Ngày 2-8, phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng việc trao đổi tù nhân giữa Nga và phương Tây hôm 1-8 không có tác động trực tiếp đến cuộc xung đột ở Ukraine, đài RT đưa tin.
Cụ thể, tại một cuộc họp báo ngày 2-8, ông Peskov được hỏi rằng liệu cuộc trao đổi tù nhân Nga-phương Tây lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh có thể được coi là dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng thỏa hiệp để đạt được hòa bình trong cuộc xung đột hay không.
Ông Peskov nói rằng Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã sắp xếp rất nhiều cuộc đàm phán phức tạp để đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân.
Tuy nhiên, ông Peskov nhấn mạnh rằng vấn đề Ukraine là một "vấn đề hoàn toàn tách biệt" và liên quan đến các nguyên tắc khác mà Nga theo đuổi, chẳng hạn như lợi ích quốc gia và an ninh của Nga.
Theo ông Peskov, các vấn đề liên quan chiến sự Nga-Ukraine đang được thực hiện ở một “chiến tuyến" khác.
Bên cạnh đó, dù nói rằng "hoạt động nội bộ" của các cuộc đàm phán FSB-CIA "không thể được công khai", tuy nhiên ông Peskov vẫn chia sẻ một số chi tiết về cách thức trao đổi tù nhân trên thực tế.
Theo RT, một sự thật thú vị mà ông Peskov nhắc tới là hai người con của các điệp viên mật người Nga là Artem và Anna Dultsev (bị bắt ở Slovenia vào năm 2022) thậm chí còn không biết rằng họ là người Nga và chỉ nhận ra khi lên máy bay về Moscow.
"Khi những đứa trẻ xuống máy bay, chúng không nói được tiếng Nga nào. [Tổng thống Vladimir] Putin chào đón chúng bằng tiếng Tây Ban Nha" - ông Peskov nhớ lại, thêm rằng những đứa trẻ này thậm chí còn không biết ông Putin là ai.
Ngày 1-8, Nga và các nước phương Tây đã tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Quy mô trao đổi bao gồm 26 người, diễn ra tại một sân bay ở thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ).
Nga đã trao trả 16 người đưa sang phương Tây, bao gồm 14 người đến Đức và 4 người sang Mỹ, để đổi lấy 10 người là công dân Nga, theo đài RT.
Trong số 4 người được đưa đến Mỹ có phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal, cựu Thủy quân lục chiến Mỹ Paul Whelan và biên tập viên Alsu Kurmasheva của đài RFE/RL.
Phía Nga, trong 10 người được trả tự do có cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Vadim Krasikov - người bị kết án chung thân ở Đức vì tội sát hại ông Zelimkhan Khangoshvili - công dân Georgia thuộc sắc tộc Chechnya vào năm 2019.