Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu chơi pháo hoa của người dân tăng cao. Nắm bắt thời cơ này, nhiều cá nhân đã bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện hành vi mua bán pháo trên mạng để kiếm lời.
Chỉ cần gõ cụm từ “pháo hoa”, “pháo Tết” vào công cụ tìm kiếm của các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok là hàng loạt trang fanpage, hội nhóm bán pháo lập tức xuất hiện.
Các trang, hội nhóm này thu hút hàng chục ngàn người theo dõi và tham gia nhằm mục đích giao dịch mua bán các loại pháo trái phép.
Muốn mua pháo loại nào cũng có
Theo ghi nhận của PV, mỗi ngày, ở các trang, hội nhóm trên mạng xã hội đều xuất hiện những bài viết, bình luận quảng cáo bán pháo. Để tăng độ tin cậy cũng như thu hút khách hàng, những bài quảng cáo được giới thiệu một cách rất kêu như: Bao kiểm tra hàng, xuất hóa đơn cho người mua, không cần tiền cọc, cung cấp đầy đủ các loại pháo…
Các hội nhóm này hoạt động rất sôi nổi, một số tài khoản trên hội nhóm còn công khai để lại số điện thoại để người mua liên hệ. Thậm chí, một số tài khoản có công khai giá niêm yết cho mỗi loại pháo trên bài viết của mình.
Theo quan sát của PV, một chủ tài khoản có tên Phú Ngọc đã thông tin trong bài viết bán pháo của mình: Hàng pháo Tết 2024, 36 quả 850.000 đồng, 49 quả 1,4 triệu đồng, 100 quả 1,9 triệu đồng; trứng to 4 in 1 quả 350.000 đồng, trứng nhỏ 18.000 đồng; pháo bi loại cỡ vừa 700.000 đồng/túi; bánh cuộn 5 m giá 1 triệu đồng, bánh cuộn 3 m giá 700.000 đồng.
Trong vai người mua, PV tiếp cận một tài khoản có tên Sáng Kiến, người này cho biết hiện tại các loại pháo đang bị cháy hàng nên chỉ bán hai loại là pháo dàn 49 viên và pháo banh (bi). Trong đó, pháo dàn có giá 1,2 triệu đồng và pháo banh mỗi bịch 100 trái có giá 800.000 đồng.
Người này giới thiệu rằng do nhập pháo từ nước ngoài về nên pháo sẽ bắn được cao và lớn hơn so với pháo sản xuất ở Việt Nam. Người này còn gửi cho PV một video quay lại cảnh bắn pháo để tăng độ uy tín cho việc bán hàng của mình.
Cá nhân không được phép kinh doanh pháo
Trao đổi với PV, luật sư Phan Mậu Ninh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu chơi pháo hoa của người dân tăng cao, nhiều cá nhân đã dùng nhiều cách để mua bán pháo để kiếm lời.
Tuy nhiên, theo Điều 14 Nghị định 137/2020, chỉ có tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Đồng thời phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó với sự cố và bảo vệ môi trường.
Do đó, các cá nhân không được phép kinh doanh pháo, kể cả pháo của Bộ Quốc phòng sản xuất. Việc cá nhân quảng cáo, giới thiệu, mua bán pháo qua mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi mua bán pháo trái phép.
“Hiện nay, chỉ có hai doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được cấp phép kinh doanh pháo hoa, đó là Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) và Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (Tổng Công ty GAET).
Nếu người dân có nhu cầu mua pháo hoa, cần tìm đúng các cửa hàng và đại lý ủy quyền có niêm yết danh sách rõ ràng. Khi mua pháo hoa, người dân nên giữ lại hóa đơn để xuất trình khi có cơ quan chức năng kiểm tra” - luật sư Ninh nói.
Luật sư Ninh cũng cho biết thêm đến thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn còn chưa phân biệt được giữa pháo hoa và pháo nổ. Tưởng chừng đều là pháo giống nhau và đều được pháp luật cho phép sử dụng, thế nhưng theo quy định, pháo hoa mới là loại được phép sử dụng, còn pháo nổ thì tuyệt đối không.
Bên cạnh đó, không phải bất kỳ đối tượng nào cũng có thể sử dụng pháo hoa, theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137/2020, chỉ có cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới được sử dụng pháo hoa.
Hơn nữa, pháo hoa chỉ được sử dụng trong các trường hợp: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa đã nêu như trên.
Phân biệt pháo hoa và pháo nổ
Căn cứ Điều 3 Nghị định 137/2020, pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa.
“Pháo nổ” là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
“Pháo hoa nổ” tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.
“Pháo hoa” là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Luật sư PHAN MẬU NINH, Đoàn Luật sư TP.HCM