Ông Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng), cho hay, từ hồi còn làm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, ông đã cùng cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đưa ra nhiều ý tưởng phát triển TP trong đó có việc mở rộng địa lý.
Theo đó, một trong những ý tưởng được nung nấu là xin trung ương cho nhập hai huyện Đông Giang và Tây Giang của Quảng Nam về với TP Đà Nẵng. Như vậy, TP Đà Nẵng sẽ có đường biên giới cùng với nước bạn Lào.
Nếu ý tưởng trên trở thành hiện thực, hai huyện miền núi Đông Giang và Tây Giang khi được sát nhập với TP Đà Nẵng thì sẽ có cơ hội để phát triển. Phía Đà Nẵng thì sẽ đảm bảo được nguồn nước, chủ động bảo vệ rừng và thúc đẩy phát triển kinh tế cho hai huyện này khi tận dụng được nội lực, cơ chế mở của một TP loại một trực thuộc trung ương.
Ngoài ra, các cửa khẩu Đắc Ốc, cửa khẩu Tây Giang – Kà Lừm sẽ có thể kết nối được với chuỗi Hành lang kinh tế Đông Tây mà cửa ngõ ra biển là TP Đà Nẵng.
Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhriu Liếc cũng cho hay, cả nước không nơi nào sánh được với người dân Tây Giang về… nghèo. Dù đây là vùng đất giàu có về khoáng sản, tài nguyên, văn hóa- du lịch nhưng vẫn rất khó thoát nghèo.
Ông Bhriu Liếc dẫn chứng là không có nơi nào trên đất nước hiện nay còn có tới 60% là rừng già nguyên sinh như ở Tây Giang, nơi còn có tới 1,3 triệu cây cổ thụ trong đó có tới 328 cây di sản, cây có độ tuổi trên ngàn năm vừa được vinh danh. Ông Bhriu Liếc trăn trở : “Nhưng thật buồn vì đến nay, chưa có cơ chế nào để đánh thức những tiềm năng ấy để dân thoát nghèo”.
Nếu hai huyện Đông Giang và Tây Giang của Quảng Nam về với Đà Nẵng thì TP này sẽ có biên giới sát với nước bạn Lào. LÊ PHI
Như Pháp Luật TP.HCMđã đưa tin cũng trong hội thảo này, ông Lê Trí Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), cho rằng, muốn phát triển phải liên kết bốn huyện này và chọn doanh nghiệp lớn để mời gọi đầu tư. Trong đó, xác định du lịch và phát triển nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. “Muốn như vậy, phải xin trung ương cơ chế đặc thù để phát triển, ít nhất cũng phải có cơ chế như Tây Nguyên. Vì điều kiện của miền Tây Quảng Nam còn khó khăn hơn”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, lãnh đạo bốn huyện trên cho rằng, mặc dù có tiềm năng, lợi thế về du lịch, tài nguyên khoáng sản, rừng núi nhưng vùng Tây Bắc Quảng Nam vẫn quá nghèo, không thể phát triển, gần nửa dân số là hộ nghèo, thu nhập dưới 11 triệu/người/năm.