Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngành lúa gạo đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi tư duy kiến tạo. Vì thế, cần tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm hoạch định chiến lược để hạt gạo mang lại giá trị cho nông dân, chú trọng thị trường nội địa, tăng cường cạnh tranh để không thua gạo ngoại trên sân nhà…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL” ngày 15-3. Ảnh: TS
“Tôi đề nghị chúng ta phải đổi mới sản xuất lúa gạo bằng giải pháp đột phá về thể chế chính sách. Cụ thể, mở rộng hạn điền, hình thành cánh đồng mẫu lớn, liên kết hộ nông dân, điều chỉnh tiếp tục tổ chức mô hình HTX kiểu mới để có lợi tốt cho người trồng lúa… Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, áp dụng cơ giới hóa, áp dụng giống tốt canh tác hợp lý đẩy mạnh chế biến sâu và đặc biệt cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó các ngành chức năng, doanh nghiệp (DN) cần phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Các bộ NN&PTNT, Công Thương… cần tính toán để tìm thị trường cho DN” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý, trong vấn đề mở rộng hạn điền cần bồi thường thỏa đáng cho dân để thu hồi đất, đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, mở rộng bảo hộ quyền sử dụng đất cho DN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm cánh đồng mẫu lớn ở An Giang. Ảnh: TS
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng điểm yếu hiện nay là lúa gạo từ nông dân ra nhà máy chế biến đi lòng vòng, chi phí lớn. Do đó phải tìm cách hạn chế lúa đi lòng vòng qua thương lái, cò làm ảnh hưởng lợi nhuận nông dân mà nên thông qua HTX và cần làm tốt khâu này để giảm chi phí. Ngoài ra, chi phí lãi vay ngân hàng trong đầu tư, thu mua, chế biến còn cao, chưa có tín dụng hợp lý nên cần tính toán lại để hỗ trợ.
Cũng tại hội nghị, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy từ năm 1995 đến 2015, diện tích, năng suất và sản lượng liên tục tăng. Cụ thể, diện tích gieo trồng lúa tại ĐBSCL tăng từ 3,2 triệu ha lên 4,3 triệu ha; năng suất lúa tăng từ 40,2 tạ/ha lên 59,6 tạ/ha; sản lượng lúa tăng từ 12,8 triệu tấn lên 25,7 triệu tấn, chiếm gần 60% sản lượng cả nước. Vùng ĐBSCL cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Hiện nay gạo của Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 150 nước, thị trường chính là Trung Quốc chiếm 38%, Philippines 9%, Malaysia và một số nước khác như Indonesia, Singapore… Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo của ĐBSCL còn nhiều tồn tại như hiệu quả giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường lúa gạo còn thấp, thị trường lúa gạo thiếu tính ổn định. Thu nhập của nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL còn thấp…