Môn văn không phải là sân khấu kịch

“Con em đi thi mà gặp cái đề này nó sẽ thét lên "Chipu là ai? Hương Tràm là ai? Em không biết các chị là ai! Các chị đi ra đi!!!!!!!!!!!". 

Hỏi Alan thì nó biết á. Nó đã nói nhạc Việt ngày xưa còn nghe được, nhạc Việt bây giờ con nghe không vô! 

Đừng có chạy theo trào lưu ra đề sát thực tế mà làm lố quá. Có thể học sinh sẽ "thích" vì có Chipu (một số em biết chẳng hạn) nhưng cái đề văn này nó đọng lại điều gì? Khơi gợi điều gì cho học sinh?”. 

Tại sao phải khiên cưỡng nhập vai nhân vật?

Một phụ huynh đã “thay mặt” con của chị để “khóc thét” lên như thế khi đối diện một đề văn kiểm tra học kỳ I khối lớp 10. Và không chỉ riêng chị, mạng xã hội cũng đồng thanh cảm thán với câu đố dạng này. Đơn giản vì nó thiếu tính giáo dục. Nó biến môn văn thành một công cụ để hả hê hoặc cay cú với một nhân vật trong làng giải trí.

Trong trường hợp học sinh quan tâm đến nhạc Việt hiện nay và biết Chipu là ai, sẽ xuất hiện những cảm xúc, nhận xét, đánh giá thông qua việc nhập vai trở nên hỗn loạn. Một “trận chiến” về quan điểm giữa những nhà nghiệp dư về âm nhạc (là các em) dễ khiến môn văn trở thành võ đài của showbiz.

Hóa thân vào Chipu để phản ứng lại với dư luận mạng sao được nếu các em cũng ghét cô ấy? Môn văn là môn dạy làm người hay là môn hướng dẫn đóng kịch?

Hoặc nếu các em mến cô ấy thì việc đặt bản thân vào vị trí của thần tượng dễ dẫn tới việc tung hê, cổ súy, bảo vệ những giá trị âm nhạc (mà cho đến nay những nhà chuyên môn vẫn còn đặt dấu hỏi) có là một cách thông minh?.

Còn trong trường hợp học sinh lờ mờ về Chipu, đề văn định hướng học sinh viết về sự nỗ lực của cá nhân trước những ý kiến trái chiều để quyết theo đuổi mục tiêu, thì thông tin về ca sĩ này trở nên thừa thãi đến mức vô duyên.

Người ra đề cũng “xì tin”!

Nối tiếp việc đưa lời bài hát “Lạc trôi” vào đề khảo sát môn ngữ văn của một trường ở Vĩnh Phúc, bài kiểm tra xuất hiện nữ ca sĩ Chipu lại tái diễn sự ngây ngô trong cách đặt vấn đề, đưa ví dụ một cách khiên cưỡng, áp đặt sở thích học sinh có phần quá lố.

Nên, dễ hiểu khi đề này trở thành một “ngôi sao” của mạng xã hội gần đây khi liên tục “xơi gạch đá”.

Lại nói về “ném đá”, đây là một từ phổ biến của dân mạng để nói tới ý kiến phê bình trên mực phê bình. “Ném đá” gợi cảm giác một đám đông hoang dã, lộn xộn, thiếu trách nhiệm… và nó không có trong bất kỳ từ điển chính thống nào.

Vậy mà, sự trong sáng của Tiếng Việt đã bị hoen ố ngay từ cách ra đề: “Mặc cho dư luận “ném đá”, giọng ca “Từ hôm nay” cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều từ điều này…” (!?)

Xin kết thúc bài viết bằng nhận xét về đề thi này của TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội). Trên trang cá nhân của mình, vị TS cho rằng đề bài nói riêng và những tri thức cung cấp cho học sinh nói chung phải gần gũi với hiện thực cuộc sống. “Đó là những hiện thực tinh lọc, có giá trị nâng cao năng lực thẩm mỹ, hướng tới mục đích nhận thức, giáo dục nhân cách cho học sinh chứ không phải nhặt nhạnh mọi thứ hiện thực xô bồ, thậm chí rẻ tiền... mang vào học đường. Do đó, cô rất thất vọng khi có giáo viên ra đề thi như thế này”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm