Mổ xẻ nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của Đảng

Mổ xẻ nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của Đảng

(PLO)- Các đại biểu có những đóng góp tâm huyết để phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, một trong những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động thực tiễn của Đảng.

Tập trung dân chủ (TTDC) là nguyên tắc cơ bản, được đặt ở vị trí số 1 trong Chương II Điều lệ Đảng - về các nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng.

TTDC là nguyên tắc quan trọng của Đảng

Nguyên tắc TTDC quan trọng là như vậy, nhưng các năm qua, khi Đảng đẩy mạnh công cuộc chỉnh đốn, hàng loạt vụ việc vi phạm đã được phát hiện. Trong các thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như Ủy ban Kiểm tra các cấp về kiểm tra, thi hành kỷ luật, cụm từ “vi phạm nguyên tắc TTDC” thường xuyên xuất hiện.

Hội thảo về hoàn thiện cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng do Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức vào ngày 26-12. Ảnh: ANH QUỐC

Hội thảo về hoàn thiện cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng do Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức vào ngày 26-12. Ảnh: ANH QUỐC

Chưa có con số thống kê của nhiệm kỳ Đại hội XIII này nhưng báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa XII cho biết trong nhiệm kỳ, các vi phạm nguyên tắc TTDC đã xảy ra ở 214 tổ chức Đảng, 3.943 đảng viên, chiếm 24,6% số tổ chức Đảng và 7,1% đảng viên bị kỷ luật.

Chính vì vậy, để chuẩn bị cho việc xây dựng báo cáo chính trị Đại hội XIV tới, Bộ Chính trị đã giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện một đề tài khoa học lớn về hoàn thiện cơ chế thực thi nguyên tắc TTDC trong Đảng. Và một hội thảo khoa học về chủ đề này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức vào chiều 26-12.

Còn có đảng viên chưa nhận thức đủ TTDC

Gửi tham luận tới hội thảo, Thành ủy TP.HCM chia sẻ thực tiễn địa phương. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, TP cũng thẳng thắn nêu ra những bất cập, hạn chế, vướng mắc.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Đầu tiên là vấn đề nhận thức. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cấp ủy viên còn nhận thức chưa đầy đủ yêu cầu, nội dung nguyên tắc TTDC.

Nguyên tắc TTDC ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn vi phạm nghiêm trọng…

Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong tổ chức và hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng có nội dung chưa được quy định cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, nhất là về mối quan hệ, trách nhiệm giữa tập thể, cá nhân và người đứng đầu nên khó xác định được trách nhiệm của cá nhân khi xảy ra sai phạm.

(Theo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII)

Một số cấp ủy viên còn ngại phát biểu, có hiện tượng né tránh, đổ lỗi những yếu kém của tổ chức, cá nhân mình cho khách quan hoặc quy khuyết điểm cho tập thể. Khi có vấn đề “nhạy cảm” như phải xử lý kỷ luật cán bộ thì dù đủ thẩm quyền nhưng vẫn đẩy lên cấp trên.

Cũng do không tuân thủ đầy đủ nguyên tắc TTDC, một số cấp ủy, chi bộ đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết, không đạt được thống nhất cao trong lãnh đạo, quản lý, điều hành hoặc nhất trí không cao trong đánh giá, xử lý hoặc đề ra chủ trương, biện pháp giải quyết những việc cụ thể của địa phương, đơn vị mình.

Việc vi phạm nguyên tắc TTDC ở một số tổ chức Đảng tại TP.HCM còn do nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được hiểu và thực hiện một cách hình thức. Chưa xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể với cá nhân. Còn thiếu những quy chế xác định trách nhiệm cụ thể nên có nơi vận hành theo cách dựa vào tập thể, không khuyến khích được tâm huyết của người đứng đầu.

Ngược lại, có nơi “tập thể lãnh đạo” rơi vào hình thức, còn “cá nhân phụ trách” trở thành nắm quyền quyết định tất cả. Dẫn tới người đứng đầu lợi dụng quyền lực để quyết định các vấn đề về công tác cán bộ và các công việc quan trọng khác theo ý chủ quan cá nhân mà vẫn đúng quy trình, không sợ bị xử lý trách nhiệm. Như thế là biến thành “cá nhân lãnh đạo, tập thể chịu trách nhiệm”.

Người đứng đầu như vậy sẽ có xu hướng lạm quyền, chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thì không lắng nghe góp ý của cán bộ, đảng viên dẫn tới vừa gây mất đoàn kết nội bộ, vừa nguy cơ cao vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ở những tổ chức Đảng như vậy, sự đồng thuận của số đông nhiều khi chưa phản ánh đúng bản chất của nguyên tắc TTDC. Việc lấy ý kiến của tập thể hóa ra là để hợp thức hóa quy trình ra quyết định của lãnh đạo, của cấp ủy.

Một vài gợi ý giải pháp

Phân tích nguyên nhân của những hạn chế này, TS Nguyễn Thị Thảo (Học viện Chính trị khu vực II) cho rằng nguyên tắc TTDC chi phối tổ chức và hoạt động của toàn Đảng như vậy nhưng ngoài vài dòng mô tả nội dung tại Điều 9 Điều lệ Đảng và một số quy định về thi hành điều lệ, đến nay chưa có các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể cơ chế thực hiện trong từng lĩnh vực công tác của Đảng.

Còn TS Nguyễn Thị Trâm (Học viện Chính trị khu vực II) chỉ ra một hạn chế của hệ thống văn bản quy phạm của Đảng là chưa có cơ chế cụ thể để đảng viên thực hiện quyền bảo lưu ý kiến.

“Bảo lưu ý kiến là quyền đặc biệt quan trọng trong thực hiện TTDC, là mặt dân chủ của nguyên tắc này. Chỉ khi tổ chức Đảng phát huy được giá trị dân chủ thực sự thì quyền bảo lưu mới vận hành theo nghĩa tích cực của nó” - TS Trâm nói.

Quyền bảo lưu ấy được tôn trọng và vận hành trên thực tế thì mới khơi mở được tư duy dám nghĩ, dám làm, tiên phong của đảng viên trong tổ chức; góp phần chống độc quyền, lạm quyền, chống dân chủ hình thức và đoàn kết xuôi chiều, bị động hoặc thờ ơ trong sinh hoạt Đảng.

Nhận thức rõ ý nghĩa của quyền bảo lưu, trong văn bản mới nhất về kỷ luật Đảng, Quy định 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 7-2022 đã đưa ra cơ chế bảo vệ đảng viên không đồng lõa với việc làm sai của tập thể, của cấp trên.

Theo đó, “vi phạm do chấp hành chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của tổ chức, của cấp trên hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động, kịp thời báo cáo bằng văn bản với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền biết ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện thì miễn kỷ luật”.

Tuy nhiên, bà Trâm cho rằng quy định vài dòng như vậy là chưa đủ. Trung ương nên nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể, bài bản, có giá trị cơ chế để quyền bảo lưu ý kiến, kể cả của thiểu số đảng viên được vận hành thực chất.

Văn bản có tính quy phạm điều chỉnh hoạt động nội bộ của Đảng cần phải mô tả các trường hợp được bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số; quyền, nghĩa vụ của đảng viên khi thực hiện quyền bảo lưu ý kiến; quy trình, thủ tục bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số; chống bảo lưu hình thức, lợi dụng quyền bảo lưu; hình thức xử lý với hành vi cản trở, ngăn chặn đảng viên thực hiện quyền bảo lưu…

Đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết tất cả ý kiến thẳng thắn nêu ra tại hội thảo khoa học này sẽ được ghi nhận làm cơ sở xây dựng đề án về cơ chế thực hiện nguyên tắc TTDC.

Thước đo tập trung dân chủ định lượng được

Nguyên tắc TTDC nói một cách cụ thể là tập trung trên cơ sở dân chủ, mang tính chất dân chủ; là sự tập trung quyền lực của đa số, thiểu số phục tùng; là sự tập trung gắn liền giữa cấp trên với cấp dưới, cấp trên lắng nghe và tôn trọng cấp dưới, kiểm tra cấp dưới và cấp dưới tự giác chấp hành cấp trên, giám sát cấp trên.

Đồng thời, tập trung gắn liền với dân chủ, được quyết định bởi nền tảng dân chủ, là sự tập trung do toàn thể đảng viên xây dựng lên, là sự tập trung của ý chí, trí tuệ, quyền lực của đa số đảng viên tạo nên một cách thống nhất và tự giác.

Trong thực tiễn cầm quyền của Đảng nổi lên ba nhóm công việc chủ yếu: Lựa chọn và phát triển lý luận cầm quyền đúng; xây dựng và thực thi cương lĩnh cầm quyền phù hợp, được đại đa số dân chúng trong xã hội ủng hộ và thực hiện; kiến tạo bộ máy cầm quyền hiệu quả và đội ngũ cán bộ cầm quyền giỏi.

Tất cả hoạt động đó của Đảng được vận hành bằng nguyên tắc TTDC. Thước đo của thành công khi thực hiện nguyên tắc TTDC là ở “đầu ra của quyết định”, định lượng được.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM

Đọc thêm