Một gia đình luôn giữ gìn truyền thống gói bánh tét dịp Tết Nguyên đán

(PLO)- Gói bánh tét trong ngày Tết Nguyên đán là dịp gia đình quây quần, gắn kết tình làng nghĩa xóm nên luôn được nhiều gia đình ở TP.HCM giữ gìn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều gia đình ở TP.HCM còn giữ truyền thống nấu bánh tét mỗi dịp tết về. Chúng tôi ghi nhận câu chuyện này ở một gia đình tại huyện Hóc Môn.

Năm nào cũng vậy, tờ mờ sáng 29 Tết là nhà bà Tư (80 tuổi, ở ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) chộn rộn chuẩn bị gói bánh tét. Tấm chiếu được bà Tư trải giữa sân, sau đó lần lượt con cháu mang lá chuối, dây chuối, nếp, đậu xanh, thịt mỡ… bày lên trên.

Để gói bánh tét, cả nhà bà Tư phải chuẩn bị cả tuần. Trước đó, đúng ngày đưa ông Táo 23 Tết, con trai út bà Tư vô vườn sau nhà cắt những tàu chuối rọc lấy lá rồi hong nắng cho mềm, sau đó lau sạch rồi xếp gọn. Còn bẹ chuối thì được cắt thành từng sợi nhỏ dài, cũng mang hong nắng để buộc bánh tét.

banh-tet.jpg
Con cháu bà Tư quây quần gói bánh tét. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nếp thì chính tay bà Tư tìm mua, phải là nếp cái hoa vàng, cho dù mắc hơn các loại nếp khác. Theo bà Tư, loại nếp này vừa dẻo vừa thơm, gói bánh tét thì ngon “bá chấy bọ chét”. Còn thịt heo phải là ba chỉ, đậu xanh phải nguyên hạt. Chưa hết, tôm khô, hạt điều, trứng vịt muối…, thứ gì cũng được bà Tư lựa chọn kỹ càng.

Tham gia gói bánh tét còn có bà Sáu (68 tuổi) và bà Tám (72 tuổi), láng giềng thân thiết của bà Tư. Vừa gói bánh, các bà hỏi han đủ chuyện, từ việc làm ăn của con cái đến việc học hành của cháu chắt. Nhiều lúc quá vui, các bà cười giòn tan khiến con cháu cũng vui lây.

Bánh tét
Bà Tư chuẩn bị nấu bánh tét. Ảnh: TRẦN NGỌC

Phải nói tay nghề gói bánh tét của cả bà Tư, bà Sáu và bà Tám “quá siêu”, đòn nào đòn nấy bự chảng, đều nhau. Trong lúc các bà gói bánh, con trai lớn bà Tư chuẩn bị sẵn bếp và nồi nấu bánh. Bánh vừa gói xong cũng là lúc nước trong nồi sôi sùng sục. Bà Tư bỏ từng bánh vô nấu.

Vì sao có tên gọi là bánh tét? Bà Tư giải thích: “Theo tôi được biết, bánh tét thường được gói trong dịp Tết Nguyên đán nên có tên là bánh tết. Tuy nhiên theo thời gian, bánh tết đọc trại thành bánh tét. Ngoài ra, ý kiến khác cho rằng loại bánh này thường được tét khi ăn nên gọi là bánh tét. Cho dù bánh tét có nguồn gốc gì đi nữa thì gói bánh tét là nét văn hóa đẹp của dân tộc ta”.

Bà Tư tỏ bày: “Tết đến, con cháu tôi rất thích ngồi xem gói và nấu bánh tét. Đây là dịp gia đình quây quần và sum vầy. Gói bánh tét, bà con láng giềng cùng phụ trợ. Đây là dịp gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm. Bánh tét chín, mang tặng hàng xóm mỗi nhà một bánh trước cúng ông bà tổ tiên, sau ăn lấy thảo. Đây là dịp thể hiện tình cảm bà con chung xóm chung làng. Do vậy, truyền thống gói bánh tét dịp Tết Nguyên đán luôn được gia đình tôi giữ gìn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm