GS-TS Trần Ngọc Sinh, hiện là Chủ tịch Hội Niệu thận học TP.HCM, Trưởng bộ môn Tiết niệu ĐH Y Dược TP.HCM và nguyên Trưởng khoa Ngoại tiết niệu BV Chợ Rẫy. Ông là người đã chủ trì thực hiện hơn 350 ca ghép thận. Trao đổi với PV, ông nêu ra những cảnh báo về tình trạng mua bán thận trá hình.
Không thể dùng cái hữu hạn để mua cái vô giá
. Phóng viên: Thưa giáo sư, việc năm anh em ruột ở Vĩnh Long chỉ còn một quả thận sau khi đi hiến ở BV 115 về khiến ông nghĩ gì?
. Tăng nguồn hiến tạng bằng cách nào? Và quan điểm của ông về việc mua bán tạng ra sao, thưa ông?
+ Theo tôi, xã hội cần nỗ lực nâng cao nhận thức, ý thức hiến tạng nhân đạo trong dân chúng để tăng nguồn hiến vốn rất tiềm tàng. Tạng từ người hiến tặng là quà tặng cuộc sống vô giá cho nên biến nó thành quà tặng thông thường có thể mua bằng cái hữu hạn là tiền thì sẽ gây nhiều bất ổn.
Tình trạng mua bán thận có thể làm hỏng tâm lý hiến tạng nhân đạo, ảnh hưởng dây chuyền các vấn đề xã hội khác kể cả vấn đề lớn hơn là chính trị. Phải ngăn chặn buôn bán tạng dưới mọi hình thức để hạn chế phát sinh tệ nạn xã hội. Vì vậy, cần cổ vũ và nuôi dưỡng việc hiến tạng nhân đạo không vụ lợi, đây phải là khuynh hướng chính thống trong hiến tạng. Ba tiêu chí pháp lý, xã hội và y khoa cần sự đồng lòng chung tay của các trung tâm ghép tạng; cần sự khẳng định thái độ của lãnh đạo ngành nêu cao nguyên tắc hiến tạng nhân đạo; Nhà nước hay một cơ quan nhân đạo không lợi nhuận đứng ra bảo đảm chi phí hoạt động và quyền lợi người hiến tạng.
Một trường hợp đang được chăm sóc sau ghép thận tại BV Nhân dân 115. (Ảnh do BV cung cấp)
Đừng gắn giải quyết khó khăn kinh tế vào việc hiến tạng
. Có mâu thuẫn giữa hiến tạng nhân đạo và buôn bán tạng không thưa giáo sư, khi nguồn cung rất khan hiếm? Một số người cho rằng đằng nào cũng là hiến, một khoản đền bù tuy không đáng nhưng giải quyết những khó khăn đời sống của người cho tạng, cứu mạng bệnh nhân. Không có hành động này người bệnh sẽ chết trong thời gian chờ vì không có tạng?
+ Không thể lấy cứu cánh để biện minh cho phương tiện. Thương mại có lợi nhuận trên tạng phủ người sống là mâu thuẫn với những giá trị con người và đi ngược lại với Tuyên ngôn toàn cầu về nhân quyền và tinh thần của Tổ chức Y tế Thế giới. Không thể nào định giá các bộ phận, tạng người bằng tiền.
Thực chất, người cho tạng bị bóc lột, lừa gạt, xúc phạm nhân phẩm khi bán đi phần thân thể của mình. Không có ghép tạng thì những khó khăn kinh tế của các cá nhân trong xã hội vẫn tồn tại, do đó đừng gắn việc giải quyết khó khăn kinh tế vào việc hiến tạng.
Người cho thận có thể dẫn đến tử vong do mổ, trường hợp Tô Công Luân như dư luận đã biết. Trách nhiệm lúc đó không chỉ là của họ, mà là ngành y tế. Với suy thận, nếu không ghép được bệnh nhân có thể lọc máu mà, có chết đâu. Đành rằng ghép thận chất lượng sống tốt hơn nhưng việc hiến tạng để nhận tiền chắc chắn dẫn đến nhiều tệ nạn. Tôi vẫn giữ quan điểm mua bán tạng là biểu hiện của sa sút về đạo đức và lòng vị tha, nhân đạo. Người có tiền bóc lột thân xác người không tiền. Ngày xưa Thúy Kiều bán mình chuộc cha chưa phải là bán tạng đã gây bao bi thương và trở thành biểu tượng để kêu gọi cho đạo đức và các giá trị tốt đẹp kia mà!
. BV Chợ Rẫy có tiêu chí nào riêng của mình để chống các cuộc mua bán tạng dưới danh nghĩa hiến tặng?
+ 350 ca ghép thận do tôi chủ trì đều do tôi trực tiếp phỏng vấn và quyết định thực hiện hay không. Tiêu chí pháp luật có quy định nhưng tôi không còn tin vào giấy chứng nhận của địa phương từ lâu rồi. Tiêu chí ý khoa cũng đã quy định rất rõ. Càng về sau này thận của người không cùng huyết thống cũng có thể ghép. Nói nôm na các tiêu chí y khoa thỏa mãn càng nhiều thì thuốc uống cũng như nguy cơ về sau càng ít. Còn lại là tiêu chí xã hội. Tiêu chí này chịu sự chi phối của đạo đức là chủ yếu. Các trường hợp cùng huyết thống trong phạm vi ba đời là dễ thẩm định, ông bà cho cháu, cha cho con, anh cho em, anh em cô cậu chú bác cho nhau. Còn các đối tượng khác, họ phải chứng minh được là không phải mua bán. Như vừa rồi chúng tôi đã ghép thận của một ni cô hiến cho đệ tử của mình.
Vì sao không tin vào “giấy chứng nhận”?
. Vì sao giáo sư không tin vào chứng nhận của địa phương về việc “tự nguyện hiến tặng” của người cho?
+ Trước đây có một trường hợp “hiến tặng tự nguyện” của một cặp “chị em chú bác ruột” có giấy chứng nhận của địa phương đàng hoàng. Tuy nhiên, sau khi gây mê xong, chúng tôi nhận được tin báo từ Sa Đéc. Mọi thứ ngưng lại hết. Thực chất là người cho bán thận mình với giá 3.000 USD nhưng lại không cho tiền má mình. Bà má này tức giận, đi thưa kiện. Qua đó cũng lộ ra luôn là hai bên cho-nhận cũng không có quan hệ họ hàng gì. Từ đó chúng tôi chỉ tin vào những kiểm tra của mình mà thôi. Người bác sĩ có quyền từ chối thực hiện nếu biết hay nghi ngờ đó là hành vi mua bán, vi phạm pháp luật.
. Các nguy cơ sau ghép là gì thưa giáo sư, đặc biệt là những người chỉ còn một quả thận trong người?
+ Tuổi thọ trung bình của một trái thận ghép là 10 năm. Người sau ghép dĩ nhiên là cần khám định và uống thuốc theo chỉ dẫn nghiêm ngặt của bác sĩ. Người bình thường có hai quả thận, mỗi quả có khoảng 1 triệu đơn vị thận và người ta có thể sống với 30% số đơn vị thận đó. Do đó nếu còn một trái thận, phụ nữ vẫn có thể có con và sinh đẻ bình thường. Dĩ nhiên, làm một người bình thường như ông trời tạo vẫn là tốt nhất. Biết mình chỉ còn một trái thận thì việc khám định kỳ là cần thiết, ví dụ khi bị sỏi thận, phải chữa trị sớm. Cũng vì còn chỉ một trái thận nên tránh chấn thương thận là điều dễ hiểu. Trước khi hiến, người cho cần được khám kỹ và tuổi đời không nên quá trẻ.
. Và điều sau cùng giáo sư muôn nói là gì?
+ Tất cả người hiến tạng theo luật định là được bảo hiểm miễn phí trọn đời 100%. Tuy nhiên, Bộ Y tế và BHYT chưa có quy định cụ thể về việc này. Từ đó phát sinh việc có người hiến tạng với thành tâm thật sự, không cần biết người nhận là ai lại phải tốn thêm chi phí phẫu thuật tách phần tạng để hiến. Vì lòng tốt, vừa cho đi nội tạng vừa phải tốn tiền rõ ràng là càng làm teo tóp nguồn cung.
. Xin cảm ơn ông.
GIA HÒA thực hiện