Ngày 6-12, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió đông tác động nên trong khoảng một tuần gần đây ở các tỉnh miền Trung liên tục xuất hiện mưa vừa, mưa to trên diện rộng.
“Dự báo trong khoảng thời gian từ nay đến hết ngày 8-12 ở khu vực Trung và Nam Trung bộ tiếp tục xuất hiện mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Trong đó khu vực có mưa to tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở vào đến Khánh Hòa với lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 200m. Dự báo sau ngày 8-12 không khí lạnh suy yếu, mưa ở các tỉnh miền Trung giảm dần” – ông Hưởng nói.
Lực lượng chức năng Thừa Thiên - Huế tìm kiếm người bị mất tích do bị lũ cuốn trong đợt mưa to những ngày đầu tháng 12. Ảnh: NGUYỄN DO |
Dự báo xa hơn, Trưởng phòng Dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng cho hay, khoảng thời gian từ nay đến hết năm 2022, vì đang là giai đoạn chính vụ của mùa Đông nên tần suất các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta sẽ nhiều hơn.
Dự báo tổng lượng mưa từ nay đến hết tháng 12-2022 ở khu vực Trung bộ phổ biến đều cao hơn so với trung bình nhiều năm, nên nhận định khả năng từ giờ đến hết năm 2022 vẫn có khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to.
Chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, theo trung bình khí hậu thì giai đoạn tháng 11 và tháng 12 vẫn là giai đoạn mùa mưa ở khu vực Trung bộ. Vì thế sự xuất hiện của các đợt mưa lớn diện rộng ở miền Trung trong giai đoạn này là không bất thường và đúng theo quy luật.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh cho thấy, thiên tai xảy ra từ ngày 2 đến 5-12 đã gây ra nhiều thiệt hại, trong đó thiệt hại nặng nhất tại Huế với 3 người chết. Các tỉnh khác như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên bị sạt lở nhiều đoạn đường giao thông.
Ngoài ra, mưa lớn cũng làm gần 3.000 ngôi nhà bị ngập, tập trung chủ yếu ở Thừa Thiên - Huế, hiện nước đã rút hết. Nhiều diện tích lúa, cây cảnh, hoa màu ở Quảng Nam bị thiệt hại.
Ở An Giang, thiên tai cũng làm 31 căn nhà sập và tốc mái. Vĩnh Long bị sạt lở đất bờ sông Cổ Chiên đoạn qua ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ làm mất 11 căn nhà cấp bốn và nhiều tài sản, vật dụng khác. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu khoảng 7 tỉ đồng. Địa phương đã cắm biển cảnh báo, không cho người dân đi vào khu vực nguy hiểm và tổ chức di dời 17 hộ dân/80 người trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn.