LTS: Dịch bệnh kéo dài gây tổn thương rất lớn cho nền kinh tế cả nước. Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, ngừng sản xuất, chuỗi cung ứng đứt gãy. Hàng triệu người lao động mất việc làm, không có thu nhập. Vì vậy, mở cửa nền kinh tế trở lại là cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần có kế hoạch thận trọng, từng bước với lộ trình cụ thể.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM liên quan đến việc mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM và TS Phạm Công Hiệp, ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá đây là việc cần thiết. Đồng thời, hai ông cho rằng nên từ bỏ chiến lược không ca nhiễm (zero case), loại bỏ tuyệt đối con virus ra khỏi cộng đồng. Bởi vì sức chịu đựng và nguồn lực của nền kinh tế nhỏ như Việt Nam không đủ để có thể duy trì việc giãn cách xã hội trường kỳ.
Nên có quy định cho phép người lao động tiêm đủ hai mũi vaccine có thể trở lại làm việc. Trong ảnh: Một công ty áp dụng mô hình “ba tại chỗ” để duy trì sản xuất, kinh doanh. Ảnh: QH
Đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng
. Ông đánh giá thế nào khi chỉ số PMI đo lường sức khỏe kinh tế ngành sản xuất tháng 8 vừa qua của Việt Nam chỉ còn 40điểm, thấp nhất trong các tháng trong năm. Bên cạnh đó, các tổ chức kinh tế đã hạ mức tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống so với đầu năm?
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trở ngại trong thời gian qua không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia. Điều này xuất phát từ việc giãn cách xã hội kéo dài gây tác động tiêu cực lên cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế; kèm theo đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu đã tác động tiêu cực đến việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
. Tổng cục Thống kê vừa cho biết trong tám tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có hơn 10.600 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường, hàng triệu người mất việc làm. Nếu cứ tiếp tục đóng cửa chờ xử lý hết dịch thì theo ông, chuyện gì sẽ xảy ra?
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến DN, cuộc sống của những người có thu nhập thấp trong xã hội và có thể gây ra các bất ổn xã hội trong ngắn hạn.
Mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ cho người nghèo nhưng chính sách này không thể kéo dài mãi. Chưa kể, đã có dấu hỏi về việc tiền cứu trợ có đến được tay tất cả người nghèo đang gặp khó khăn hay không.
Do đó, có không ít ý kiến lo ngại về việc người dân chưa chết vì dịch đã phải đối diện với việc khó tiếp cận được nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy và nguy cơ làm giảm hiệu quả chống dịch khi mọi người đổ ra đường tìm miếng ăn.
Mở cửa dần dần, có lộ trình rõ ràng
. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta không thể giãn cách, phong tỏa mãi mà phải thích nghi an toàn với dịch bệnh vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Mới đây, chính quyền cũng tính toán việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Ông đánh giá về vấn đề này ra sao?
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, việc mở cửa trở lại là cần thiết. Đồng thời, chúng ta nên từ bỏ chiến lược không ca nhiễm. Tuy nhiên, Chính phủ cần hết sức thận trọng để tính toán thời điểm mở cửa nền kinh tế cho phù hợp. Nghĩa là việc mở cửa cần có lộ trình, mở cửa dần dần để tránh đi theo vết xe đổ của một số nước, khi quá nóng vội trong việc mở cửa nền kinh tế trong khi dịch bệnh chưa được kiểm soát cơ bản.
. Nhìn sang Singapore và Thái Lan, họ cũng đã quyết định mở cửa nền kinh tế trở lại, vậy theo ông, điều kiện gì để họ khởi động lại dù chưa sạch bóng virus?
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Singapore đã tiêm vaccine cho gần hết dân số. Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc chích vaccine dường như tác động rất ít đến việc giảm thiểu số ca mắc bệnh, đặc biệt là đối với biến chủng Delta nhưng lại có tác động rất hiệu quả trong việc giảm thiểu số ca trở nặng phải nhập viện cũng như số ca tử vong.
Chiến lược của các quốc gia này là sau khi đã phủ vaccine toàn dân sẽ chấp nhận sống chung với dịch, như kiểu sống chung với lũ chứ không theo đuổi chiến lược loại bỏ hoàn toàn dịch. Nghĩa là từ bỏ chiến lược không ca nhiễm, không COVID-19 và xem như nó là một loại cúm mùa bình thường.
Tuy vậy, tôi đánh giá tình hình của Singapore là phù hợp để mở cửa hơn là Thái Lan. Vì Singapore có hệ thống y tế phát triển, thu nhập bình quân cao và độ phủ vaccine cao hơn cũng như số ca mắc và tử vong hiện tại bình quân đầu người thấp. Đây là điều kiện tốt để tái khởi động mở cửa nền kinh tế. Nhìn qua Thái Lan, số ca nhiễm và tử vong hằng ngày vẫn đang rất cao nên việc mở cửa nền kinh tế có thể là hơi nóng vội.
Từ đó, có thể thấy Việt Nam cần đẩy mạnh việc tiêm chủng toàn dân để có thể giảm mạnh số ca tử vong trong thời gian tới. Một khi tỉ lệ tiêm chủng có thể đạt 70%-80%, có thể xem xét mở cửa dần nền kinh tế theo từng khu vực.
Mở cửa phụ thuộc vào hai nhóm điều kiện chính
. Thực tế đã chứng minh rằng không thể yêu cầu DN tổ chức “pháo đài” sản xuất như mô hình “ba tại chỗ” lâu dài, như vậy đã đến lúc TP.HCM phải chấp nhận khởi động mở cửa lại nền kinh tế sống chung với dịch. Vậy điều kiện cụ thể mở cửa vào lúc này sẽ ra sao, nên như thế nào?
+ TS Phạm Công Hiệp: Hiện một số nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao đã mở cửa nền kinh tế và chấp nhận sống chung với dịch. Họ xác định mục tiêu đạt nhiễm dịch cộng đồng tuyệt đối là gần như không thể được và thiệt hại kinh tế do đóng cửa nền kinh tế kéo dài là quá cao, trả giá quá đắt.
Tuy nhiên, việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm lan rộng và các hệ quả xã hội khác. Do đó, việc mở cửa lại lúc này phụ thuộc vào hai nhóm điều kiện chính: Kinh tế và xã hội.
Nhóm thứ nhất, về điều kiện kinh tế phụ thuộc khả năng sản xuất và trang thiết bị của DN trong điều kiện hạn chế dịch bệnh khắt khe. Điều này có nghĩa là dù mở cửa hoạt động lại, DN ở hầu hết lĩnh vực sẽ phải thay đổi phương thức hoạt động.
Ví dụ như thực hiện giãn cách vật lý giữa người lao động và khách hàng; trang bị tấm che ngăn cách; giảm số lượng khách trong cùng một không gian; giảm thiểu giao tiếp trực tiếp và sử dụng công nghệ nhiều hơn.
Mặt khác, người lao động phải test COVID-19 thường xuyên để đáp ứng yêu cầu kiểm soát dịch của Chính phủ sẽ tăng gánh nặng cho người lao động và DN. Hiện các nước mở cửa lại nền kinh tế đều áp dụng biện pháp giảm quy mô, mức độ tập trung xã hội nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan cộng đồng.
Nhóm điều kiện thứ hai về mặt xã hội là sự chấp nhận của Chính phủ và cộng đồng về tỉ lệ hợp lý lây nhiễm cộng đồng cũng như tỉ lệ tử vong do bệnh dịch. Bởi vì với chủng mới Delta, hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển với tỉ lệ tiêm chủng cao như Mỹ, Anh, Singapore... cũng khó kiểm soát được mức độ lây nhiễm cộng đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ nhập viện và tử vong ở trong mức kiểm soát, đặc biệt hầu hết bệnh nhân nhập viện đều chưa chích vaccine.
Như vậy, thay vì đối xử với tất cả như nhau, những người đã tiêm vaccine mũi 1 và 2 nên được tham gia hoạt động xã hội và sản xuất thoáng hơn so với những người chưa được tiêm mũi nào. Nên có ngay giấy thông hành cho những người đã tiêm đủ vaccine để họ có thể tham gia tích cực hơn vào hoạt động kinh tế nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại do đổ vỡ chuỗi sản xuất, cung ứng như hiện nay.
. Theo ông, ngành nghề nào nên ưu tiên mở cửa trước và Nhà nước nên hỗ trợ DN hoạt động trở lại ra sao?
+ TS Phạm Công Hiệp: Các chợ đầu mối, siêu thị, dịch vụ logistics giao nhận, dịch vụ y tế và hành chính công nên được ưu tiên mở cửa trước. Đây là những lĩnh vực ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định xã hội, an sinh của người dân. Người dân sẽ khó đồng hành với các nỗ lực của Chính phủ trong phòng chống dịch nếu nhu cầu căn bản về ăn uống, khám chữa bệnh bị gián đoạn.
Tiếp theo là các ngành sản xuất, khu công nghiệp đầu tàu về tạo công ăn việc làm và hoạt động kinh tế, cần được ưu tiên nhằm không gây gián đoạn nghiêm trọng thêm. Bởi khi người lao động bỏ về quê nhiều thì việc kêu gọi họ quay trở lại làm việc sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.
Các DN cần được hỗ trợ về chính sách thuế, thuê nhà xưởng, chi phí logistics, hỗ trợ chi phí test cho công nhân và người lao động. Việc đáp ứng yêu cầu chặt chẽ trong sản xuất về phòng chống dịch lâu dài rất cần những hỗ trợ thiết thực của Chính phủ để giúp DN có thể tái khởi động sản xuất, giúp phần bình ổn nền kinh tế sau gần ba tháng gián đoạn nghiêm trọng.
. Xin cám ơn hai ông.•
Tính toán mở cửa dần dần Tại buổi làm việc ngày 1-9 với các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi mà phải thích nghi an toàn với dịch bệnh, chuyển đổi chiến lược vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Trước đó, ngày 29-8, tại cuộc họp với đại diện hơn 1.000 xã, phường thuộc 20 tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp” - Thủ tướng nói. |
Các tỉnh cần phối hợp với TP.HCM mở cửa . Khi TP.HCM mở cửa kinh tế thì các địa phương khác cũng phải phối hợp hành động ra sao để cùng hỗ trợ TP, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng như hiện nay do mỗi địa phương chống dịch một kiểu? + TS Phạm Công Hiệp: Việc thống nhất các biện pháp phòng chống dịch ở tất cả tỉnh, thành là rất quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa và sản xuất. Một số ví dụ gần đây khi xe vận chuyển hàng hóa vào một số địa phương phải sang tải, đổi xe, đổi tài xế… gây phát sinh chi phí, thời gian và bất ổn trong việc lên kế hoạch sản xuất và thời gian giao hàng. Điều này có nghĩa TP.HCM sẽ không thể hoạt động bình thường nếu các tỉnh, thành lân cận không phối hợp trong các nỗ lực mở cửa. Chúng ta có thể chấp nhận một số khác biệt trong biện pháp chống dịch nhằm đáp ứng khả năng y tế của từng địa phương nhưng cần xác định các ngành sản xuất, dịch vụ đòi hỏi tính liên kết cao giữa các địa phương để có biện pháp giải tỏa thông suốt liên tỉnh và có biện pháp nhất quán từ trung ương. Có như vậy mới đảm bảo từng bước mở cửa nền kinh tế và kiểm soát dịch hiệu quả trong giai đoạn mới. |