Dư luận ở Cần Thơ đang xôn xao trước thông tin chỉ ở hai ấp của xã Thạnh Phú, vùng nông thôn của huyện Cờ Đỏ đã có gần chục trai tráng lực điền đi TP.HCM để… “hiến” thận. Thậm chí có gia đình có đến năm người con hiện chỉ còn một quả thận trong người!
Hiến thận để giải quyết khó khăn?
Về Cờ Đỏ tìm hiểu sự việc hàng loạt nông dân “rủ nhau” đi hiến thận ở TP.HCM, PV Pháp Luật TP.HCM được biết từ năm 2012 đến tháng 4-2014, trên địa bàn ấp 5 và ấp 6 xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ đã có tám trường hợp hiến thận. Những người đi hiến đều là nông dân nghèo, tạm trú lâu dài tại địa phương và đa phần không có đất sản xuất, phải làm thuê làm mướn để mưu sinh… Cá biệt gia đình ông NVY có đến năm người con đã đi TP.HCM hiến thận.
Trước tết Nguyên đán 2014, anh NHS (43 tuổi, ngụ xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) về nhà cha ruột là ông NVY (tạm trú ấp 5, xã Thạnh Phú) rủ hai người em là NPE (31 tuổi) và NTH (27 tuổi) đi TP.HCM hiến thận. Hai người em của anh S. là NPA (39 tuổi) và NNB (41 tuổi) cũng đã hiến thận cho người khác từ năm 2012.
Theo tìm hiểu, trên địa bàn ấp 6, xã Thạnh Phú có các anh LVG (36 tuổi), NVB (39 tuổi), DL (32 tuổi) cũng đã hiến thận. Mới nhất là trường hợp anh HVTr (45 tuổi), hiến thận hồi tháng 1-2014. Anh Tr. đã đồng ý giãi bày câu chuyện hiến thận của mình.
Một trường hợp hiến-ghép thận tại BV 115. Ảnh: TÙNG SƠN
Theo lời anh Tr., do cuộc sống gia đình khó khăn, hai vợ chồng với một mụn con gái mà không có đất đai canh tác nên có thời gian anh đi làm thuê làm mướn ở TP.HCM. Ở đây anh có quen biết một người đang cần người hiến thận cho người thân với lời hứa sẽ bồi dưỡng cho người hiến. “Cuộc sống khó khăn, nợ nần nên tôi gật đầu ưng thuận khi được ngỏ lời” - anh Tr. nói. Theo lời kể, sau khi anh Tr. ưng thuận, mọi chi phí ăn ở tại TP.HCM để thực hiện các xét nghiệm và thủ tục cần thiết cho việc hiến thận đều có người lo. Tháng 1-2014, anh vào BV 115 ở TP.HCM để thực hiện ca mổ cắt một quả thận. Nằm dưỡng ở bệnh viện khoảng một tuần rồi ra về, anh Tr. được nhận 120 triệu đồng gọi là bồi dưỡng. Cũng theo lời anh Tr., thời gian anh nằm dưỡng sức sau khi hiến thận đều có người chăm sóc và khi ra về, họ còn dặn anh tìm người hiến thận tiếp. “Nói thiệt, giờ có cho vàng, có tiền tỉ tôi cũng nhất quyết không đồng ý. Giờ thấy sức khỏe suy quá, công chuyện nặng nhọc giờ làm không nổi, không như hồi chưa hiến thận. Nghĩ lại chuyện vừa mới đây như chớp mắt mà thấy hối hận quá chừng” - anh Tr. bộc bạch.
Khoản tiền 120 triệu đồng có được sau khi hiến thận, anh Tr. mang trang trải nợ nần. Hiện còn dư vài chục triệu, sắp tới anh Tr. sẽ sửa lại ngôi nhà cho đàng hoàng rồi bắt đầu xoay xở kế sinh nhai…
Một người dân địa phương cho biết trước đó em rể anh Tr. là anh NNB (41 tuổi) cũng đã đi TP.HCM hiến thận và được bồi dưỡng 100 triệu đồng nhưng hiện ông B. rời địa phương đi đâu không rõ. Cán bộ ấp 6 cho biết ông B. là người nơi khác đến tạm trú trên địa bàn và làm nghề tự do, rày đây mai đó...
