Muốn 'hợp tác điều tra', 1 phụ nữ mất 600 triệu đồng

Ngày 17-4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai cho biết vừa nhận đơn trình báo của chị H. (38 tuổi, trú phường Phù Đổng, TP Pleiku) tố giác bị một số người giả danh điều tra viên, kiểm sát viên để gọi điện lừa đảo.

Theo đơn trình báo, trưa 10-4, chị H. nhận được điện thoại của một nam giới tự xưng là điều tra viên đang thụ lý vụ án buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Người này nói chị có liên quan về hành vi rửa tiền.

Tiếp đó, “điều tra viên” nối máy cho một nhân vật xưng là viện trưởng VKSND Tối cao, nói với giọng gay gắt rằng nếu chị H. muốn không bị bắt tạm giam thì phải gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm vào một tài khoản để xác minh. “Nếu không có liên quan đến vụ án đang điều ra sẽ chuyển trả lại” - đầu dây bên kia nói.

Vừa lo lắng lại vừa muốn “hợp tác điều tra” để nhanh được minh oan, chị H. đã chuyển gần 600 triệu đồng vào hai tài khoản mở tại hai ngân hàng có phòng giao dịch tại TP Hà Nội.

Sau khi hoàn thành việc này, qua tìm hiểu thông tin các vụ việc tương tự, nạn nhân mới biết mình bị lừa.

 

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Tình trạng lừa đảo qua điện thoại là một thực tế đã xảy ra trên địa bàn cả nước nhưng trong đợt dịch COVID-19 thì phức tạp hơn. Nạn nhân là một bộ phận người dân chưa hiểu biết pháp luật, cá biệt có cả cán bộ nhà nước.

Nhiều trường hợp lừa đảo thành công vì các nhóm tội phạm đã sử dụng phần mềm giả số điện thoại của trung tâm bưu chính hoặc cơ quan nội chính để gọi đến. Nạn nhân nghe máy thì máy hiện tiếng nhạc tự động, y hệt trung tâm bưu chính viễn thông đang hướng dẫn bấm số bất kỳ để gặp tổng đài viên.

Thông thường, kịch bản sau đó là những số máy này báo nạn nhân có bưu phẩm ở bưu điện, đề nghị cung cấp thêm thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ… để đối chiếu.

Nhiều người nhẹ dạ đã làm theo, tiếp đó nhóm lừa đảo viện cớ người có bưu phẩm đang nợ cước viễn thông, tiền nợ ngân hàng hoặc đang bị khởi kiện… nên chưa thể nhận bưu phẩm.

Chờ khổ chủ phản ứng rằng không có chuyện đó, nhóm này sẽ thông báo “có cán bộ công an làm việc ở đây, chúng tôi sẽ nối máy để gặp…”.

Kế đến, một giọng khác tự giới thiệu là điều tra viên hoặc người của VKSND Tối cao, nói nạn nhân đang liên quan đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy hoặc cầm đầu một số vụ án. Những tấm ảnh chụp lệnh khởi tố hay bắt tạm giam được gửi qua điện thoại đến người nghe máy.

Người nghe điện thoại vì nhìn giấy giống của cơ quan chức năng, lại thấy tên tuổi, địa chỉ của mình rất đúng nên hoang mang, lo sợ. Từ đó, họ ngoan ngoãn thực hiện yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản vào địa chỉ mà “điều tra viên” hướng dẫn với lý do “phong tỏa tài khoản, lúc nào điều tra xong sẽ trả lại”. Khi thực hiện yêu cầu, số tiền này coi như đã vào tay nhóm lừa đảo bởi nó lập tức đi qua nhiều tài khoản thông qua Internet banking nhằm xóa dấu vết.

Theo Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02, Công an TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm