T háng 2-2015, bà NHĐ (ngụ quận 8, TP.HCM) đã khởi kiện bà NTT (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) ra TAND quận Bình Tân, trình bày rằng vào ngày 12-7-2013 bà thỏa thuận mua chiếc Honda SH màu trắng đen của bà T. với giá 120 triệu đồng. Sau đó, bà đã thanh toán 100 triệu đồng tiền mặt và giao chiếc xe SYM Elizabeth màu đỏ (tương đương 20 triệu đồng) cho bà T. để nhận xe SH.
Mua trúng xe đục số khung, số máy
Khi mua bán, hai bên có lập giấy bán xe nhưng không công chứng. Hai bên cũng không làm thủ tục kiểm tra số khung, số máy, không làm thủ tục sang tên theo quy định. Bà T. chỉ giao cho bà Đ. giấy đăng ký của chiếc xe trên cùng hợp đồng ủy quyền có công chứng giữa bà T. với ông V. (chủ trước của chiếc xe, nội dung là ông V. ủy quyền cho bà T. được bán, tặng cho, thanh lý... chiếc xe SH nói trên).
Nhận xe, bà Đ. sử dụng đến 26-7-2013 thì chồng bà mượn chiếc xe nói đi công việc. Tuy nhiên, chồng bà lại đi đánh bạc và bị công an bắt, bị tạm giữ luôn chiếc xe.
Tháng 9-2014, TAND TP.HCM đã đưa vụ đánh bạc này ra xét xử. Tòa tuyên tịch thu chiếc xe SH nói trên với lý do xe đã bị đục số khung, số máy; không xác định được số khung, số máy nguyên thủy (xe gian). Vì vậy, bà Đ. khởi kiện yêu cầu TAND quận Bình Tân buộc bà T. phải trả lại 120 triệu đồng do bán xe không đúng đối tượng thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký xe theo thỏa thuận giữa hai bên.
Làm việc với tòa, bà T. thừa nhận có bán chiếc xe SH cho bà Đ. Sau khi nhận đủ tiền, bà đã giao bản chính giấy đăng ký xe cùng hợp đồng ủy quyền của chủ trước cho bà Đ. Chiếc xe trên do bà mua lại của ông V. ngày 1-7-2013 với giá 110 triệu đồng; khi mua hai bên cũng không lập thành văn bản, không kiểm tra tình trạng xe.
Bà T. không đồng ý trả tiền cho bà Đ., yêu cầu nếu bà Đ. cho rằng chiếc xe này không đúng đối tượng thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký xe thì bà Đ. phải giao trả lại xe, bà sẽ trả lại tiền.
Ông V. (chủ trước của chiếc xe) xác định sự việc như bà T. trình bày và cho biết ông mua lại chiếc xe này của người khác từ tháng 5-2013. Ông không nhớ họ tên, địa chỉ của người bán xe nhưng việc mua bán xe là hợp pháp. Hai bên có tiến hành kiểm tra tình trạng xe và lập thủ tục sang tên chủ sở hữu tại Công an quận Bình Tân...
Tòa sơ thẩm: Trả lại nửa số tiền
Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Tân nhận định TAND TP.HCM đã tịch thu chiếc xe SH trong vụ án hình sự nên không còn xe để đưa vào giải quyết trong vụ kiện này nữa.
Theo tòa, giao dịch giữa hai bên vô hiệu vì không công chứng, chứng thực, kiểm tra số khung, số máy, làm thủ tục sang tên. Xét về mức độ lỗi, hai bên mua bán chiếc xe máy là quyền tài sản, theo quy định thì bên bán có trách nhiệm chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, ngoài ra bên bán còn phải chịu rủi ro cho bên mua đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký. Ở đây, bà T. bán xe nhưng không công chứng, chứng thực, không làm thủ tục kiểm tra số khung, số máy, không làm thủ tục sang tên là không thực hiện đúng quy định tại Điều 440, Điều 449 BLDS.
Tuy nhiên, bà Đ. cũng có lỗi trong việc mua bán xe vì không yêu cầu bà T. làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo đúng quy định mà lại sử dụng khi chưa được đứng tên quyền sở hữu xe. Từ đó, tòa tuyên hủy “giấy bán xe”, buộc bà T. phải hoàn trả cho bà Đ. một nửa giá trị tiền của chiếc xe (60 triệu đồng).
Tòa phúc thẩm: Chờ giám định giấy tờ xe
Sau phiên xử, cả hai bên đương sự đều kháng cáo. VKS cũng kháng nghị, đề nghị TAND TP.HCM bác yêu cầu đòi tiền của bà Đ.
Tại phiên xử phúc thẩm mới đây của TAND TP.HCM, không ít lần bà T. nói “chắc gì chiếc xe SH tịch thu là xe tôi đã bán”. Bà khai chưa thấy chiếc xe từ ngày bị công an thu giữ. Cạnh đó, bà cũng không có lỗi trong việc không sang tên vì bà có yêu cầu bà Đ. làm nhưng bà Đ. không chịu...
Tòa phúc thẩm phân tích cho hai bên thấy lỗi của họ khi mua bán mà không làm thủ tục sang tên. Theo tòa, đúng là bà Đ. bị thiệt thòi khi mới mua xe được 11 ngày đã bị tịch thu, mất tiền mất của. Nhưng buộc bà T. bồi thường hết trong trường hợp này cũng không ổn. Mặt khác, khi hợp đồng vô hiệu thì đôi bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, trong khi hiện nay xe thì không có để giao lại cho bà T.
Sau khi tòa phúc thẩm phân tích, bà Đ. đồng ý lấy lại 60 triệu đồng nhưng bà T. cương quyết không chịu, nói “có hỗ trợ cao nhất cũng chỉ 10 triệu đồng”.
Cuối cùng, tòa phúc thẩm đã hoãn xử, chờ giám định giấy tờ xe để có thêm căn cứ giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
Rủi ro ai gánh? Về mặt pháp lý, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các luật sư Trần Đức Phượng, Đỗ Hải Bình và Nguyễn Sa Linh (đều là thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM) cùng có chung nhận định là việc nguyên đơn khởi kiện đòi bị đơn trả lại số tiền mua xe là chính xác vì đây là hợp đồng vô hiệu. Việc bị đơn yêu cầu nguyên đơn trả lại xe là không đúng bởi đó là xe gian, bị cấm giao dịch, bị đơn cũng không phải là chủ sở hữu hợp pháp theo quy định để được lấy lại. Rủi ro mà bị đơn gánh thì bị đơn có thể khởi kiện tiếp một vụ án khác để đòi người bán xe trước đó cho mình trả lại tiền... Luật sư Nguyễn Hữu Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì cho rằng bị đơn nên có yêu cầu ngay trong vụ kiện là người bán xe trước đó phải bồi thường cho mình vì bán xe không hợp pháp. Ngoài ra, cũng có một số ý kiến tán thành với cách giải quyết của tòa sơ thẩm là mỗi bên phải gánh một phần rủi ro. |