“Từ hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân sẽ được phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời, giảm tối đa chi phí điều trị” - ông Dương Tấn Đức, Phó ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết.
Phát hiện bệnh kịp thời
. Phóng viên: Hồ sơ sức khỏe của công dân gồm những gì, thưa ông?
+ Ông Dương Tấn Đức: Hồ sơ sức khỏe của công dân bao gồm thông tin về chiều cao, cân nặng, nhóm máu, huyết áp, tiền sử bệnh tật… của người dân. Trạm y tế xã, phường sẽ trực tiếp tổ chức khám sức khỏe để lấy các thông tin ban đầu đó và đưa vào hệ thống máy tính. Qua đó, sức khỏe của mỗi người sẽ được theo dõi từ trạm y tế cơ sở.
Hồ sơ sức khỏe công dân được hiểu đơn thuần như một quyển sổ y bạ của bệnh nhân. Trong quyển y bạ đó có ghi thông tin sức khỏe ban đầu của mỗi bệnh nhân và cách điều trị như thế nào (nếu có)…
Làm “sống” lại y tế cơ sở
. Khi có hồ sơ sức khỏe thì người dân được lợi gì so với trước? Công tác khám chữa bệnh của ngành y liệu có được giảm tải sau khi người dân có hồ sơ này?
+ Cái lợi của việc lập hồ sơ sức khỏe công dân là giúp người dân sớm phát hiện mắc bệnh gì, có nguy cơ gì đối với sức khỏe của mình để qua đó các bác sĩ sẽ tư vấn, đưa ra lời khuyên để phòng ngừa. Hồ sơ sức khỏe công dân rất cần thiết. Người chưa có bệnh thì đã có thông tin để tiếp tục được theo dõi; người đã mắc bệnh thì thường xuyên được tư vấn và xử lý kịp thời khi bệnh tái phát.
Người dân đang được khám ở xã Chi Lăng (huyện Quế Võ), một trong hai xã đầu tiên ở Bắc Ninh và cũng là ở Việt Nam có sổ quản lý sức khỏe cho từng người dân. Ảnh: THÁI BÌNH
Ví dụ, mỗi người dân ở một địa bàn xã A sẽ được trạm y tế xã đó khám sức khỏe ban đầu. Mọi thông tin sức khỏe sẽ được nhập vào hồ sơ và đẩy lên mạng điện tử, từ đó các bác sĩ sẽ theo dõi qua thẻ điện tử. Khi người dân được cấp mã số điện tử, trạm y tế xã, phường sẽ định kỳ hằng năm khám tổng quát cho mỗi người dân.
Chẳng may họ bị bệnh phải vào bệnh viện điều trị, mọi thông tin về sức khỏe đều có trong hồ sơ lưu trong thẻ điện tử. Nhìn thông tin trong đó, các bác sĩ có thể biết bệnh nhân bị dị ứng với thuốc gì, nhóm máu nào… Theo đó người bệnh sẽ không cần làm xét nghiệm để xác định nhóm máu và được truyền máu kịp thời. Từ thông tin trong hồ sơ, bác sĩ sẽ biết họ dị ứng với thuốc gì để kê đơn, đồng thời khai thác bệnh và có phương án điều trị chính xác.
Khi có vấn đề sức khỏe, người dân sẽ được cán bộ y tế cơ sở tư vấn, giới thiệu lên bệnh viện huyện (nay được gọi là trung tâm y tế huyện), sau đó nếu cần thiết thì lên tuyến trên. Chính cán bộ y tế cơ sở sẽ giúp người dân tự điều trị những bệnh đơn giản, tư vấn để phân loại khi chuyển lên y tế tuyến trên. Nhờ đó việc khám chữa bệnh sẽ đúng tuyến, đúng chuyên khoa, giảm nhẹ tình trạng quá tải do cách đi khám bệnh thiếu khoa học như hiện nay. Đây cũng là mô hình chung mà thế giới hay gọi là bác sĩ gia đình.
Đáng chú ý, với cải cách này y tế xã, phường sẽ “sống” trở lại, không còn hoạt động èo uột như lâu nay nữa. Cán bộ y tế cơ sở nhờ đó sẽ có thực nghề, thực nghiệp, dần nâng cao trình độ chuyên môn, gánh vác tốt hơn vai trò của bác sĩ gia đình với tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh.
. Bao giờ việc lập hồ sơ sức khỏe mới được làm đại trà, thưa ông?
+ Hai tỉnh Bắc Ninh và Phú Thọ đang làm trước để xây dựng quy trình liên tục và trong năm 2017 sẽ triển khai đồng bộ trên cả nước. Bộ Y tế sẽ huy động tất cả nguồn lực, kinh phí để triển khai. Kinh phí không phải lấy từ ngân sách mà chính từ nguồn khoản mà BHYT tiết kiệm được do ứng dụng công nghệ thông tin.
Bước đầu, mọi thông tin cơ bản của người dân sẽ được nhập vào dữ liệu và tiếp tục cập nhật hằng năm.
. Xin cám ơn ông.
Thẻ an sinh xã hội tích hợp là gì? Từ năm 2017, BHXH Việt Nam sẽ triển khai dự án thẻ an sinh xã hội tích hợp thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy như hiện nay. Ông Dương Tấn Đức cho biết sẽ cấp cho mỗi người một mã số giống thẻ căn cước. Công an cấp CMND cho người từ 14 tuổi trở lên, còn BHXH sẽ cấp mã số an sinh cho mọi người. Sau này hai mã số này sẽ đồng nhất theo lộ trình của Chính phủ. Từ mã số an sinh này sẽ triển khai thẻ điện tử. Thẻ điện tử sẽ như thẻ ngân hàng, sau này người dân có thể đóng tiền bảo hiểm lao động, BHYT hoặc lĩnh các khoản bảo hiểm từ thẻ này… Trước đây, ở xã, phường, mỗi người dân đều có sổ theo dõi sức khỏe dân cư. Đổi mới kinh tế sau này, khu vực y tế cơ sở không được chú trọng đầu tư nên hệ thống sổ sách này không còn nữa. Nay Bộ Y tế thuê dịch vụ thiết lập hệ thống thông tin điện tử, cấp mã số riêng cho từng công dân, trước hết là người tham gia BHYT. Ông DƯƠNG TẤN ĐỨC, Phó ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế |