Mưa gió làm nhiều nhà ở miền Trung tốc mái, ngập sâu

Chiều 12-9, mưa lớn tiếp tục trên diện rộng tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị, theo dự báo, mưa vẫn tiếp diễn tại khu vực này đến ngày mai.

Công an, chính quyền UBND xã Phong Hải, huyện Phong Điền
(Thừa Thiên-Huế) hỗ trợ người dân lợp lại nhà. Ảnh: NGUYỄN DO

Nhiều nhà dân ở Đà Nẵng bị ngập sâu. Ảnh: BÙI TOÀN

Nhà bị tốc mái, nhiều người mất liên lạc trong rừng

Tại Thừa Thiên-Huế, có 29 nhà bị tốc mái, chủ yếu xảy ra tại huyện Phong Điền. Tại  Quảng Trị, có 50 nhà ở huyện Hải Lăng bị tốc mái. Lực lượng chức năng và người dân đã khẩn trương khắc phục.

Mưa gây ngập úng cục bộ ở Thừa Thiên-Huế và tỉnh này đã yêu cầu Nhà máy thủy điện A Lưới (huyện A Lưới) và thủy điện A Lin B1 (cụm hồ A Lin 3 - A Lin B1) vận hành điều tiết nước về hạ du.

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đình Bách, cho biết đã chỉ đạo cho rút người dân và công nhân làm việc ở thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, chỉ để lại các công nhân vận hành tại Nhà máy Rào Trăng 4.

Chiều 12-9, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, cho hay có 45 người dân các xã Thượng Quảng, Thượng Long, Hương Hữu, Hương Lộc, Thượng Lộ... vào rừng làm rẫy từ nhiều ngày trước vẫn đang ở trong rừng sâu và huyện chỉ mới liên lạc được với tám người, số còn lại vẫn chưa liên lạc được. Việc mất liên lạc trong rừng vào lúc mưa bão này khiến người nhà hết sức lo lắng vì năm trước, tình trạng sạt lở đã cướp đi nhiều nhân mạng. “Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Nam Đông đang phân công lực lượng công an xã phối hợp với các hộ gia đình để liên lạc và hướng dẫn cho những người này đến nơi tránh trú an toàn” - ông Phụng nói.

Còn tại TP Đà Nẵng, mưa lớn đã khiến nhiều nơi chìm trong nước. Tại các tổ 26, 27 (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), người dân phải thức thâu đêm để chống ngập. Nhiều nơi nước ngập sâu 1-1,2 m, nước tràn vào nhà dân khiến đồ đạc bị hư hỏng.

Còn tại phường Chính Gián, không những bị ngập mà nhiều nhà trọ bị thấm dột do xuống cấp. “Mọi năm chỉ xảy ra hiện tượng thấm dột, năm nay nước mưa chảy vào nhà nhiều quá, chỉ biết ngắt cầu dao tránh điện giật và mong cho trời ngớt mưa” - Song Nhi (22 tuổi, thuê một phòng trọ ở tổ 45) cho hay.

Trong ngày, Đà Nẵng đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện khắc phục thiệt hại do mưa gió gây ra trên địa bàn. Đặc biệt, lưu ý đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các điểm sơ tán, tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, các hồ chứa nước, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn khi có nước chảy xiết.

Mùa màng thiệt hại nặng, hai nhà dân bị vùi

Mưa gió cũng làm 25 căn nhà ở Quảng Ngãi bị tốc mái. Trong đó, huyện đảo Lý Sơn có 15 nhà, Trà Bồng chín nhà và Sơn Tịnh một nhà. Huyện Bình Sơn có 73 nhà bị ngập sâu trong nước.

Lũ làm 1.500 ha hoa màu, lúa, bắp… bị ngập úng, làm hư hỏng hơn 100 ha hành ở huyện Lý Sơn, một tàu bị chìm và nhiều hồ tôm bị thiệt hại. Nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi, đảo Lý Sơn, huyện Bình Sơn hư hỏng, cuốn trôi một cây cầu tạm. Nhiều tuyến đường và khu dân cư ở huyện Nghĩa Hành bị nước lũ chia cắt.

Cảnh sát biển 8002 cũng kịp cứu 18 người ở tỉnh này bị nạn trên biển.

Tương tự, tại Quảng Nam, để ứng phó với bão, tỉnh đã tổ chức sơ tán gần 3.000 hộ dân với hơn 9.000 nhân khẩu. Nước từ thượng nguồn đổ về chia cắt nhiều tuyến đường, cô lập nhiều hộ dân.

Ở xã Phước Thành (huyện Phước Sơn) có hai ngôi nhà bị vùi do sạt lở. Huyện Phước Sơn là nơi từng xảy ra các vụ sạt lở kinh hoàng diễn ra trong mùa mưa năm 2020.

Tại huyện Bắc Trà My, một số tuyến đường bị sạt lở, giao thông chia cắt, tuyến đường Trường Sơn Đông bị sạt lở, ô tô không qua được. Tuyến quốc lộ 40 B đi huyện Nam Trà My tắc đường tại ngầm Sông Trường.•

 

Áp thấp nhiệt đới gây đợt mưa lũ ở miền Trung

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ 4 giờ sáng 12-9, bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), nằm ngay trên vùng biển khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định và ít di chuyển. Đến tối, tâm ATNĐ vẫn ở ngoài biển nhưng vẫn duy trì sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do không có “dòng dẫn đường” nên ATNĐ vẫn nằm loanh quanh trên biển mà không vào bờ.

Giải thích về hiện tượng này, ông Khiêm nói: ATNĐ nằm trong sự chi phối phức tạp của ba hệ thống áp cao cận nhiệt đới, là các hệ thống “dòng dẫn đường” chi phối sự di chuyển của bão. Do áp cao ở phía bắc suy yếu và di chuyển về phía đông, trong khi áp cao ở phía đông và phía tây ổn định khiến cho bão hầu như ít dịch chuyển nhưng sau đó sẽ vào bờ khi bão Chanthu đi lên phía bắc, áp cao phía đông lấn về phía tây.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, đợt mưa này sẽ kéo dài từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, sau đó mở rộng ra phía Bắc Trung bộ.

Hôm nay (13-9), khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế có mưa to đến rất to. Ngày mai, mưa to đến rất to ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa.

Lũ trên các sông ở Quảng Ngãi đang xuống. Từ đêm 12 đến 14-9, trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động 1 - báo động 2.

Mưa lũ gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. A.HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới