VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa có thông báo rút kinh nghiệm về việc giải quyết một vụ án dân sự liên quan đến việc đánh giá chứng cứ.
Vụ án bắt đầu từ tháng 10-2008, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Đình cho bà Trần Thị Ngọc Mai vay 100 triệu đồng có lãi. Sau đó, bà có nợ lại 50 triệu đồng gốc.
Bà Mai còn nhiều lần nhờ vợ chồng ông Đình vay tiền giúp. Tổng cộng là 11 lần vay giúp 1 tỉ 60 triệu đồng. Việc đưa tiền có viết giấy tay, bà Mai trả lãi đầy đủ đến tháng 5-2010 thì không trả nữa.
Nguồn gốc tiền là do vợ chồng ông Đình đi vay của người thân trong nhà. Để bà Mai hiểu và sớm trả, hai bên viết giấy xác nhận nhờ vay tiền ngày 27-6-2010 với tổng số 1,11 tỉ đồng (gộp cả 50 triệu còn nợ trước).
Sau khi viết giấy này, hai bên thống nhất hủy 11 giấy vay trước đó. Nhưng sau đó, bà Mai không chịu trả nợ mà cố tình trốn tránh. Đến ngày 3-9-2014, bà Mai trả được 250 triệu tiền gốc và xin xóa toàn bộ số nợ còn lại.
Vợ chồng ông Đình không đồng ý, khởi kiện ra TAND TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) yêu cầu trả số tiền gốc 860 triệu đồng và lãi chậm trả.
Vợ chồng ông Đình đã vay giùm bà Mai tổng cộng 11 lần, trong khi bà Mai nói không có giao tiền. Ảnh minh hoạ
Ra tòa, bà Mai cho rằng nguyên đơn chưa giao tiền cho bà, số tiền 250 triệu đồng bà đưa là trả cho khoản vay khác.
Xử sơ và phúc thẩm lần 1, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc bà Mai phải trả nợ số tiền gốc 860 triệu đồng. Tháng 8-2017, cấp giám đốc thẩm hủy cả hai bản án giao về xét xử sơ thẩm lại.
Tháng 12-2018, xử sơ thẩm lần 2, TAND TP Đông Hà quyết định không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Đình.
Phúc thẩm vào tháng 5-2019, TAND tỉnh Quảng Trị chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, buộc bà Mai trả số tiền nợ 50 triệu đồng gốc và tiền lãi là hơn 41 triệu đồng.
Tuy nhiên, tòa bác yêu cầu của nguyên đơn là việc yêu cầu thanh toán số tiền gốc còn lại 810 triệu và số tiền lãi là hơn 760 triệu.
Tháng 8-2019, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán hủy bản án sơ và phúc để xét xử lại. Tháng 11-2019, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị hủy án giao về cho xử sơ thẩm lại.
Qua vụ án này, VKSND Cấp cao thông báo rút kinh nghiệm chung cho các đơn vị. Về căn cứ xác định bà Mai có còn nợ số tiền 860 triệu hay không, cơ quan VKS nhận thấy dù tài liệu nguyên đơn xuất trình là tiêu đề giấy xác nhận nhờ vay tiền và tài liệu này không ghi rõ vợ chồng ông đã giao số tiền cho bà Mai hay chưa.
Tuy nhiên, thực tế nếu vợ chồng ông Đình chưa giao thì các bên không có xác lập giấy tờ này. Đồng thời nếu chưa giao tiền các bên căn cứ vào cơ sở nào để xác lập ngày bắt đầu tính lãi và ngày phải thanh toán nợ.
Về chứng cứ, ông Đình cung cấp USB ghi âm và ghi hình đoạn đối thoại giữa vợ chồng ông và chị em bà Mai. Kết luận giám định của phía khoa học hình sự cho rằng không có dấu hiệu cắt ghép, biên tập chỉnh sửa nội dung.
Hình ảnh người đàn ông và phụ nữ xuất hiện trong video chính là ông Đình và bà Mai. Đoạn đối thoại này được trích xuất sau khi thụ lý lại vụ án thể hiện ông Đình nói bà Mai còn nợ 1,11 tỉ đồng từ năm 2010 đến nay nhưng chưa trả gốc và lãi.
Ông đề nghị bà Mai trả hoặc bán nhà nghỉ cho ông để cấn trừ nợ... Bà Mai không phản đối số nợ trên mà chỉ xin trả 250 triệu đồng và xóa hết số còn lại vì không có tiền để trả...
Qua đó, có cơ sở xác định giữa các bên có trao đổi về số nợ 1,11 tỉ đồng và bà Mai đã trả 250 triệu đồng điều này phù hợp với lời khai khác.
Quá trình giải quyết vụ án, bà Mai cho rằng 250 triệu đồng trả cho một khoản vay khác nhưng lại không chứng minh được ngoài khoản nợ này thì có khoản vay nào khác. Quá trình giải quyết vụ án vợ chồng bà Mai có hành vi tẩu tán tài sản nhà và đất nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ...
Như vậy, lời khai của ông Đình (về việc giấy xác nhận nhờ vay tiền, thực tế là nhằm chốt nợ các vay trước đó và đã giao đủ tiền) là có căn cứ, phù hợp với các tài liệu chứng cứ.
Lời khai của bà Mai chưa giao tiền là không phù hợp. Tòa hai cấp đã xét xử đánh giá chứng cứ không toàn diện dẫn đến giải quyết vụ án không đúng pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn...