Sáng nay, 25-11, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã mở cửa trở lại Phòng trưng bày nhận diện hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... để người dân tham quan và tìm hiểu các kiến thức phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Tại Phòng trưng bày, nhiều người khá bất ngờ khi hàng hoá mà người dân có nhu cầu mua sắm lớn vào dịp Tết như bánh kẹo, bia rượu, mỹ phẩm, hoa quả… lại bị làm nhái, làm giả và không rõ xuất xứ nhiều đến vậy.
Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa trở lại Phòng trưng bày nhận diện hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm tại Hà Nội để người dân tham quan. Ảnh: AH |
Đơn cử như mật ong hoa nhãn, sa tế tôm giả mạo nhãn hiệu Thuận Phát, gói gia vị của mỳ tôm Hảo Hảo cũng bị làm giả, võng xếp Duy Lợi, nước tăng lực RedBull, rượu Vooka Hà Nội cũng bị làm giả, làm nhái…
Phòng trưng bày hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) sẽ mở cửa từ nay đến hết ngày 30-11 tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Người dân đến tham quan, tìm hiểu thông tin miễn phí.
|
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, cho biết để chuẩn bị cho cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT đã có kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.
Đặc biệt, trong công tác chống hàng giả, lực lượng QLTT dự báo tình hình sau khi dịch COVID-19 đi qua thì hàng tồn, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu sẽ quay lại thị trường.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng hàng giả, hàng nhái trên thị trường khá nhiều, tập trung tại nhiều thành phố lớn. Cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023, lực lượng QLTT tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống hàng giả để phục vụ cho người tiêu dùng được vui Xuân đón Tết an toàn.