Một số công ty Việt hưởng lợi từ tắc nghẽn cảng biển nghiêm trọng tại Singapore

(PLO)- Tình trạng tắc nghẽn cảng biển tại Singapore, cảng container lớn thứ hai thế giới, đã lên đến mức nghiêm trọng. Tàu container phải chờ đến bảy ngày để cập bến tại Singapore, giá cước vận tải biển vì vậy sẽ tăng mạnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) vừa công bố báo cáo phân tích về tình trạng tắc nghẽn cảng biển trầm trọng ở Singapore và những tác động đến doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi từ tắc nghẽn cảng biển nghiêm trọng tại Singapore
Tình trạng tắc nghẽn cảng biển ở Singapore được đánh giá ở mức nghiêm trọng và chưa thể sớm có giải pháp - Ảnh: Bloomberg

Theo đó, tình trạng tắc nghẽn cảng biển tại Singapore, cảng container lớn thứ hai thế giới, đã lên đến mức nghiêm trọng. Tàu container phải chờ đến bảy ngày để cập bến tại Singapore. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu tàu và giá cước vận chuyển tăng cao gần đây.

Các cảng nước sâu cạnh tranh với Singapore được hưởng lợi từ tình hình này khi các hãng tàu chuyển hướng một số tàu để tránh tắc nghẽn. Trong khi đó, các công ty vận chuyển container được hưởng lợi từ giá cước cao hơn.

Nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài, nhiều tác động tích cực có thể xảy ra, nhiều doanh nghiệp hoạt động mạnh trong lĩnh vực vận tải biển như Công ty Cổ phần Gemadept (GMD) hay Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVT) sẽ có thể hưởng lợi.

Nguyên nhân...

Singapore là thương cảng lớn thứ hai về sản lượng sau cảng Thượng Hải, nhưng là trung tâm trung chuyển lớn nhất thế giới. Trong điều kiện bình thường, các tàu hàng chỉ chờ khoảng nửa ngày để vào cảng. Nhưng giờ, theo HSC, phải chờ đến một tuần và khoảng 304.505 TEU hàng hóa đang chịu tình trạng ùn tắc kéo dài này.

Tình trạng tắc nghẽn cảng biển chủ yếu do các tàu trở về châu Á ngoài lịch trình do phải phải vòng quanh mũi Hảo Vọng, và các chuyến tàu hằng tuần không khởi hành đúng lịch trình. Yếu tố chính là do căng thẳng leo thang khu vực Biển Đỏ. Việc này đang đẩy giá cước vận tải container lên cao.

Một yếu tố khác là Mỹ tăng thuế với lượng hàng hóa trị giá 18 tỷ USD của Trung Quốc kể từ 1-8 tới. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang gấp rút vận chuyển sản phẩm của họ trước thời hạn này, góp phần làm quá tải các cảng trung chuyển chính như Singapore.

Cùng chủ đề, các nghiên cứu viên của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dẫn chỉ số vận tải container thế giới (WCI) gần đây tăng 181% so với cùng kỳ và tương đương với 232% so với mức trung bình năm 2019, trong khi giá cho thuê tàu định hạn đối với tàu 1700 TEU tăng 90% so với đầu năm.

mot-so-doanh-nghiep-viet-huong-loi-tu-tac-nghen-cang-bien-nghiem-trong-tai-singapore.jpg

Nguyên nhân khiến giá cước tăng đến từ cả cung lẫn cầu.

Về phía cung, tác động của việc chuyển hướng khỏi Biển Đỏ đã xuất hiện dần ở những nút thắt của chuỗi cung ứng bắt đầu ở các cảng chính như Singapore, Dubai hay Rotterdam.

Ùn tắc ở các cảng và hành trình vận chuyển đường biển bị kéo dài hơn dẫn đến việc thiếu hụt container tại một số cảng trọng điểm ở Trung Quốc, càng đẩy giá cước vận tải lên cao.

Về phía cầu, xu hướng tăng lượng hàng tồn kho trở lại kể từ quý I cùng với nhu cầu vận chuyển tăng mạnh từ Trung Quốc đến các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ đã đẩy giá cước vận chuyển container tăng mạnh.

Cũng theo SSI Research, nhìn lại quá khứ, sự kiện tàu Evergiven mắc cạn làm tê liệt kênh đào Suez trong 6 ngày vào tháng 5-2021, cùng với tình trạng thiếu hụt container trong thời gian này đã tác động tới toàn bộ chuỗi cung ứng và đẩy giá cước giao ngay tăng vọt 100% từ tháng 5 đến tháng 11-2021 mới hạ nhiệt.

Các chuyên gia SSI cho biết hiện mới bắt đầu mùa cao điểm vận chuyển, những với áp lực hiện tại, tình hình sẽ tiếp tục khó khăn hơn và có thể chỉ dịu bớt vào quý IV, khi mùa vận chuyển cao điểm kết thúc, và các hãng vận tải có thể sắp xếp lại chuỗi cung ứng.

... và hệ quả

Theo chuyên gia của HSC, các cảng nước sâu Việt Nam và các công ty vận chuyển container sẽ được hưởng lợi từ tình trạng tắc nghẽn này.

Các cảng nước sâu tại khu vực Lạch Huyện và Cái Mép Thị Vải có thể sẽ đón thêm tàu do các hãng tàu sẽ di chuyển tàu container đến các cảng nước sâu khác trong khu vực để tránh tắc nghẽn tại Singapore. Trong số các công ty niêm yết, GMD sẽ được hưởng lợi nhờ sản lượng tiềm năng cao hơn tại cảng nước sâu Gemalink.

Bên cạnh đó, Cảng Sài Gòn (SGP) cũng sẽ nhận được những tác động tích cực nhờ cổ phần tại các cảng nước sâu khu vực Cái Mép Thị Vải, cụ thể là Cảng Quốc tế Cái Mép và Cảng SP-SSA.

Trong khi đó, các hãng tàu container như CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) sẽ được hưởng lợi từ cước vận chuyển cao hơn. Các hãng tàu khác không được hưởng lợi bởi tắc nghẽn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm