TS-BS Tăng Hà Nam Anh, Khoa chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết từ tháng 6-2019, bệnh viện đã đưa vào triển khai kỹ thuật mổ thay khớp háng (SuperPath) và kỹ thuật mổ thay khớp gối (Medial Pivot) cho bệnh nhân.
Với việc triển khai hai kỹ thuật này, Khoa chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương được tổ chức y khoa thế giới Micropot đánh giá chất lượng phục hồi bệnh nhân sau khi mổ tốt nhất và xuất sắc. Do đó, khoa đã được công nhận là trung tâm xuất sắc mổ thay khớp theo chuẩn Mỹ với bằng chứng nhận International Center of Excellent.
BS Nam Anh cho biết để đạt được chứng nhận này, bệnh viện phải đạt chuẩn quốc tế từ khâu chuẩn bị trước mổ, kỹ thuật mổ cho đến chăm sóc, vật lý trị liệu sau mổ.
Cạnh đó, với chứng nhận này, bệnh viện sẽ được chọn làm nơi giảng dạy hai kỹ thuật cho khu vực Đông Nam Á và châu Á. Trong đó, bác sĩ Khoa chấn thương chỉnh hình của bệnh viện sẽ được chọn làm giảng viên và mổ biểu diễn cho các học viên.
Cụ bà 75 tuổi được thay khớp háng theo kỹ thuật SuperPath tại BV Nguyễn Tri Phương. Ảnh: ĐH
Giải thích rõ hơn về kỹ thuật SuperPath, BS Nam Anh cho biết hiện nay hầu hết các bệnh viện tại Việt Nam đều thực hiện kỹ thuật thay khớp háng với đường mổ phía sau, cần phải cắt toàn bộ hay một phần nhóm cơ xoay ngoài đùi. Sau cuộc mổ, bệnh nhân chịu nhiều đau đớn, thời gian nằm viện dài hơn, nguy cơ trật khớp sau mổ cũng cao hơn.
Tuy nhiên, với kỹ thuật SuperPath, bệnh nhân sẽ được mổ phía sau với đường mổ nhỏ nhưng không cắt cơ. Chỉ cần vén bao khớp, thực hiện thao tác bằng các dụng cụ chuyên dụng là các bác sĩ đã thực hiện được cuộc thay khớp.
Bằng cách này, bệnh nhân không đau hoặc đau rất ít và có thể kiểm soát bằng thuốc giảm đau thông thường. Kiểm soát được độ dài hai chân, giảm nguy cơ trật khớp háng nhân tạo sau thay khớp, là nguyên nhân khiến phải mổ tiếp để thay lại khớp háng.
Đặc biệt, sau mổ, bệnh nhân có thể ngồi thấp được, các gân cơ không bị ảnh hưởng, xoay duỗi của bệnh nhân đạt 90%. Thay vì nằm viện 10 ngày, bệnh nhân có thể xuất viện sau bốn ngày, tránh nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện.
Từ khi triển khai hai kỹ thuật, đã có khoảng 200 trường hợp được mổ thay khớp háng và thay khớp gối, bao gồm nhiều ca rất khó. Trong đó điển hình là một bệnh nhân 56 tuổi bị liệt một chân do sốt bại liệt từ nhỏ, bị té gãy cổ xương đùi chân bị liệt. Các bác sĩ nhận định nếu thực hiện kỹ thuật mổ cũ, nguy cơ trật khớp rất cao vì cơ khớp háng của bệnh nhân đã bị liệt.
Áp dụng kỹ thuật SuperPath, bệnh nhân được thay khớp háng mà hoàn toàn không ảnh hưởng đến cơ. Chỉ một ngày sau mổ, bệnh nhân đã tự ngồi dậy được và hai ngày sau đã có thể tập đi.