Sau khi hiến thận, hoàn cảnh khó khăn của anh DL cũng chẳng khấm khá gì hơn, cộng thêm sức khỏe sa sút, trở thành gánh nặng cho gia đình nên đã nghèo lại càng thêm nghèo. Trong khi đó, gia đình anh LVG chỉ biết khi chính quyền thông tin là anh này làm đơn nhờ chứng nhận để đi hiến cho người thân. Người thân của LVG thì cho biết gia đình không có ai bị bệnh thận phải phẫu thuật thay ghép thận… Sau khi ăn tết cùng gia đình, G. biệt vô âm tín.
Công an khẳng định không có đường dây mua bán thận
Theo báo cáo của Công an huyện Cờ Đỏ, các trường hợp trên địa bàn đều làm hồ sơ, thủ tục tự nguyện hiến, tặng thận rồi đến bệnh viện tiến hành các thủ tục cắt, ghép. Địa điểm hiến thận là tại BV 115 TP.HCM. Sau khi hiến thận xong, những người hiến được những người nhận “trả” 120 triệu đồng. Công an huyện Cờ Đỏ cho rằng theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người thì “những công dân đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình”. Thêm nữa, Bộ luật Hình sự không quy định tội danh này, do đó các trường hợp lập hồ sơ thủ tục tự nguyện hiến, tặng thận thì không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều người dân “tự nguyện” hiến thận như thế, Công an huyện Cờ Đỏ đang tiếp tục chỉ đạo lực lượng để nắm thông tin liên quan đến vụ việc. Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM trưa 8-4, Thượng tá Lê Văn Thơ - Trưởng Công an huyện Cờ Đỏ cho biết: “Qua xác minh, công an chưa phát hiện trường hợp vận động bán thận để hưởng hoa hồng hoặc liên quan đến tổ chức nước ngoài hay đường dây mua bán thận. Tuy nhiên, việc mất đi quả thận đã để lại tình trạng sức khỏe yếu kém, không còn khả năng lao động… Phía công an đã báo cáo lên trên cũng như thông báo chính quyền địa phương để tuyên truyền cho người dân hiểu cặn kẽ để tránh những hậu quả suy giảm sức khỏe, khả năng lao động”.
GIA TUỆ
BS TẠ PHƯƠNG DUNG, Trưởng khối Niệu-Ghép thận, BV 115 TP.HCM: Hiếm có ai hiến thận xong chịu tái khám Sau khi lấy thận, người nhận và người cho đều phải được chăm sóc, theo dõi hằng ngày để xem có biến động về huyết áp, nước tiểu và các chỉ số xét nghiệm khác. Người cho phải được kiểm tra sau một tháng, ba tháng, sáu tháng và một năm kiểm tra định kỳ/lần… Ở BV 115, sau khi bệnh nhân ra viện, chúng tôi cho họ một bản chỉ số để người cho/nhận theo dõi tái khám. Nhìn chung người nhận thì thăm khám thường xuyên, còn người hiến thận chỉ có một ca quay trở lại khám nhưng là khám… dạ dày. Ngay cả việc hiến thận được mua BHYT miễn phí nhưng hiện chỉ có chuyện người nhận thận mua tặng lại người cho. Trên lý thuyết, người cho thận không có vấn đề gì sức khỏe về sau, làm việc vẫn bình thường. Tuy nhiên, người cho thận không nên làm những việc có thể gây chấn thương vùng thận hoặc làm việc nặng. Ngoài ra, nếu ăn uống không khoa học, như ăn mặn quá thì sẽ phát sinh bệnh khác. Do vậy những người cho-hiến thận cần phải suy nghĩ thật kỹ. Sau khi cho phải sinh hoạt, ăn uống điều độ hơn. Không ăn quá mặn, cân bằng giữa thịt, rau, củ, quả… Nếu người cho thận về bảo mình yếu hơn thì cần phải đi xem là yếu về tâm lý hay thực thể để điều trị đúng. DUY TÍNH ghi |