Mối nguy thủy sản Việt bị cấm xuất khẩu vào châu Âu đã cận kề

Dự kiến vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban Châu Âu (DG-Mare) sẽ sang Việt Nam kiểm tra về tình hình chống khai thác IUU.

Trước tình hình đó, chiều 23-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị về việc triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Tàu cá Việt Nam còn tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam, nhiều giải pháp quyết liệt đã được Chính phủ, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp thủy sản nỗ lực triển khai thực hiện các khuyến nghị và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, đã cơ bản nội luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực trong Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản của Bộ NN&PTNT; nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp về chống khai thác IUU; công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có bước tiến bộ; công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có bước tiến bộ; công tác hợp tác quốc tế, tham gia các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản có nhiều nỗ lực tích cực.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam trên thực tế chưa được cải thiện đáng kể.

Chẳng hạn như đối với việc kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác IUU, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước trong khu vực biển Đông vẫn còn tiếp diễn, thậm chí còn có diễn biến phức tạp.

Cụ thể, theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2018, đã thống kê được 85 vụ với 137 tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển Thái Lan, Malaysia, Philippin, Campuchia, Indonesia, Brunay, tăng 28 vụ so với năm 2017. Các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý là Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Bình Thuận… Trong đó Kiên Giang đứng đầu sổ với 50 vụ, chiếm gần 2/3 tổng số vụ việc trong cả nước.

Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình vẫn diễn biến phức tạp với 16 vụ tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở nước ngoài.

Về vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, thống kê cho thấy nhiều hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá tại các địa phương diễn ra rất chậm.

Ngoài ra, đến nay Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vẫn chưa được ban hành đã tạo khoảng trống pháp lý, dẫn đến khó khăn cho việc triển khai đồng bộ các quy định mới của Luật Thủy sản và khắc phục “thẻ vàng”.

Dính “thẻ đỏ” sẽ có hậu quả gì?

Tổng cục Thủy sản cho biết, sau gần hai năm bị áp dụng biện pháp “thẻ vàng”, thì vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-2019 tới đây, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban Châu Âu (DG-Mare) sẽ tiếp tục sang Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện chống khai thác IUU.

Trước đó, kể từ tháng 10-2017 khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam đã và đang bị kiểm tra rất chặt, kiểm tra 100% lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Cụ thể, DG-Mare sẽ kiểm tra bốn nhóm khuyến nghị gồm: Khung pháp lý; Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật và Truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

“Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU thì nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”, tức là tất cả sản phẩm thủy hải sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.

Tuy nhiên, EU là thị trường tín chỉ, vì vậy các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự”, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, cho biết trong thời gian này các Bộ, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển cần nỗ lực tập trung nguồn lực, kinh phí để Việt Nam nhanh chóng được gỡ cảnh báo “thẻ vàng” từ EC.

“Xây dựng nghề cá bền vững là nhiệm vụ chính, việc EC kiểm tra chỉ là một phần trong nhiệm vụ. Cố gắng tháo được “thẻ vàng” đối với hải sản, đây cũng là cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế biển nói chung”, Bộ trưởng nói.

Từ năm 2012 đến nay đã có 19 nước bị cảnh báo Thẻ vàng và 6 nước bị áp dụng biện pháp Thẻ đỏ. Tuy nhiên đến nay đã có 14 nước gỡ được thẻ, trong đó có Thái Lan, Philippin. Để gỡ Thẻ vàng, Thái Lan đầu tư khoảng 125 triệu USD trong gần bốn năm để triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC và thực hiện cải tổ bộ máy, tổ chức thêm 10 đầu mối để kiểm soát nghề cá với gần 2.000 cán bộ. Philippin đầu tư khoảng 10 triệu Euro trong 11 tháng để triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về khai thác IUU. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm