Toàn cảnh phát triển giao thông Đông Nam bộ - Bài cuối

Mời gọi đầu tư để giao thông Đông Nam bộ cất cánh

Theo đánh giá của chuyên gia, các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Đông Nam bộ cơ bản phù hợp, đảm bảo kết nối giao thông khu vực. Tuy nhiên, hiện các dự án trong quy hoạch vùng này đang đầu tư rất chậm, chưa tạo ra động lực đột phá để đóng góp vai trò trong phát triển kinh tế của vùng cũng như cả nước. Do vậy, Nhà nước cần chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng mời gọi đầu tư mới tạo cơ hội cho giao thông vùng này phát triển.

Nút giao An Sương nhìn từ trên cao, là điểm đầu nối của cao tốc TP.HCM -
Mộc Bài, giúp giải tỏa áp lực giao thông cho quốc lộ 22. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sơ đồ ba tuyến vành đai TP.HCM, các chuyên gia đề xuất ưu tiên đầu tư,
khép kín. Đồ họa: HỒ TRANG

Ông NGUYỄN VĂN THỌ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Kiến nghị đầu tư các dự án trọng điểm

Để khai thác và phát huy hệ thống cảng biển, tăng cường kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu với TP.HCM, Đồng Nai và các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì việc ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng là vô cùng quan trọng.

Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang phối hợp với tỉnh Đồng Nai cùng Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT… đưa nhiều giải pháp thúc đẩy các dự án giao thông kết nối theo định hướng quy hoạch, đặc biệt là đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Trong đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT sớm triển khai đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn từ Trảng Bom đến Phú Mỹ trong giai đoạn 2021-2025. Mục đích để khơi thông luồng hàng hải từ khu vực Trảng Bom - Đồng Nai vào Cái Mép - Thị Vải.

Tỉnh cũng kiến nghị sớm triển khai đầu tư đường vành đai 4 - TP.HCM trong giai đoạn 2021-2025. Bởi đây là tuyến đường kết nối các địa phương trong vùng ra khu cảng Thị Vải - Cái Mép.

Ông NGUYỄN TẤN TÀI, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh:

Hoàn thành cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào năm 2025

Hiện nay, kết nối từ TP.HCM đi Tây Ninh chỉ có quốc lộ 22 nhưng đã quá tải. Do vậy, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài hoàn thành sẽ làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối giữa Đông Nam bộ, TP.HCM và Campuchia. Đặc biệt sẽ chia sẻ lượng phương tiện trên tuyến quốc lộ 22 đang quá tải.

Dự kiến trong năm 2021, hai địa phương TP.HCM và Tây Ninh sẽ hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và lập khả thi dự án. Công tác bồi thường giải phóng sẽ hoàn thành vào năm 2022. Trong năm 2023, dự án bắt đầu khởi công và hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2025.

Ông CAO TIẾN DŨNG, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:

Nên đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư

Thời gian qua, việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cho vùng Đông Nam bộ gặp “điểm nghẽn” lớn là nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Do đó, việc đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhất là các công trình, dự án trọng điểm là điều cấp thiết trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn khó khăn.

Tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành tập trung ưu tiên nguồn vốn để triển khai các tuyến cao tốc kết nối khi dự án sân bay Long Thành đi vào vận hành.

Để tăng hiệu quả kết nối với sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai kiến nghị đầu tư đường tỉnh 769E kết nối sân bay Long Thành với đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (dài hơn 8 km) và đường vành đai 4 đoạn từ quốc lộ 1 đến đường tỉnh 769 (dài khoảng 18 km). Đồng thời sớm triển khai thực hiện xây dựng tuyến đường sắt nhẹ nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, bởi dự án có thể triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Kiến trúcNGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị:

Nên tính toán thứ tự ưu tiên

Hệ thống đường cao tốc, trục đường liên kết vùng ở Đông Nam bộ còn hạn chế và đang triển khai rất chậm. Điều này phần nào đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của cả khu vực. Theo đó, Nhà nước cần sớm triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trong khu vực Đông Nam bộ.

Nhà nước cần tính toán thứ tự ưu tiên để ngay sau khi đưa vào khai thác, dự án đó mang lại hiệu quả ngay lập tức. Tránh tình trạng sân bay Long Thành đã hình thành, song các tuyến cao tốc chưa được mở rộng, triển khai xây dựng thì sẽ không mang lại hiệu quả.

Song song đó, tại TP.HCM cũng cần sớm khép kín các tuyến đường vành đai. Chỉ khi nào các tuyến đường vành đai được khép kín, giao thông, kinh tế mới thực sự thông suốt, liền mạch, tạo đà phát triển cho cả khu vực.

TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM:

Cần có nguồn lực và sẵn sàng mời gọi đầu tư

Việc sớm xây dựng nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế TP.HCM với Long Thành, Vũng Tàu, Đồng Nai là vô cùng cần thiết đối với vùng Đông Nam bộ hiện nay.

Các dự án này sẽ chia sẻ áp lực giao thông lên TP.HCM, tăng sự liên kết liên vùng, đồng thời kéo giãn dân ra các TP phụ cận. Việc cần làm của Nhà nước là cần có nguồn lực, sẵn sàng mời gọi đầu tư ngay sau khi quy hoạch được thông qua.•

 

Cần triển khai các dự án đúng hẹn, tránh kéo dài

Một chuyên gia quy hoạch thuộc công ty thiết kế B (đề nghị không nêu tên) cho rằng: Hiện nay, ngoài vấn đề liên quan đến nguồn vốn và giải phóng mặt bằng thì các dự án giao thông hầu như đều gặp khó khăn bởi thủ tục đầu tư.

Nhiều chủ đầu tư phải trải qua hàng loạt thủ tục như lập dự án đầu tư, thiết kế tới giai đoạn thi công... và có dự án kéo dài hàng chục năm nhưng chưa có hồi kết.

“Trước đây, ở Đông Nam bộ có nhiều dự án kêu gọi đầu tư BOT, huy động xã hội hóa và nhà đầu tư đã thực hiện hàng loạt trục hạ tầng kết nối liên vùng. Tuy nhiên, hầu hết nhà đầu tư đều khóc ròng bởi chờ thủ tục để được thu phí. Đến nay, hầu hết nhà đầu tư không còn mặn mà với các dự án giao thông nữa” - vị chuyên gia đánh giá.

Theo vị chuyên gia, để giải quyết những khó khăn trên thì cần có sự đồng hành của các sở, ngành, đơn vị quản lý cùng nhau tháo gỡ. Theo đó, ngành giao thông nên cố gắng triển khai các dự án đúng hẹn, tránh tình trạng càng kéo dài càng đội vốn.

Tuy khó khăn là vậy, song các cơ quan quản lý cũng cần có quy hoạch và vạch ra lộ trình các dự án cần tập trung ưu tiên đầu tư. Trong đó cần ưu tiên đầu tư các tuyến vành đai 2, vành đai 3, các trục hướng tâm, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài... Sau khi các tuyến vành đai, cao tốc cùng hoàn thiện thì mới có thể kết nối liên vùng và mang lại hiệu quả cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm