Cuộc biểu tình phản đối diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ đương nhiệm của Montenegro nhận được lời mời chính thức về việc gia nhập liên minh quân sự NATO. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Sputnik (Nga), chuyên gia phân tích chính trị Navid Nasr cho biết: “Chính phủ đương nhiệm và đảng nắm quyền hiện nay tại Montenegro rất ủng hộ việc gia nhập vào NATO”.
Truyền thông địa phương cho biết có gần 5.000 người tham gia các cuộc biểu tình tại thủ đô đất nước vùng Balkan. Còn theo Fox News (Mỹ), nhiều nhóm biểu tình còn hô vang khẩu hiệu "Nước Nga! Nước Nga!". Những người biểu tình giơ cao các biểu ngữ như "NATO - Những kẻ sát nhân" hay "Các người không được chào đón tại đây". Cựu Tổng thống Montenegro - ông Momir Bulatovic cáo buộc: "NATO mời đất nước chúng ta gia nhập để có thêm quân chống lại nước Nga". Theo Fox News, những cuộc biểu tình này được phát động bởi các nhóm chính trị ủng hộ Nga, đòi chính phủ và Quốc hội nước này phải tổ chức trưng cầu dân ý toàn quốc về quyết định gia nhập NATO.
Vùng Balkan từ lâu đã là khu vực mà cả Nga và phương Tây đều cố gắng tranh giành ảnh hưởng. Tờ Speigel của Đức tháng 11-2014 từng đăng bài bình luận cho biết nước Đức - quốc gia đầu tàu của phương Tây hiện nay - đang ngày một lo ngại về chính sách gia tăng ảnh hưởng của nước Nga tại Balkan. Với Montenegro, Mỹ và các thành viên NATO đang tiếp tục tìm cách giảm sức ảnh hưởng của Nga trong khu vực này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp của NATO. Ảnh: AFP
Tờ Politico (Mỹ) ngày 7-12 bình luận Montenegro và toàn vùng Balkan có mối liên kết rất lớn về mặt lịch sử với Nga. Sau Croatia và Albania, NATO đang dần lấn sâu vào vùng Balkan hơn nữa. Ông Stefano Stefanini, cựu Đại sứ NATO tại Ý, bày tỏ lo ngại việc sáp nhập thêm Montenegro vào liên minh quân sự này sẽ tạo rủi ro gây bất ổn ở khu vực. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng dè dặt tuyên bố: "Chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế tối đa các rủi ro và củng cố đối thoại với nước Nga".
Navid Nasr bình luận có một bộ phận không nhỏ người dân tại quốc gia này không đồng ý với bước đi chính trị lần này của chính phủ cầm quyền. Tuy nhiên, ông Nasr lo ngại quyết định của giới lãnh đạo sẽ chỉ thay đổi một khi những cuộc biểu tình bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn, trở thành một phong trào kéo dài và được tổ chức hơn, cụ thể là một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc hay thậm chí là “thay đổi bên trong chính phủ”.
Người biểu tình phản đối đối thoại gia nhập NATO của Montenegro. Ảnh: Reuters
Theo Navid Nasr, hai viễn cảnh trên sẽ chỉ xảy ra nếu như có thêm nhiều người tham gia biểu tình hoặc những người biểu tình lôi kéo được thêm quân đội về phía họ. Khả năng quân đội cân nhắc nhúng tay can thiệp vào vấn đề này không phải là bất khả thi. Navid Nasr cho biết một bộ phận lớn người dân và đặc biệt là giới quân sự Montenegro vẫn chưa quên đi ký ức NATO đánh bom Nam Tư cũ vào những năm 1990.