Một lô đất được “gả’’ khắp nơi

Sau năm năm đeo đuổi, giờ bà Nguyễn Thị Kim Quy (phường 12, quận 5, TP.HCM) chỉ có thể làm chủ sử dụng... trên giấy 10 lô đất thuộc dự án khu dân cư mới ở xã Phước Bình, huyện Long Thành, Đồng Nai.

Có “giấy đỏ” nhưng không... đỏ

Tháng 8-2002, bà Quy có ký hợp đồng “mua” của Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Đông Hải (21/11 phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) 10 lô đất ở (đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp “giấy đỏ”) với tổng số tiền là 805 triệu đồng. Theo đó, bà Quy phải đặt cọc hơn 480 triệu đồng và sẽ được công ty giao đất trong thời hạn ba tháng kể từ ngày ký hợp đồng.

Quá hạn, công ty vẫn không thực hiện đúng giao kết và cứ hẹn lần hẹn lữa. Sốt ruột, bà Quy đến tận nơi để tìm hiểu thì phát hiện các lô đất trên đã được người khác “mua” và đã xây dựng nhà ở.

Lập tức, bà Quy đề nghị chính quyền địa phương áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết. Bấy giờ bà mới biết mình không phải là “người bị hại” duy nhất. Rất nhiều người lâm vào tình cảnh giống như bà đã gửi đơn khiếu nại Công ty Đông Hải “lừa đảo bán đất”.

Một lô đất có đến mấy chủ

Theo UBND huyện Long Thành, Công ty Đông Hải đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp “giấy đỏ” cho 204 lô đất. Công ty này đã lập 22 hợp đồng chuyển nhượng 69 lô đất với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Đáng lưu ý, trong số các lô đất nêu trên, có 31 lô được chuyển nhượng hai lần, 20 lô được chuyển nhượng ba lần, ba lô được chuyển nhượng đến bốn lần. Tuy nhiên, công ty chỉ mới thỏa thuận với bên mua để thanh lý, hủy bỏ 11 hợp đồng và cũng chỉ mới trả lại cho người mua 1,5 tỷ đồng trong tổng số 5,6 tỷ đồng cần phải trả.

Gần đây, công ty có đề nghị UBND huyện Long Thành cho phép họ bán 135 lô đất còn lại để có tiền thanh lý các hợp đồng cũ.

Xét thấy cách làm ăn của công ty không rõ ràng, còn nhiều vướng víu với khách hàng, UBND huyện này đang chờ xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

Theo bà Quy, công ty vẫn còn giữ lại bốn lô đất trống của bà nên có thể giao trước bốn lô đất đó. Nhưng công ty không đồng ý và vẫn tiếp tục ký hợp đồng bán đất cho nhiều người. Nhiều khả năng danh sách các nạn nhân như bà Quy sẽ ngày càng dày lên từ cách mua bán thiếu trước sau của Công ty Đông Hải và từ việc chậm xử lý của chính quyền.

Theo luật sư Nguyễn Đình Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), để tránh được các rủi ro tương tự, người mua đất cần làm hợp đồng đặt cọc với nhiều điều khoản cụ thể để ràng buộc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của bên bán như giá cả mua bán, thời gian ra công chứng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu vi phạm hợp đồng v.v... Đồng thời, người mua có thể yêu cầu bên bán giao “giấy đỏ” gốc để hạn chế việc bên bán dùng “giấy đỏ” đó bán cho nguời khác.

Trường hợp bị bội tín và không thể thương lượng được cách xử lý, người mua chỉ còn cách khởi kiện ra tòa yêu cầu bên bán tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nếu bên bán từ chối, người mua có thể yêu cầu bên bán bồi thường gấp đôi (hoặc hơn thế nữa nếu trước đó có thỏa thuận) số tiền nhận đặt cọc. Kèm theo đơn khởi kiện, người mua có thể đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ngăn chặn bên bán chuyển nhượng đất...) để đảm bảo cho việc thi hành án.

QUỲNH-HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm