Cho tôi hỏi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định về việc này như thế nào? Cũng theo luật này thì luật sư của con tôi có thể gặp cháu khi cháu đang bị tạm giam hay không?
Chị Hoàng Thị Hà (Huyện Hóc Môn, TP.HCM)
Kiểm sát viên NGUYỄN VĂN TÙNG, Phó Viện trưởng VKSND quận Tân Phú, TP.HCM (ảnh), trả lời:
Để phù hợp cải cách thủ tục hành chính cũng như tinh thần của Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền con người, đồng thời căn cứ thực tiễn nhiều trại tạm giam, phòng thăm gặp đã được thiết kế vách cách ly; thân nhân, người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ có thể trao đổi qua điện thoại, được giám sát chặt chẽ, khó xảy ra việc thông cung nên Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 đã bỏ quy định việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải được sự cho phép của cơ quan đang thụ lý vụ án. Luật đã quy định cụ thể về số lần thăm gặp của người bị tạm giam là một lần trong một tháng... (khoản 1 Điều 22). Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp (khoản 2 Điều 22). Cơ quan đang thụ lý vụ án chỉ cho ý kiến khi tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam… (khoản 1 Điều 22).
Luật 2015 đã quy định cụ thể các trường hợp không đồng ý cho thăm gặp (khoản 4 Điều 22) để tránh trường hợp tùy tiện ngăn cản quyền được thăm gặp của thân nhân người bị tạm giam. Đặc biệt, đối với trường hợp người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp thì người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giam để xác nhận có hay không việc không đồng ý thăm gặp…
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 cũng quy định người bào chữa được gặp người bị tạm giam để thực hiện bào chữa tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa (khoản 3 Điều 22).