thắt chặt sẽ không tạo ra sự đồng bộ cho phục hồi, phát triển sản xuất và kinh doanh.

Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 Thân Đức Việt cũng cho rằng hiện nay việc áp dụng Chỉ thị 16 của các tỉnh, thành rất khác nhau. Trong đó có tỉnh chặt tới mức gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của nhà kinh doanh, người dân.

“Nếu cùng một chỉ thị mà áp dụng rất khác nhau thì rất khó cho cả người dân lẫn nhà kinh doanh. Việc chính quyền địa phương thấu hiểu và đồng hành với nhà kinh doanh là điều cực kỳ quan trọng” - ông Việt nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp dệt may cho rằng cần phải mở cửa sớm để họ tổ chức lại sản xuất, tạo công ăn việc làm, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ảnh: HOÀNG GIANG - NGUYỆT NHI

Bước ngoặt

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, bày tỏ điều đáng mừng là chủ trương phòng chống dịch của Chính phủ đã thực sự có bước ngoặt. TP.HCM và cả Bình Dương cũng đang rục rịch cho hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.

 “Chúng ta cần chuyển sang hướng sống chung với dịch sau khi đã kiểm soát vấn đề là làm sao để khi sống chung với dịch nhưng vẫn an toàn. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải liên tục thay đổi, bám vào tình hình thực tiễn để có giải pháp cụ thể” - ông hiệp nói.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng để có lực lượng lao động phục hồi sản xuất thì nên cho phép công nhân đã được tiêm vaccine dịch chuyển trong nước, để họ từ quê nhà trở về nhà máy làm việc. Đồng thời, nếu có F0 xảy ra thì vẫn để cho nhà máy sản xuất chứ không nên đóng cửa.

“Tôi cho rằng cần đặt ra mục tiêu đến ngày 15-9 tới đây phải mở cửa dần dần. Các địa phương cũng phải đồng bộ mở cửa. Có như vậy thì chúng ta mới cứu vãn được những đơn hàng còn lại. Đồng thời, chúng ta mới có uy tín để quý I, quý II-2022 có đơn hàng” - ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, tha thiết đề nghị.

Kiến nghị giãn thời gian trả nợ cho các nguồn vay đầu tư

Để phục hồi sản xuất, các DN và hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng nên có hướng dẫn rõ ràng về việc giãn thời gian trả nợ cho các nguồn vay đầu tư. Việc giãn thời gian trả nợ nên kéo dài đến hết năm 2022.

Đồng thời, các ngân hàng phải đưa ra thông tin đầy đủ về giảm lãi suất thực chất với mức giảm sâu để các DN tự tin tiếp tục tổ chức lại sản xuất. Cạnh đó, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vay ngắn hạn.

Đặc biệt, hiện nay hầu hết DN trên toàn quốc đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, không riêng gì các tỉnh, thành phía Nam. Vì vậy, Nhà nước cần đưa ra chính sách giảm thuế, giảm 2% phí công đoàn cho tất cả DN trên cả nước; tạm thời giãn, hoãn đóng BHXH, bảo hiểm y tế đến hết năm 2021, thậm chí cả sáu tháng đầu năm 2022.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dẫn chứng: Đến nay, có hơn 50% công ty ngành gỗ phải đóng cửa và giảm sản xuất. Những công ty này đang đối diện với nguy cơ phá sản do phải trả phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí, lãi suất ngân hàng… trong khi đó dòng tiền thu về không có hoặc rất ít.

Phải mở cửa cả về lao động mới phục hồi được

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhìn nhận để tổ chức lại sản xuất, cần nguồn lực lao động rất lớn. Tuy nhiên, lượng người lao động đã dịch chuyển trong làn sóng dịch COVID-19 vừa qua đang bị kiểm soát chặt chẽ ở các địa phương, tạo ra đứt gãy về nguồn lực và không có nguồn lực này thì dây chuyền sản xuất không thể hoạt động được.

“Nếu mở cửa thì việc khôi phục sản xuất cũng phải mất hai, ba tháng mới thu hút đủ nguồn lực, thậm chí phải bỏ ra chi phí để đào tạo nguồn lực. Bởi vì nguồn lực từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã về các địa phương miền Trung, miền Bắc rất nhiều rồi. Như vậy làm sao kêu gọi họ được. Đây cũng là vấn đề rất thách thức cho chúng tôi” - ông Giang nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm