Một năm vụ nổ đường ống Nord Stream, điều tra tới đâu?

(PLO)- Một năm xảy ra vụ việc, dù có nhiều cuộc điều tra nhưng nguyên nhân dẫn đến các vụ nổ trên đường ống khí đốt Nord Stream vẫn là điều bí ẩn.

Tháng 9-2022, một số vụ nổ xuất hiện trên đường ống Nord Stream đã làm gián đoạn tuyến đường chính xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Các vụ nổ này làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực, vốn đã dâng cao sau khi xung đột Ukraine bùng nổ vào tháng 2-2022, theo hãng tin AFP.

Một năm trôi qua, dù nhiều cuộc điều tra đã được tiến hành nhưng câu hỏi bên nào chịu trách nhiệm cho hành động phá hoại trắng trợn này vẫn chưa có câu trả lời.

Chuyện gì đã xảy ra?

Cuối tháng 9-2022, một loạt vụ nổ đã làm vỡ 3 trong số 4 đường ống tạo nên hệ thống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Các vụ nổ giải phóng khí gas lên bề mặt biển Baltic.

germany_russia_pipeline_attack_52711.jpg
Khí gas rò rỉ từ đường ống Nord Stream 2, vào ngày 28-9-2022. Ảnh: AP

Trước đó, vào tháng 8, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã tạm dừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Đây cũng là đường chính dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức.

Trong khi đó, đường ống Nord Stream 2 chưa từng đi vào hoạt động thương mại, do phía Đức chưa phê duyệt. Dự án Nord Stream 2, trị giá 10 tỉ euro (10,6 tỉ USD), từ lâu đã bị Ukraine, Mỹ và các nước Đông Âu phản đối vì lo ngại sẽ mang lại cho Nga quá nhiều ảnh hưởng đối với an ninh năng lượng của Đức.

Các nước nào đang điều tra nguyên nhân vụ việc?

Vụ nổ xảy ra tại vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch nên cả 2 nước này đều đang tiến hành điều tra vụ việc. Cho đến nay, 2 nước đều xác nhận các vụ nổ là có chủ ý nhưng vẫn chưa xác định được ai đứng sau vụ việc.

Công tố viên Mats Ljungqvist - người phụ trách điều tra nguyên nhân vụ nổ bên phía Thụy Điển - nói với hãng AFP rằng "giả định ban đầu là có một nhà nước đứng đằng sau vụ việc".

Ông Ljungqvist cho biết Thụy Điển "đang trong giai đoạn cuối của cuộc điều tra".

Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Đan Mạch Lokke Rasmussen bác bỏ khả năng Nga đứng đằng sau vụ việc khi đưa ra thông tin ban đầu về kết quả cuộc điều tra vụ nổ đường ống Nord Stream.

“Đan Mạch, Thụy Điển và Đức đều có luật pháp. Mọi người có thể tin tưởng vào các cuộc điều tra của chúng tôi” - ông Rasmussen nói.

Theo ông Rasmussen, quá trình điều tra đã xác định được một vật thể lạ trên đường ống Nord Stream.

“Chúng tôi đã nói với người Nga rằng chúng tôi sẽ điều tra kỹ lưỡng vấn đề này. Khi hoàn tất, chúng tôi sẽ công bố kết quả cuộc điều tra” - ông Rasmussen nói.

2022-09-27T132448Z_574418717_RC2PPW947RTC_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-DENMARK-REGULATOR-1695450574.jpg
Khí gas rò rỉ từ đường ống Nord Stream 2, ngày 27-9-2022. Ảnh: REUTERS

Phía Đức cũng đang điều tra vụ việc trên. Hồi tháng 1-2023, các công tố viên liên bang của Đức đã khám xét một chiếc du thuyền, nghi được dùng để vận chuyển chất nổ. Các công tố viên đã thu giữ nhiều vật dụng trên du thuyền và tìm thấy dấu vết của chất nổ.

Văn phòng Công tố Liên bang Đức cho biết các cuộc điều tra đang diễn ra để truy tìm “danh tính thủ phạm và động cơ của chúng”.

Theo các nhà phân tích, đây là vụ việc liên quan nhiều bên nên kết quả của những cuộc điều tra này có thể dẫn đến những hậu quả lớn về mặt ngoại giao. Do đó, việc cả 3 quốc gia đều giữ kín thông tin về các cuộc điều tra là điều không có gì đáng ngạc nhiên.

Các cuộc điều tra khác

Các nhà báo và cơ quan điều tra của một số quốc gia cũng đang tham gia vào quá trình xác định thủ phạm đứng sau các vụ nổ đường ống Nord Stream.

Theo tờ The Washington Post, hồi tháng 6-2022 (3 tháng trước khi các vụ nổ xảy ra), tình báo quân sự Hà Lan đã thông tin cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về kế hoạch của Ukraine nhằm cho nổ tung các đường ống Nord Stream.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky nhiều lần phủ nhận việc Ukraine đứng sau các vụ nổ này.

“Tôi sẽ không bao giờ làm điều đó. Tôi muốn xem bằng chứng” – ông Zelensky trả lời tờ Bild hồi tháng 6.

Tờ The New York Times hồi tháng 3 có bài viết cho rằng một "nhóm thân Ukraine" là thủ phạm đứng sau vụ nổ. Theo tờ báo, chính phủ Ukraine không liên quan đến nhóm này.

24JG54BDONIZPJAHEK6BFOESEQ.jpg
Nhà báo điều tra Mỹ Seymour Hersh. Ảnh: REUTERS

Phía Nga nói gì?

Nga cáo buộc Mỹ đứng sau vụ tấn công đường ống Nord Stream, theo hãng thông tấn TASS.

"Các quan chức Mỹ về cơ bản thừa nhận rằng các vụ nổ xảy ra ở đường ống Nord Stream 1 và 2 là do họ làm. Thậm chí, họ còn rất vui khi nói về điều này" - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói hồi tháng 2.

Theo ông Lavrov, Mỹ cho rằng Nga và Đức hợp tác "quá tốt" trong 20, 30 năm qua trong việc thiết lập một liên minh hùng mạnh dựa trên tài nguyên của Nga và công nghệ của Đức.

“Điều đó bắt đầu đe dọa vị thế độc quyền của nhiều tập đoàn Mỹ. Vì vậy, họ cần phá hủy đường ống, theo đúng nghĩa đen” - ông Lavrov nói.

Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đồng ý với kết luận của nhà báo điều tra người Mỹ Seymour Hersh khi cho rằng phía Mỹ có liên quan đến vụ nổ đường ống dẫn Nord Stream, theo TASS.

Trước đó, hồi tháng 2, nhà báo Seymour Hersh có bài viết cho rằng Mỹ đứng đằng sau các vụ tấn công và Na Uy là bên hỗ trợ cho Mỹ. Phía Mỹ đã bác bỏ lập luận này, cho rằng những thông tin ông Hersh công bố là “hoàn toàn hư cấu”.

"Nhà báo Mỹ đã đưa ra kết luận rằng vụ nổ trên đường ống dẫn khí đốt là do lực lượng đặc biệt của Mỹ thực hiện. Tôi hoàn toàn đồng ý với kết luận đó" - ông Putin nói.

Ông Putin cho rằng sự thật về vụ nổ trên đường ống Nord Stream cuối cùng sẽ được sáng tỏ.

“Tôi tin rằng sẽ khó để tìm ra sự thật đằng sau vụ nổ, nhưng một ngày nào đó nó có thể sẽ được phơi bày” - ông Putin nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm