Bộ KH&ĐT vừa đề nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đồng thời báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án này.
Nhà nước góp vốn tối đa cho dự án
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án do UBND tỉnh Bình Phước trình, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài gần 128 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đắk Nông dài 27,8 km, đoạn qua tỉnh Bình Phước dài khoảng 99 km. Điểm đầu dự án giao với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) tại Km1915+900, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Căn cứ nhu cầu vận tải trên tuyến, chính quyền tỉnh Bình Phước đề xuất phân kỳ đầu tư dự án. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư bốn làn xe hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 24,75 m; riêng đoạn qua TP Đồng Xoài nền đường rộng 25,5 m. Tốc độ thiết kế toàn tuyến 100-120 km/giờ. Mặt bằng dự án sẽ giải phóng một lần theo quy hoạch được duyệt là sáu làn xe hoàn chỉnh.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.540 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 4.639 tỉ đồng, chi phí xây dựng là 16.470 tỉ đồng, còn lại là chi phí dự phòng, chi phí lãi vay…
Tỉnh Bình Phước đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, vốn nhà đầu tư 12.770 tỉ đồng, ngân sách nhà nước gần 12.770 tỉ đồng (ngân sách Trung ương 10.536 tỉ đồng, địa phương trên 2.233 tỉ đồng). Nếu được thông qua, cuối năm 2024 dự án sẽ khởi công và hoàn thành trong năm 2026. Thời gian thu phí hoàn vốn dự án là 18 năm 1 tháng.
Tuy nhiên, để triển khai dự án trên, tỉnh Bình Phước đề xuất cơ quan chức năng cho áp dụng cơ chế đặc thù. Cụ thể ở đây là chính sách chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường, tương tự đang áp dụng với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông…
Tỉnh nói mức phí phù hợp quy định, Bộ GTVT nói không
Góp ý cho dự án này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc địa phương kiến nghị tạm ứng tiền từ nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để bố trí vốn cho dự án là không phù hợp. Vì theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, nguồn vốn trên bổ sung cho địa phương phải “thực hiện đúng mục tiêu, không được chi cho mục đích khác”.
Về phần mình, Bộ GTVT đề nghị địa phương cần chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát kỹ để tính toán, dự báo nhu cầu vận tải đầy đủ cơ sở khoa học và bảo đảm độ tin cậy của kết quả dự báo. Trong đó, Bộ GTVT lưu ý cần cập nhật tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của các vùng; bổ sung phân tích việc phân chia lưu lượng với các tuyến đường theo quy hoạch có liên quan, bao gồm cả tuyến đường sắt.
Nếu được thông qua, cuối năm 2024 dự án sẽ khởi công và hoàn thành trong năm 2026. Thời gian thu phí hoàn vốn dự án là 18 năm 1 tháng.
Về mức giá khởi điểm của dự án là 2.250 đồng/PCU (đơn vị xe con quy đổi)/km và ba năm điều chỉnh giá một lần với mức tăng 15%, Bộ GTVT cho rằng mức giá này đang cao hơn so với quy định tại Thông tư 28/2021 của Bộ GTVT và cao hơn mức giá ở các dự án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, TP.HCM - Mộc Bài có quy mô tương tự.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu kỹ chỉ số giá, chính sách kiểm soát lạm phát, quy định pháp luật và các dự án có quy mô tương tự đã và đang triển khai, tính toán dự kiến cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên bày tỏ lo lắng về phương án cát đắp nền và cát xây dựng cho dự án. Bởi trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đang dự tính huy động tại chỗ các mỏ cát gần tuyến cao tốc đi qua. Tuy nhiên, lượng cát khu vực hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước không lớn, chiều rộng sông nhỏ, nếu quá trình thi công cần một khối lượng cát lớn trong thời gian ngắn có thể không đủ nguồn vật liệu cát cung cấp cho đường cao tốc.
“Vì vậy, báo cáo cần khảo sát nghiên cứu kỹ nguồn vật liệu cát cung cấp để thi công và tính tới phương án bổ sung nguồn cát từ địa phương khác…” - thứ trưởng Bộ TN&MT nêu ý kiến.
Giải trình một số vấn đề trên, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng mức giá khởi điểm của cao tốc đúng theo quy định của Bộ GTVT và tương đương với các dự án cao tốc đang được trình thông qua chủ trương đầu tư như Ninh Bình - Hải Phòng, TP.HCM - Mộc Bài. Còn lộ trình ba năm điều chỉnh phí một lần, với mức tăng 15% là tham khảo dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.
Về nguồn vốn góp Trung ương, chính quyền tỉnh Bình Phước cho rằng Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm cập nhật và có ý kiến cụ thể.•
Thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án
Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT với vai trò là chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước đã chủ trì thẩm định dự án này. Trong đó, hội đồng nhận định trong tổng nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án có 8.770 tỉ đồng sẽ được phân bổ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022. “Đây là số tiền chuyển từ kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư, giải ngân không hết được Bộ LĐ-TB&XH trả lại” - Bộ KH&ĐT cho hay.
Số tiền 1.500 tỉ đồng còn lại, hội đồng xác định sẽ bố trí trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở đó, 15/15 thành viên hội đồng đồng ý thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đồng thời đề xuất Chính phủ xem xét thông qua báo cáo này và trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư.