Đầu năm 2006, ông Võ Văn Tốt (phường 15, quận Gò Vấp) đặt cọc 350 triệu đồng để mua toàn bộ nhà và đất gần đó của vợ chồng ông M. Mặc dù đã nhận cọc nhưng chỉ ít tháng sau, vợ chồng ông M. lại ra Phòng Công chứng số 5 lập hợp đồng bán đất (không bán nhà) cho người khác. Tức mình vì hàng xóm vi phạm cam kết, ông Tốt bèn nộp đơn kiện vợ chồng ông M. ra tòa.
Nhà không đất!
Đầu tháng 7-2007, do các bên hòa giải thành nên TAND quận Gò Vấp đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của họ. Theo đó, hai bên đồng ý hủy giấy đặt cọc đã lập và vợ chồng ông M. phải trả cho vợ chồng ông Tốt 450 triệu đồng. Ngay sau đó, ông Tốt nộp đơn yêu cầu thi hành án.
|
Ai dám đập căn nhà kiên cố nhiều tầng này để trả đất cho chủ đất? Ảnh: TC |
Rắc rối xảy ra khi Thi hành án dân sự quận Gò Vấp xác định vợ chồng ông M. không còn tài sản nào khác để thi hành án ngoài căn nhà đang ở. Cuối tháng 5-2008, căn nhà này đã bị kê biên để đảm bảo việc thi hành án. Song như vừa nêu ở trên, vợ chồng ông M. đã ra Phòng công chứng số 5 lập hợp đồng chuyển nhượng đất cho người khác và vẫn cư trú trong căn nhà tọa lạc trên đất. Nghĩa là căn nhà bị kê biên chỉ có xác nhà chứ không có đất.
Theo luật định, hai bên đương sự có thể thỏa thuận cho ông Tốt nhận căn nhà để cấn trừ tiền, bằng không nhà kê biên sẽ được bán đấu giá. Nếu việc bán đấu giá không thành, căn nhà được định giá lại theo hướng giảm giá để tiếp tục bán đấu giá. Nếu sau hai lần giảm giá mà căn nhà vẫn không bán được thì ông Tốt có quyền nhận tài sản theo giá đã giảm để thi hành án.
Đeo đẳng quá trình thi hành án gần hai năm trời nhưng không được trả tiền nên ông Tốt cũng mong chóng được nhận nhà dù biết nó chỉ có xác nhà chứ không có đất. Ông Tốt kể mình mới ký bản cam kết gửi Thi hành án dân sự quận Gò Vấp với nội dung: “Bản thân được biết chỉ nhận được phần xây dựng của căn nhà, sau đó phải đập bỏ hoặc di dời để trả lại phần đất cho chủ đất mới” (!?).
Đập nhà thì trắng tay!
Việc bán đấu giá căn nhà trên e không thành công vì chẳng ai dại gì vung tiền mua xác nhà nằm trên đất của người khác. Trong trường hợp chẳng đặng đừng này, có lẽ ông Tốt đành phải nhận nhà để cấn trừ khoản tiền được thi hành án. Bấy giờ, ông chỉ có thể xin giấy chủ quyền nhà với điều kiện được người chủ đất mới đồng ý. Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra. Cũng phải thôi, nếu là bạn, bạn có dễ dàng chấp nhận cho một người lạ hoắc lạ huơ nghiễm nhiên ngụ trên đất của mình?
Vậy là ông Tốt sẽ bị thiệt trăm bề nếu nhận căn nhà trên. Không được cấp chủ quyền, ông còn đối diện với khả năng đập nhà hoặc tìm cách bứng căn nhà đi chỗ khác nếu chủ đất đòi đất. Hóa ra ông Tốt hoàn toàn trắng tay khi tài sản thi hành án được nhận có nguy cơ biến thành đống bê-tông vụn.
Tuy nhiên, một ý kiến khác lại cho rằng ông Tốt cứ việc nhận căn nhà thi hành án rồi dọn vào đó ở vì sẽ chẳng có ai dám xông vào đập căn nhà của ông. Theo Điều 143 BLHS, người tự ý đập nhà của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Như vậy, ngay cả chủ đất mới cũng gặp rắc rối lớn. Lúc này, chủ đất mới chẳng còn đường nào khác ngoài việc níu áo bên bán là vợ chồng ông M.
Ông Tốt đề xuất hướng giải quyết vướng mắc bằng cách đổi cho chủ đất mới một diện tích đất khác tương đương nằm ngay gần đó. Khổ nỗi, Thi hành án dân sự quận Gò Vấp cho biết đã nhiều lần mời chủ đất đến để tìm hướng giải quyết nhưng ông này không đến.
Hiện nay, Thi hành án dân sự quận Gò Vấp đã tổ chức lại từ đầu việc thi hành án theo yêu cầu của Thi hành án TP.HCM vì quá trình thi hành án cũ mắc nhiều thiếu sót. Chẳng hạn như biên bản tống đạt giấy báo tự nguyện thi hành án không có chữ ký của người nhận thay, giấy tờ thi hành án không được niêm yết tại trụ sở UBND phường... Ngày 12-1 vừa qua, giấy báo tự nguyện thi hành án đã được dán công khai trước cổng nhà vợ chồng ông M.
Chưa biết vụ thi hành án lạ đời này sẽ có hồi kết như thế nào nếu vợ chồng ông M. vẫn không có tài sản nào khác ngoài căn nhà này để thi hành án.
THỤY CHÂU