Mỗi miếng vàng SJC bán ra đều có 'mã số định danh', mua trôi nổi dễ sập bẫy

(PLO)- Các cơ sở kinh doanh vàng không được cấp phép kinh doanh vàng miếng SJC nhưng vẫn bán vàng cho người dân sẽ bị phạt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khó khăn trong việc mua vàng miếng SJC trực tuyến khiến nhiều người dân tìm đến các cửa hàng vàng tự do để mua vàng miếng SJC với mức giá chênh lệch rất lớn. Bên cạnh đó, còn xuất hiện nhiều nhóm kín trên mạng xã hội để trao đổi, mua bán sang tay vàng miếng SJC.

Chưa kể, nhiều người sẵn sàng nhận đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến, mua hộ vàng miếng SJC với công mua lên đến cả triệu đồng.

Mua bán vàng "chợ đen", mua bán vàng online đều bị xử phạt

Theo luật sư Nguyễn Trọng Hào (Đoàn Luật sư TP. HCM), nếu các doanh nghiệp bán vàng trang sức mỹ nghệ không được cấp phép kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn giao dịch với người dân, hoặc người dân tự trao đổi mua bán vàng với nhau là hoạt động trái quy định và sẽ bị xử phạt.

Cụ thể, theo Điều 3 và Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, tổ chức mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ bị xử phạt cảnh cáo. Trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Còn cá nhân mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ bị xử phạt cảnh cáo. Trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

vàng miếng SJC
Theo luật sư, doanh nghiệp không được cấp phép kinh doanh vàng miếng SJC mà vẫn bán cho người dân, hay người dân tự trao đổi mua bán vàng miếng đều là trái quy định và sẽ bị xử phạt. Ảnh: Minh Trúc

Còn theo luật sư Hoàng Anh Sơn (Đoàn luật sư TP. HCM), việc kinh doanh vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và bị tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Theo Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với người nào thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà hàng hoá có giá trị dưới 1 triệu đồng.

Mức phạt tiền sẽ càng lớn nếu như giá trị hàng hoá càng lớn, trong đó phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với cá nhân nào vi phạm mà hàng hoá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Ngoài bị phạt tiền người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung là tịch thu tang vật và biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Vì vàng là hàng hóa thuộc danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện (Mục 226 Luật Đầu tư 2020), do vậy theo Khoản 4, Khoản 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Trường hợp chủ thể vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

Mua bán đúng chỗ

Trước tình hình mua vàng "chợ đen", đại diện lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước đang bán vàng miếng SJC, cho biết việc mua vàng sang tay, mua vàng trên các hội nhóm hoặc mua qua “cò” dễ có nguy cơ gặp phải vàng giả, vàng trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Giải thích, vị này cho biết, mỗi miếng vàng bán ra thị trường hiện nay đều được quản lý bởi số seri, giống như một mã số định danh gắn với miếng vàng đó. Và các ngân hàng hiện bán vàng ra đều phải lưu trữ số "CCCD" và đều xuất hóa đơn điện tử. Trên hoá đơn đó sẽ có số seri của miếng vàng và được lưu trữ vĩnh viễn trên hệ thống.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM đã ban hành công văn 1832 khuyến cáo người dân chỉ được thực hiện mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng (vàng trang sức mỹ nghệ) không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng thực hiện việc mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái quy định tại Nghị định số 24/2012 và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Việc kinh doanh mua, bán vàng miếng khi không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng và mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 88/2019.

Ngoài ra, đơn vị này còn nhấn mạnh, vàng với tính chất là tài sản tài chính biến động, gắn liền với nhiều yếu tố của thị trường, do đó, người dân cần cân nhắc và thận trọng trong việc mua vàng, trong đầu tư vàng để tránh rủi ro do giá vàng biến động.

"Việc tập trung đông người, xếp hàng mua vàng dễ xảy ra trộm cướp, đặc biệt, mua hộ vàng gây mất trật tự là không cần thiết, tiềm ẩn rủi ro và vi phạm pháp luật về đầu cơ, làm giá và ảnh hưởng đến lợi ích nền kinh tế", cơ quan trên khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm