Thời gian qua, công an các địa phương liên tiếp triệt phá các vụ án liên quan đến việc mua bán dữ liệu cá nhân. Cùng với sự phát triển công nghệ, loại tội phạm mới này đang tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho những người bị lộ, lọt thông tin.
Mua bán dữ liệu, thu lời “khủng”
Hôm 3-7, Công an tỉnh Hải Dương khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Khiết (35 tuổi, người địa phương) để điều tra hành vi mua bán trái phép thông tin cá nhân người khác.
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ án liên quan đến việc mua bán dữ liệu cá nhân. |
Theo điều tra ban đầu, khoảng tháng 4-2020, Khiết truy cập mạng xã hội Facebook, thấy một số bài đăng trên các nhóm quảng cáo về việc mua bán thông tin của các khách hàng vay tiền của các tổ chức tài chính. Nhận thấy có thể kiếm lợi nhuận, Khiết tìm hiểu, mua dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng của các tổ chức tài chính như Mirae Asset, Mcredit... rồi đăng bán lại trên các nhóm Facebook.
Người có nhu cầu mua thông tin sẽ liên hệ với Khiết qua ứng dụng mạng xã hội Zalo, Viber rồi thanh toán bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Khiết cũng sẽ gửi file dữ liệu thông tin cá nhân cho người mua qua Zalo, Viber. Tính đến thời điểm bị phát hiện, Khiết đã thực hiện việc thu thập, bán khoảng hơn 4.000 file, trong đó chứa gần 15 triệu thông tin cá nhân khách hàng, thu lợi bất chính hơn 500 triệu đồng.
Trước đó, Vũ Đức Tính, Dương Gia Hà và Vũ Đức Tình (tuổi từ 29 đến 34) bị Công an huyện Thanh Trì, TP Hà Nội điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Nhóm này đặt mua CMND, giấy phép lái xe giả, đứng tên nhiều người khác nhau nhưng đều dán ảnh của một người, sau đó đến ngân hàng để mở tài khoản, thực hiện hành vi trái pháp luật.
Hay như hồi tháng 5, Công an huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình tạm giữ Hoàng Ngọc Giáp (27 tuổi), Trần Văn Tình (29 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc Bích (21 tuổi), cùng trú trên địa bàn, để điều tra về hành vi mua bán dữ liệu thông tin cá nhân.
Cảnh sát cho biết nhóm này thu thập thông tin dữ liệu cá nhân của hơn 100 người trên địa bàn huyện Kim Sơn bằng cách yêu cầu họ chụp ảnh chân dung và CCCD. Sau đó, các nghi phạm chuyển dữ liệu thu thập được cho người nước ngoài qua ứng dụng Telegram, hưởng lợi gần 80 triệu đồng.
Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua CCCD/CMND hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng.
Cảnh báo từ Bộ Công an
Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết thời gian qua xuất hiện tình trạng thu thập dữ liệu cá nhân bằng việc đánh cắp thông tin, xin chụp ảnh chân dung/CCCD/CMND hoặc thuê,mua tài khoản ngân hàng. Có được dữ liệu, các đối tượng sẽ bán thông tin cho người khác (kể cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội như làm giấy tờ giả, chuyển tiền phi pháp, giả mạo hoặc giả danh lừa đảo…
Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua CCCD/CMND hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng. Đồng thời, không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD/CMND hoặc tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội.
Người dân cũng cần lưu ý không cung cấp thông tin CCCD/CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Trường hợp bị mất CCCD/CMND cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ.
Khi bị kẻ xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin CCCD/CMND để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ. Trường hợp nghi ngờ, phát hiện số CCCD/CMND của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao trả sau, người dân cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao.
“Nếu phát hiện đối tượng mượn, chụp, thuê CCCD/CMND; mời chào cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng, người dân cần tố giác và cung cấp ngay tài liệu, chứng cứ đến cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật” - Cục Cảnh sát hình sự lưu ý.
Mua đi bán lại nhiều lần
Năm 2020, trong lần lấy ý kiến để xây dựng nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Công an cho biết việc mua bán dữ liệu cá nhân được thực hiện theo hai hình thức chính.
Một là, các doanh nghiệp, công ty kinh doanh, dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác. Hai là, các doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán.
Việc buôn bán dữ liệu cá nhân diễn ra dưới cả dạng thô và dạng đã qua xử lý, được mua đi bán lại nhiều lần. Qua rà soát sơ bộ, Bộ Công an phát hiện hơn 60 tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.