Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng loạt bài điều tra “Thâm nhập đường dây mua bán thận tại TP.HCM”, công an đã bắt giữ nhiều người và đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
“Việc mua bán thận nói riêng, mua bán tạng người sống nói chung là thực tế đã và đang xảy ra, gây nhiều hệ lụy nguy hiểm, sẽ khó để chấm dứt triệt để nếu không thay đổi cơ chế, chính sách, luật pháp về vấn đề này” - PGS-TS-BS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, nói.
. Phóng viên: Nhiều đường dây mua bán tạng đã bị phanh phui, mới nhất là đường dây mua bán thận ở TP.HCM mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh. Phải chăng đang có thị trường ngầm về việc mua bán tạng, thưa ông?
+ PGS-TS-BS Đồng Văn Hệ: Chính xác là như vậy! Đây không phải là vấn đề mới mà thiệt thòi vẫn là “người hiến” và “người được hiến”. “Người hiến” phải bán tạng của mình, còn “người được hiến” thì phải mua với giá rất cao.
Vấn đề cũ nhưng không thể bỏ mặc. Chúng ta phải tìm giải pháp mới, đi vào gốc rễ của vấn đề là làm sao tìm được nguồn hiến tạng từ người chết não, chết tim - một nguồn hợp lý, an toàn, không ảnh hưởng đến người hiến.
Nếu không thể mở rộng nguồn này, thị trường mua bán tạng vẫn tiếp diễn bởi cung - cầu có sự chênh lệch quá lớn.
. Vậy thực trạng nguồn tạng hiến từ người chết não đang như thế nào?
+ Tỉ lệ tạng hiến từ người chết não hiện quá ít, chiếm 4%-5% tổng số tạng hiến.
Người được xác định là chết não sẽ chết trong vòng vài ngày. Tạng của người chết não, ở các nước phát triển có thể hiến cho 7-8 người, còn ở Việt Nam thì tối đa là 4-5 người, trung bình là 3 người.
Từ rất nhiều năm nay, Việt Nam đã có kỹ thuật chẩn đoán chết não, lấy được tạng của người chết não để ghép cho người cần. Nhưng cũng từ rất nhiều năm nay, số lượng người chết não hiến tạng chỉ xấp xỉ 10 người/năm. Tức là chỉ có vài chục người được cứu từ nguồn này.
Trong khi đó, lượng người chết não mỗi ngày rất lớn do tai nạn, gặp rủi ro… Ở BV Việt Đức, mỗi năm có hàng ngàn ca nhưng tỉ lệ người hiến cũng không cao.
. Vì sao số tạng hiến từ nguồn chết não lại thấp như vậy, thưa giáo sư?
+ Hiện nhiều gia đình của những bệnh nhân chết não chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc hiến tạng và luôn có mong muốn để người thân được chết toàn thây. Điều này liên quan đến vấn đề tâm linh, nhận thức của người Việt.
Bộ Y tế vào cuộc vụ mua bán thận ở TP.HCM
Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho biết trước nhiều thông tin phản ánh về nạn mua bán thận, cò mồi ghép thận, cục đã có văn bản đề nghị giám đốc các BV, giám đốc các sở Y tế, thủ trưởng y tế các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đối với các cơ sở khám chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời nếu có sai phạm.
. Ngoài vấn đề nhận thức, thấu hiểu của người dân, có nguyên nhân khác không?
+ Sau 17 năm thi hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì luật đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Bộ Y tế đang điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung để trình Quốc hội để sửa luật này và hy vọng sẽ đưa vào năm 2024. Nếu những bất cập trong luật hiện hành được xử lý sẽ góp phần giúp tăng số lượng tạng hiến từ người chết não.
Những bất cập ấy có thể kể đến như thời gian để xác định chết não, thành phần tham gia và quy trình chẩn đoán chết não, độ tuổi được đăng ký hiến tạng... Tuy nhiên, còn một yếu tố khác cực kỳ quan trọng khiến tỉ lệ ghép tạng từ người chết não không cao là do nhiều BV chưa có sự quan tâm đúng mực đến vấn đề này.
. Sự quan tâm chưa đúng mực ấy được thể hiện như thế nào, thưa giáo sư?
+ Tôi đã đi nhiều BV để giảng dạy, trao đổi, tư vấn để tăng cường nhận thức về việc hiến tạng từ người chết não. Bản thân lãnh đạo các BV có dành quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu nhưng việc họ có làm hết sức cho vấn đề này không thì cần phải xét một cách minh bạch, thấu đáo, biện chứng.
Toàn quốc có hơn 1.500 BV cả tư nhân và của Nhà nước, trong đó có khoảng 500 BV lớn điều trị bệnh nhân có nguy cơ chết não và có số liệu cụ thể về các trường hợp này. Thế nhưng mức độ quan tâm của các BV về việc thu thập tạng hiến từ người chết não là quá khiêm tốn: Chỉ có 25 BV đủ điều kiện để thực hiện các ca ghép tạng, nhiều cơ sở trong số 25 BV đó cũng chỉ quan tâm ở mức vừa phải.
Chưa hết, các cơ sở y tế hoạt động theo cơ chế tự chủ và có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều bệnh nhân phải điều trị nên họ ít dành thời gian để tiếp cận, tác động đến gia đình của người bệnh chết não để khuyến khích hiến tạng.
. Theo giáo sư, giải pháp cho vấn đề này là gì?
+ Tại các BV ở Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… lãnh đạo rất quan tâm đến vấn đề này. Họ có cơ chế cho người tham gia vào các công tác liên quan đến khuyến khích tạng hiến từ người chết não như đội ngũ tư vấn viên, bác sĩ chẩn đoán chết não, thu gom tạng, chăm sóc hồi sức tích cực cho người chết não...
Tại Việt Nam, các BV cần xây dựng một nhóm tư vấn chuyên nghiệp, được đào tạo và tái đào tạo liên tục để khi có bệnh nhân chết não, nhóm này sẽ tiếp cận, tác động đến gia đình của họ và cần coi đó là công việc hằng ngày của mình.
Về mặt tuyên truyền, lan tỏa ý nghĩa, giá trị của việc hiến tạng, các cơ quan truyền thông, báo chí đã làm rất tốt nhưng khó đo đếm là có bao nhiêu người thay đổi nhận thức về việc hiến tạng. Còn tại các BV, có bao nhiêu bệnh nhân chết não và gia đình người bệnh được tiếp cận, tư vấn, thay đổi nhận thức và đồng ý hiến tạng thì hoàn toàn có thể đo đếm được.
. Các hoạt động của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia trong việc giúp tăng nguồn tạng hiến từ người chết não là gì?
+ Chúng tôi đã xây dựng một mạng lưới toàn miền Bắc với 16 BV tham gia ban đầu, hiện đã tăng lên 30 BV, hoạt động nhằm tăng nguồn tạng hiến từ người chết não.
Sau sáu tháng, 16 BV ban đầu đã vận động được 13 trường hợp chết não hiến tạng. Cùng thời điểm, gần 500 BV còn lại trên toàn quốc ghi nhận 2 người chết não hiến tạng.
Nói vậy để hiểu được rằng chúng ta vẫn chưa tận dụng được nguồn tạng hiến từ người chết não.
Cũng trong hơn một năm gần đây, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã tổ chức đào tạo sáu lớp học liên quan đến vấn đề này, trong đó ba lớp dành cho tư vấn viên (tương đương với hơn 100 tư vấn viên) và ba lớp dành cho bác sĩ chẩn đoán chết não (tương đương với hơn 100 bác sĩ).
. Nhiều BV chưa có nhóm tư vấn chuyên nghiệp. Vậy tại BV Việt Đức, nơi giáo sư làm lãnh đạo thì thế nào, thưa giáo sư?
+ Mỗi năm BV Việt Đức thực hiện khoảng 250 ca ghép tạng, phần lớn tạng là từ người cho sống. Nhưng đây vẫn là cơ sở y tế có tỉ lệ người chết não hiến tạng cao nhất cả nước.
Tính từ năm 2010, khoảng 150 bệnh nhân chết não hiến tạng, 103 người trong số đó là của BV Việt Đức, chiếm gần 70%, tiếp đến là BV Chợ Rẫy.
Chúng tôi đã học tập mô hình nước ngoài từ sớm, có tổ tư vấn riêng, có quyết định thành lập, có chức năng nhiệm vụ rõ ràng cũng như cơ chế khuyến khích cho đội ngũ này.
. Phần lớn các ca ghép tạng đều lấy tạng từ người cho sống. Vậy theo giáo sư, có nên điều chỉnh hoặc siết chặt hơn các quy định liên quan đến việc hiến, lấy tạng từ người cho sống hay không?
+ Điều này cần phải cân nhắc rất kỹ. Nếu như làm chặt chẽ hơn hoặc cấm, có thể sẽ giảm được việc mua bán tạng.
Nhưng cần phải thừa nhận rằng nếu bệnh nhân không có thận để ghép, sống phụ thuộc vào lọc máu, có người phải lọc 3-4 lần/tuần, mỗi lần 4 tiếng và những ngày còn lại họ cũng không thể làm gì. Trong số này, tỉ lệ sống sau năm năm không quá 70%.
Trong khi đó, nhiều trường hợp được ghép tạng rất khỏe mạnh, chất lượng cuộc sống thay đổi hoàn toàn, tỉ lệ sống sau 20 năm kể từ khi được ghép cao hơn nhiều so với người lọc máu.
Việc siết chặt các quy định, không để lọt lưới những đối tượng môi giới mua bán tạng là rất tốt. Nhưng gốc rễ của vấn đề không phải ở đó.
Quan trọng nhất là phải tạo được nguồn tạng hiến từ người chết não, chết tim bởi nhu cầu được ghép tạng là rất lớn, danh sách mà Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đang quản lý rất dài.
Khi nguồn tạng quá ít sẽ luôn có người tìm mọi cách để có tạng từ nguồn khác. Đây là logic không thể tránh được.
. Một đề xuất của giáo sư để mở rộng được nguồn tạng hiến từ người chết não, chết tim là gì?
+ Theo tôi, rất cần có quy định đối với tất cả BV điều trị bệnh nhân nặng có nguy cơ chết não. Yêu cầu các đơn vị tham gia vào quá trình vận động hiến tạng, thành lập tổ tư vấn, cử người trực tiếp tham gia vào quy trình và có cơ chế khuyến khích cho họ, có báo cáo cụ thể với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia…
Tại các BV đều kiểm soát được số liệu về bệnh nhân chết não, nếu có tổ tư vấn, vậy tổ tư vấn có tiếp cận được những người này hay không? Thậm chí trong trường hợp có người chết não và gia đình được tiếp cận được, tư vấn nhưng không đồng ý hiến cũng cần ghi chép và báo cáo lại để rút kinh nghiệm, tìm phương án can thiệp...
. Hàng chục, thậm chí hàng trăm ca ghép tạng dưới vỏ bọc “nhân đạo” lọt qua các vòng kiểm tra tại các BV để lên bàn mổ và đằng sau là những giao dịch hàng tỉ đồng. Suy nghĩ của giáo sư về vấn đề này như thế nào?
+ Tôi nghĩ phần lớn các BV đều thực hiện đúng, đủ các bước trong quy trình theo đúng quy định của Bộ Y tế trước khi thực hiện một ca ghép tạng.
Đối với tất cả trường hợp, chỉ cần có nghi ngờ chứ không cần phải chắc chắn về tính hợp pháp, quan hệ huyết thống… các BV sẽ dừng thực hiện ca ghép. Vấn đề này liên quan đến pháp luật, các BV sẽ luôn cảnh giác. Tuy nhiên, chắc chắn vẫn có những trường hợp “phù phép”, làm giả giấy tờ rất tinh vi khiến các bác sĩ và đội ngũ bị qua mặt, không thể phát hiện.
Ở Hà Nội, từng có BV vô tình bị qua mặt. Khi cơ quan luật pháp tìm hiểu, điều tra, BV này đã bị đình chỉ việc ghép tạng suốt mấy năm nay, ảnh hưởng đến cả một hệ thống chứ không chỉ là chuyện 2-3 người làm sai. Do vậy, tôi nghĩ các BV đều hiểu rất rõ tính nghiêm trọng của vấn đề này..
. Xin cảm ơn giáo sư.
**********
. Việc vận động hiến tạng chết não và ngừng tuần hoàn nên đưa vào nội dung giáo dục cho toàn xã hội, bên cạnh việc chống buôn bán tạng phủ.
Ca ghép thận thành công đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 2-6-1992. Đến tháng 9-2022, tổng số người được ghép thận đến nay là hơn 7.000. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều người có chỉ định ghép thận nhưng số người hiến thận quá ít. Do vậy đã xảy ra tình trạng mua bán thận.
Tình trạng mua bán tạng, kể cả thận ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Một số nhà quản lý “làm ngơ” hoặc hợp pháp hóa kiểu “lách luật”. Thậm chí không ít trường hợp nhờ tôi giới thiệu người mua thận, người bán thận nhưng tôi từ chối.
Có một nghịch lý về nguồn hiến tạng, kể cả thận, đang xảy ra ở nước ta. Hiện 95% ca ghép tạng ở Việt Nam được tiến hành từ người cho sống, chỉ có 5% ca ghép từ người cho chết não. Điều này đi ngược với xu hướng chung của toàn thế giới khi mà nhiều nước đa phần ca ghép tạng là từ người cho chết não.
Việt Nam hiện có ba hình thức ghép tạng nói chung và thận nói riêng. Đầu tiên là ghép từ người hiến còn sống (thận và một số ít gan, phổi). Điều này dễ dẫn đến tệ nạn mua bán tạng.
Thứ hai là ghép từ người hiến chết não. Điều này sẽ ngăn chặn tệ nạn mua bán tạng.
Thứ ba là ghép từ người hiến chết tuần hoàn. Đây là nguồn hiến đầy tiềm năng, cần phổ biến và phát triển.
Để có đủ tạng nói chung và thận nói riêng ghép cho người có nhu cầu, Việt Nam cần có một chiến lược ghép tạng. Trong đó, cần phát triển hình thức ghép từ người hiến chết não (tất cả tạng, mô, bộ phận khác).
Bình quân mỗi năm Việt Nam có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Trong số này, nếu có 500 người hiến thận thì sẽ có 1.000 người được ghép. Muốn đạt được con số này, cần có chiến lược vận động công chúng hiến tạng. Bên cạnh đó, tiến đến điều khoản sửa đổi trong luật: “Ai không làm văn bản từ chối hiến tạng xem như đã đồng ý hiến tạng (sau 1-2 thế hệ)”.
Một chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới từng nói: “Đồng ý hiến tạng sau khi chết là kết quả của nền giáo dục. Làm được những điều nói trên thì tình trạng mua bán thận sẽ chấm dứt”.
Chiến lược làm tăng số người hiến tạng ở Việt Nam là tận dụng nguồn hiến từ người chết não và ngừng tuần hoàn. Do vậy, cần đưa việc vận động hiến tạng chết não và ngừng tuần hoàn thành một trong những nội dung giáo dục cho toàn xã hội bên cạnh việc giáo dục ý thức chống buôn bán tạng phủ.
Thông qua hệ thống quản lý nhà nước, các ngành văn hóa, giáo dục, truyền thông… cần làm cho công chúng hiểu rằng tình nguyện hiến tạng khi chết giống như hiến máu nhân đạo.
Tổ chức Mạng lưới chia sẻ nội tạng Mỹ (UNOS) là một tổ chức khoa học và giáo dục phi lợi nhuận, có chức năng quản lý mạng lưới mua sắm và cấy ghép nội tạng duy nhất ở Mỹ.
Trong khuôn viên của UNOS có một bức tường khắc tên những người tình nguyện hiến tạng. Mục đích là để những người được nhận tạng luôn ghi nhớ người đã cứu mình thoát khỏi bệnh hiểm nghèo.
Đây cũng là cách để chúng ta suy nghĩ trong chiến lược sắp tới về lĩnh vực này.
GS-TS-BS TRẦN NGỌC SINH, Chủ tịch danh dự Hội Niệu - Thận học TP.HCM, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam